GÓC NHÌN KINH TẾ MÔI TRƯỜNG: Hiện tượng các dự án dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp
Hiện tại tỉnh Quảng Ninh có nhiều dự án sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng. Điều đáng nói, những dự án này đều nằm sát Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Một trong những di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận tới lần thứ 2 liên tiếp.
LỜI TÒA SOẠN
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản.
Trong phần Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản có nêu: Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công.
Cùng với đó, trong thời gian qua, Tòa soạn tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.
Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội thì các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế môi trường luôn được các chuyên gia đầu ngành trong Hội đặc biệt quan tâm thông qua cơ quan ngôn luận của Hội.
Trước đó, thông qua các hoạt động về tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã lên tiếng phản ánh nhiều sự việc lớn như: Vấn đề khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; Vấn đề khai thác, chế biến về bô xít tại khu vực Tây Nguyên và tham gia góp ý phản biện vào nhiều dự thảo luật của các bộ ban ngành... Các vấn đề sau đó được Đảng và Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất tích cực và thiết thực, thông qua các kiến nghị của Hội, nhiều vấn đề quan trọng được tháo gỡ và phổ biến một cách rộng rãi...
Tiếp nối những hoạt động đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới. Và tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, trong khuôn khổ tuyến bài viết về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin gửi tới Quý bạn đọc một số thông tin ghi nhận tại những địa điểm ven biển có xuất hiện đất đá thải mỏ tại địa bàn Quảng Ninh.
Đồng thời, tuyến bài cũng sẽ đưa những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất và một số giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường để sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ nhằm phát triển Quảng Ninh một cách bền vững như mong muốn của Đảng và Chính phủ đang thực hiện trên khắp đất nước.
Mặt khác, tuyến bài cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách tại tỉnh Quảng Ninh có cái nhìn tổng thể về hiện tượng này, nếu có ảnh hưởng thì kịp thời cảnh báo, khắc phục, tuyên truyền để giữ vững là một trong những địa phương phát triển vững mạnh trên mọi mặt trận.
Và đặc biệt hơn, tuyến bài này cũng nhằm mục đích góp ý một phần nào về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi.
Hiện trạng thực tế
Từ giữa năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) về phương án sử dụng đất đá tại các bãi thải mỏ than để san lấp mặt bằng các dự án.
Theo đó, phương án này được cho là phù hợp với bối cảnh các bãi đang chất lên thành những ngọn núi khổng lồ. Đồng thời, cũng để đảm bảo môi trường, tránh việc phải khai thác đất, đá san lấp dự án mới. Bởi những năm qua, để phục vụ xây dựng dự án, tỉnh này đã phải sử dụng hàng trăm triệu tấn đất, đá từ núi, đồi tự nhiên để san lấp mặt bằng.
Tính toán trong Phương án Khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh kèm theo công văn 1400 ngày 11/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là hơn 700 triệu m3.
Cũng theo số liệu trong công văn trên, trung bình mỗi năm, các mỏ than ở Quảng Ninh phát sinh trên 150 triệu m3 đất đá thải mỏ. Vẫn còn hơn 1 tỷ m3 đất đá đổ thải nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là hậu quả của việc khai thác than lộ thiên suốt nhiều năm qua.
Ghi nhận thực tế, hiện có nhiều dự án được sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng. Các dự án này tập trung chủ yếu ở một số địa phương như huyện Vân Đồn, TP.Cẩm Phả và cả TP.Hạ Long.
Để tìm hiểu hiện trạng các dự án, Nhóm PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có nhiều ngày tìm hiểu, khảo sát tại các địa điểm nêu trên.
Như tại huyện Vân Đồn, dự án được ghi nhận đã và đang sử dụng đất đá thải mỏ để sản lấp mặt bằng tương đối lớn là dự án Khu đô thị Ao Tiên Vân Đồn, nằm trên địa phận xã Hạ Long. Những hình ảnh ghi nhận vào đầu tháng 9/2023 cho thấy, gần như toàn bộ mặt bằng diện tích của dự án này đã được san lấp hoàn chỉnh. Phần lớn diện tích này đã được đổ thêm lớp đất, đá trên bề mặt. Tuy nhiên, tại một số điểm, vẫn bắt gặp trữ lượng đất đá thải mỏ lộ thiên.
Quan sát bằng mắt thường, bề mặt mặt bằng tại đây xuất hiện nhiều than cục, than kíp lê nằm lổn nhổn. Nhiều đoạn, do nước mưa xối, từng vỉa than chìa ra ngoài phía vịnh Bái Tử Long như chực đổ sập. Đặc biệt, vào những hôm mưa to, chúng tôi ghi nhận một lượng lớn nước ngấm từ thải than đen sì, chảy từng dòng rồi đổ thẳng ra Vịnh Bái Tử Long. Khoảng cách từ những điểm nước thải này đổ ra vịnh chỉ vài trăm, thậm chí vài chục mét.
Theo tìm hiểu, chủ của dự án này là Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền. Tên đầy đủ của dự án là Khu đô thị du lịch và bến cảng cao cấp Ao Tiên, với tổng diện tích lên tới 115ha. Dự án này nằm ở vị trí đắc địa mặt biển Hạ Long, được tỉnh Quảng Ninh giao cho doanh nghiệp triển khai, xây dựng từ cuối năm 2004 với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.
Bên cạnh dự án, nhóm PV cũng ghi nhận được lượng lớn than còn nằm lẫn trong khu vực bãi đổ thải của dự án Ao Tiên. Bãi này nằm ở vị trí đối diện khu du lịch của doanh nghiệp Mai Quyền, đua tận ra vịnh Bái Tử Long.
Tiếp tục ghi nhận thực tế, PV còn chứng kiến một đoạn dài của bãi thải đã bị sạt trượt, trôi thẳng xuống vịnh. Nhiều đoạn, sóng đánh ngược vào bãi thải, khoét thành từng dải như hàm ếch. Không rõ, từ khi hình thành bãi thải này, bao nhiêu đất đá, đất đá thải mỏ của dự án Ao Tiên đã “bồi lấp” ra vịnh Bái Tử Long?
Để tìm hiểu sâu hơn quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã liên lạc với ông Tạ Đức Quyết, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền. Ông Quyết còn được biết tới với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, liên lạc qua điện thoại, ông Quyết đã không hồi âm thông tin.
Trao đổi với ông Đỗ Mạnh Ninh, Chủ tịch UBND xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) cho biết, dự án Khu Đô thị Ao Tiên đã thực hiện việc san lấp mặt bằng và triển khai từ nhiều năm trước, trong khi bản thân mới về công tác nên không nắm được nhiều thông tin. Ông Ninh đề nghị, để biết cụ thể quá trình triển khai xây dựng, phóng viên nên liên hệ UBND huyện Vân Đồn và phòng ban liên quan để nắm bắt.
Cũng theo ông Ninh, ngoài dự án Ao Tiên, một dự án của doanh nghiệp khác là CEO Group với tên Sonasea Vân Đồn cũng đã hoàn thành việc san nền, đang triển khai xây dựng nhiều năm qua. Còn quá trình san lấp mặt bằng, sử dụng vật liệu san lấp là gì, ông Ninh cho biết không nắm được.
Ông Ninh cũng thông tin thêm, riêng Dự án nâng cấp tuyến đường 334 đi Cái Bầu (Vân Đồn) nằm trên địa bàn xã Hạ Long do Ban QLDA công trình giao thông (Sở GTVT Quảng Ninh) làm chủ đầu tư cũng dừng việc triển khai hơn một năm nay. Lý do là vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng để thi công. Còn về việc dự án này dùng vật liệu gì để san lấp, ông Ninh chia sẻ không nắm được.
Ngay tại trung tâm huyện Vân Đồn là Thị trấn Cái Rồng, 2 dự án khác là KĐT Nam Sơn và KĐT Thống Nhất cũng được người dân phản ánh thông tin là sử dụng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp từ nhiều năm trước. Cả 2 dự án đều nằm dọc theo đường ven biển của Thị trấn Cái Rồng. Trong đó, riêng dự án KĐT Thống Nhất được triển khai từ năm 2003 và đã hoàn thành, đi vào sử dụng nhiều năm qua.
Để có câu trả lời cho những vấn đề trên, PV đã làm việc với ông Bùi Văn Hường, Chủ tịch UBND Thị trấn Cái Rồng. Ông Hường khẳng định, từ rất lâu trước đây, cả 2 dự án nêu trên đều sử dụng đất đá thông thường để san lấp mặt bằng. Và thời gian gần đây, trên địa bàn thị trấn cũng không có dự án nào sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh.
Trong khi đó, khi PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đề cập đến câu chuyện những thuận lợi và khó khăn khi đưa vật liệu đất đá thải mỏ vào sử dụng tại một số dự án trên địa bàn Vân Đồn, ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn thông tin, địa phương không có gì vướng mắc và khó khăn.
Có hẳn cụm công nghiệp nằm trên bãi thải mỏ
Tiếp tục khảo sát, Nhóm Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tìm tới Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, thuộc thành phố Cẩm Phả. Điều khác biệt ở Cụm Công nghiệp này là toàn bộ diện tích mặt bằng 75ha trước đây vốn là bãi thải mỏ của các nhà máy than trên địa bàn.
Cụm công nghiệp này do Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh làm chủ đầu tư, được khánh thành vào năm 2019. Trong tổng 75ha, được chia ra 31 ô đất dịch vụ và 238 ô đất công nghiệp, tổng mức đầu tư trên 739 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021, tỷ lệ lấp đầy của Cụm công nghiệp đạt trên 80% diện tích với 150 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất và 50 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 520 người lao động. Tuy nhiên, đến nay, trên thực tế, số doanh nghiệp về hoạt động sản xuất mới đạt trên 40% diện tích.
Trao đổi với PV, ông Tăng Xuân Vĩnh, Giám đốc BQL Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh cho biết, năm 2018, doanh nghiệp được giao mặt bằng để triển khai dự án. Ông Vĩnh khẳng định, thời điểm nhận mặt bằng, đây vốn là bãi thải mỏ của nhà máy than. Việc san lấp mặt bằng đơn giản chỉ là dùng máy móc san gạt đất đá thải mỏ tồn tại từ trước để tạo nền. Chính vì vậy, chỉ đến ngày 30/4/2019, doanh nghiệp này đã tổ chức khánh thành cụm công nghiệp.
Ông Vĩnh chia sẻ, việc xây dựng trên nền đất đá thải mỏ không có gì khó khăn, thậm chí mặt bằng còn chắc chắn hơn so với sử dụng đất đá thông thường san lấp.
Khi được hỏi về những dấu hiệu tác động môi trường của việc này, ông Vĩnh khẳng định, chưa phát hiện ra điều gì bất thường.
Ghi nhận thực tế, trong khu vực cụm công nghiệp đang tồn tại một hệ thống kênh mương, tiếp nhận một phần nước thải sinh hoạt từ TP.Cẩm Phả, đổ ra vịnh Bái Tử Long. Bằng mắt thường có thể thấy, nguồn nước có màu đen, vẩn đục. Hai bên bờ mương, nhiều loại cây thủy sinh bị bám bởi một chất bột đen kịt rồi héo úa và chết. Mực nước dâng tới đâu, “dấu tích” của vệt đen để lại tới đó cùng nhiều mảng cây chết trôi, lập lờ trong làn nước.
Đất đá thải mỏ dùng để san lấp có chất lượng ra sao?
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuối tháng 8/2023 các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.
Theo kết quả phân tích mẫu đất đá thải được lấy tại các vị trí như KĐT Ao Tiên (Vân Đồn), Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả), KĐT Dragon City (Cẩm Phả), KĐT Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long), Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, một số mẫu tại các bãi thải mỏ: Hà Lầm; Cao Sơn; Đông Dương; Vàng Danh; Hòn Gai; Uông Bí cho thấy có Hàm lượng % than trong mẫu đã lấy. Có những mẫu Hàm lượng % than lên đến 17.3%.
Theo đánh giá của các nhà khoa học: Tất cả các mẫu phân tích lấy từ bãi thải đã đưa san lấp và đất đá thải mỏ khác đều chứa than. Có 2 mẫu đất đá thải san lấp chứa hàm lượng than rất cao (15,2 và 17,3 %).
Các mẫu đất đá thải Hà Lầm và Vàng Danh cần tuyển để thu hồi than chứa trong đất đá thải > 5%. Các mẫu đất đá thải của các mỏ Cao Sơn và Uông Bí chứa lượng than có thể gây ra ô nhiễm biển vùng đổ đất đá thải lấn biển.
Tiếp đó, các nhà khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đưa ra lưu ý: Cần có quy trình phân loại đất đá thải (tách ra khỏi bước nghiền sàng) trước khi nghiền sàng (tránh tạo ra lỗ hổng chứa nước ô nhiễm trong nền đất) và tạo ra nguy cơ gây thương tích cho người ở các bãi tắm.
Ô nhiễm than và kim loại nặng trong trầm tích có nguồn gốc từ nước thải chứa than từ các mỏ và dây truyền tuyển than chưa xử lý, đất đá thải đổ san lấp mặt bằng, cũng như hoạt động vận chuyển than trên biển.
Theo các nhà khoa học kiến nghị, đây cũng chỉ là nghiên cứu độc lập và cần thêm các tổ chức khác cùng vào nghiên cứu đánh giá và đưa ra các kết quả tiếp đó. Nếu vẫn đúng với kết quả này thì cần phải có những định hướng chỉ đạo từ tỉnh Quảng Ninh để tuyên truyền, phổ biến và có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Nhóm Phóng viên