Thứ năm, 18/04/2024 21:16 (GMT+7)
Thứ hai, 12/09/2022 13:00 (GMT+7)

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra về lĩnh vực địa chất khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên cả nước nói chung và địa bàn huyện Yên Định (Thanh Hóa) nói riêng trong những năm qua đã cơ bản đi vào nền nếp, nghiêm túc thực hiện các chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản.

Được biết, trên địa bàn huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) hiện nay có 5 nhà máy sản xuất gạch ngói, 7 nhà máy sản xuất gạch không nung, 4 doanh nghiệp hoạt động khai thác cát và 37 doanh nghiệp, với 38 mỏ đá ở 4 xã, thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Lâm, với 36 mỏ đá vôi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác và thuê đất, với thời hạn khai thác từ 12 đến 30 năm.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra về lĩnh vực địa chất khoáng sản - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện trong những năm qua đã cơ bản đi vào nền nếp, nghiêm túc thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Qua công tác kiểm tra, các đơn vị khai thác khoáng sản được cấp phép trên địa bàn đã có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định của tỉnh, của địa phương, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn lao động.

Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm mở rộng quy mô, công suất, thiết bị hiện đại, công nghệ khai thác có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc khai thác trong mốc giới, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh và các biện pháp bảo vệ môi trường...

Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị khai thác khoáng sản chưa thực hiện đúng quy định trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản. Trong năm 2020, UBND huyện Yên Định đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, đã phát hiện, xử lý hành chính 10 trường hợp vi phạm, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 105 triệu đồng.

Ngoài ra, Công an huyện đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thành lập chuyên án xử lý lập biên bản vi phạm và trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt Công ty TNHH Nhật Linh tại xã Yên Thái, với số tiền 470 triệu đồng. Đầu năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên huyện tạm dừng việc kiểm tra, giám sát về hoạt động khai thác khoáng sản.

Từ tháng 7/2021 đến nay, UBND huyện đã kiểm tra 26 doanh nghiệp hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại thị trấn Yên Lâm, thị trấn Quý Lộc và xã Định Tăng. Cùng với đó, hằng năm Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện còn phối hợp với các cơ quan chức năng, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong quá trình khai thác chưa đảm bảo các quy định của pháp luật, các loại phương tiện vận chuyển quá tải trọng làm hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng môi trường sống của người dân...

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, thời gian tới, ngoài việc tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan, huyện Yên Định tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu các xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản; lắp đặt, kết nối camera từ khu vực mỏ, khu vực sản xuất chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp về đơn vị mình để theo dõi, quản lý và giám sát trữ lượng khai thác; tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng dân cư trong công tác kiểm tra, giám sát đơn vị khai thác khoáng sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ khai thác tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn lao động, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động...

Sau 10 năm triển khai Chiến lược khoáng sản: Nhiều kết quả khả quan

Đối với khoáng sản than, công tác thăm dò, khai thác, chế biến đến nay đã đạt được các nội dung cơ bản của định hướng chiến lược, than nâu vùng Đồng bằng Sông Hồng khoan sâu đến 1100m.

Về khoáng sản phóng xạ (urani), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu về trữ lượng khi thăm dò quặng urani tại Pà Lừa-Pà Rồng (Quảng Nam). 

Với quặng đất hiếm, đã hoàn thành thăm dò các mỏ Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái).

Đối với khai thác, chế biến quặng đồng, đã hoàn thành đầu tư và vận hành đồng bộ tổ hợp khai thác - tuyển quặng đồng tại mỏ đồng Sinh Quyền, Tà Phời và nhà máy luyện đồng kim loại tại Bản Qua, Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai).

Đối với khoáng sản không kim loại, cụ thể là khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, các mỏ đá vôi, đã sét đã thăm dò đủ trữ lượng để khai thác theo quy hoạch. Ngành công nghiệp khai thác, sản xuất xi măng của Việt Nam phát triển nhanh chóng, sản lượng tăng gấp 2 lần sau 10 năm đưa Việt Nam vào danh sách top 5 thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga).

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường công tác quản lý, thanh tra về lĩnh vực địa chất khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới