Nhiều bất cập ở các điểm xử lý rác thải tại Thái Nguyên
Nơi xử lý rác thải lại trở thành nguồn phát sinh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Người dân sống cùng khói, tiếng ồn
Ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều 'điểm nóng'. Vì vậy, bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết, nhằm bảo vệ và phát triển môi trường sống của toàn xã hội.
Tại Thái Nguyên, nỗi lo hiện nay về tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh của các hộ dân đang sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công luôn thường trực hàng ngày.
Khu liên hiệp xử lý chất thải Sông Công có địa chỉ tại xóm Tân Mỹ 2, xã Tân Quang, TP.Sông Công với diện tích hơn 26,5 ha. Khu liên hiệp xử lý chất thải Sông Công gồm có 2 đơn vị đang hoạt động là Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Sông Công thuộc quản lý của UBND thành phố Sông Công.
Một đơn vị khác hoạt động trong khu Liên hiệp này là Công ty TNHH Môi trường Sông Công chuyên xử lý và tái chế chất thải. Được kỳ vọng là sẽ mang lại lợi ích về môi trường, xử lý rác thải hiện đại theo công nghệ cơ sinh học (MBT - CD.08) với tổng công suất xử lý chất thải lên đến 3.530 tấn/ngày, tổng mức đầu tư trên 1,2 nghìn tỷ đồng.
Trái ngược với những kỳ vọng được đưa ra, từ khi đi vào hoạt động, người dân sống gần khu Liên hiệp xử lý chất thải Sông Công đang hàng ngày phải sống chung với khói bụi và tiếng ồn.
Người dân xóm Tân Mỹ 2, xã Tân Quang phản ánh tình trạng nhà ở gần bãi xử lý rác, cả ngày lẫn đêm phải nghe tiếng ồn từ nhà máy, người già và trẻ nhỏ liên tục bị ho vì ngày ngày hít phải mùi khét từ nhà máy xả ra. Có những hôm gió thổi vào nhà bụi bám chặt lên tường thành từng mảng.
Mới đây, nhiều hộ dân tại xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công liên tục phản ánh về tình trạng diện lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang không thể canh tác, do bị ngập nước thải từ bãi rác trong Khu liên hiệp gây ra. Nước thải có màu ngả vàng và liên tục sủi bọt trắng xóa, mùi hôi thối nồng nặc. Nước thải còn kéo theo cả rác thải, túi nylon. Cả khu ruộng giờ không thể canh tác, nhìn cũng không khác gì một bãi rác thải.
Nằm trong khu liên hợp này, Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Sông Công thuộc quản lý của UBND TP.Sông Công đang quản lý bãi chôn lấp rác thải của thành phố Sông Công, rộng khoảng 5ha. Hình thức chôn lấp rất thô sơ. Đây chính là nơi xả nước thải ra khu ruộng của bà con.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Trọng Lư - Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết, địa phương đã nắm được việc nước thải tiếp tục chảy ra khu cánh đồng của người dân. Ngay khi nhận được thông tin về tình trạng xả thải tái diễn, xã đã có thông tin đến Phòng TNMT TP.Sông Công. Đối với xã Bá Xuyên, điểm cuối xả thải nằm trên địa phận xã quản lý, trong khi đó, vị trí điểm đầu ống cống đấu nối trực tiếp với ao lại nằm trên địa phận xã Tân Quang (TP.Sông Công) nên khó khăn trong công tác kiểm tra.
Được biết, UBND thành phố Sông Công đã có văn bản giao phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Tân Quang làm việc với Công ty TNHH Môi trường Sông Công yêu cầu Công ty chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và cũng đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đối chiếu kết quả quan trắc tự động, kiểm tra, xử lý về ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH môi trường Sông Công để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì phối hợp với UBND thành phố Sông Công, UBND xã Bá Xuyên và Công ty TNHH Môi trường Sông Công làm việc, xác minh nội dung môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công nằm trên địa bàn 02 xã Tân Quang và Bá Xuyên của Thành phố Sông Công.
UBND thành phố Sông Công có Công văn số 575/UBND-QLĐT, ngày 07/3/2024 cho biết, UBND thành phố Sông Công tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Môi trường Sông Công đẩy nhanh tiến độ và trình cấp có thẩm quyền giao đất để triển khai dây truyền đốt rác thải sinh hoạt; phối hợp với Công ty CP môi trường và Công trình đô thị Sông Công để xử lý rác thải sinh hoạt trong khi chưa xây dựng được dây truyền đốt rác đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm ra môi trường; kiểm tra, giám sát kịp thời và xử lý khi có trường hợp ô nhiễm phát sinh.
Kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên sớm xem xét có biện pháp xử lý triệt để cải thiện nguồn nước, trả lại môi trường trong sạch, cho cuộc sống, sức khỏe của người dân sống gần Khu liên hiệp xử lý rác thải đỡ bị ảnh hưởng.
Đừng để tốn tiền tỷ chôn rác mà vẵn tăng nguy hại môi trường?
Một thực trạng khác về vấn đề môi trường đang diễn ra tại Bãi rác Phúc Thành, huyện Đồng Hỷ cũng cần được xử lý kịp thời để bảo vệ môi trường và sức khoẻ của hàng trăm hộ dân sống gần nơi đây.
Bãi rác Phúc Thành đi vào hoạt động từ năm 2006 với diện tích khoảng 5ha. Đây hiện là bãi rác duy nhất của huyện Đồng Hỷ, trung bình mỗi ngày có khoảng 35 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom từ 12 xã, thị trấn trong huyện vận chuyển về để xử lý.
Mỗi năm, huyện Đồng Hỷ bố trí nguồn ngân sách khoảng 1 tỷ đồng thuê một đơn vị thực hiện việc xử lý rác thải tại đây bằng hình thức chôn lấp tạm thời.
Tuy nhiên, ngày 9/12/2023 xảy ra cháy tại bãi rác Phúc Thành. Bãi rác rộng khoảng 3-4 ha. Gần như toàn bộ diện tích đều có khói bốc lên. Lượng khói quá lớn, theo gió tràn qua núi, ảnh hưởng tới các khu dân cư cách đó cả cây số. Mùi khét khiến nhiều người ngửi phải là ho. Phải mất hơn 1 tuần, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng mới dập tắt hoàn toàn được đám cháy.
Sau sự cố đó, công tác xử lý rác thải tại đây bị tạm dừng do nhiều nguyên nhân. Chủ yếu đến từ việc đơn vị xử lý rác thải là Hợp tác xã môi trường Nhất Tâm không có đủ kinh phí để tiếp tục thực hiện việc chôn lấp rác thải.
Từ đó đến nay, toàn bộ lượng rác thải sau khi thu gom, vận chuyển về đây được chất thành từng đống lớn nhỏ, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Theo thống kê, lượng rác thải tồn đọng tại bãi rác Phúc Thành hiện khoảng 3.000 tấn và vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày.
Để giải quyết trước mắt tình trạng này, UBND huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo Ban Quản lý đô thị và vệ sinh môi trường huyện phối hợp với đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển rác thải tiến hành phun hóa chất khử khuẩn, rắc vôi bột thường xuyên đối với lượng rác thải chưa được xử lý, nhằm hạn chế mùi hôi thối và ruồi nhặng, ảnh hướng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn tất thủ tục để tiến hành đấu giá, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực xử lý lượng rác thải tồn đọng tại bãi rác Phúc Thành ngay trong tháng 3.
Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm những tồn tại ở bãi rác Phúc Thành, cũng như những bất cập trong công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, UBND huyện Đồng Hỷ đã quy hoạch khu vực xây dựng Dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại xã Nam Hòa và Cây Thị, với tổng diện tích hơn 18ha. Hiện nay, UBND huyện đang tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn tất thủ tục đấu thầu để mời gọi, thu hút nhà đầu tư triển khai Dự án.
Với quyết tâm xây dựng Đồng Hỷ trở thành huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2025, thời gian tới huyện cũng cần giải quyết dứt điểm các vấn đề về môi trường để đảm bảo môi trường sống xanh, sạch đẹp cho người dân.
Theo lý giải của các nhà khoa học, chôn lấp rác tập trung không phải là giải pháp tốt mà còn nguy hại cho môi trường. Việc thu gom rác thải sinh hoạt riêng lẻ về bãi chôn lấp tập trung chẳng qua là việc làm “khuất mắt” người dân, chuyển ô nhiễm từ nơi này đến một nơi khác và ô nhiễm tập trung hơn, nhiều hơn. Lượng nước rỉ rác từ các bãi rác khổng lồ được chôn lấp nhiều năm sẽ thẩm thấu qua các tầng đất, nhất là các tầng cát nằm ngay trên mạch nước ngầm. Nước rác không chỉ xâm nhập vào nước ngầm mà còn len lỏi ra các con sông, kênh rạch. Điều này rất nguy hại cho môi trường nước, ảnh hướng đến hoạt động canh tác của người dân.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường cho hay, để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi xử lý rác thì chính quyền địa phương cần xem xét tới vấn đề quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật, nếu xây dựng chưa đúng phải hoàn thiện và sửa cho đúng kỹ thuật.
Ngoài ra, bãi rác không có biện pháp xử lý nước thải, để nước rỉ rác chảy thẳng ra môi trường là sai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Việc để nước rỉ rác phát tán ra môi trường mà làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, kinh tế của người dân thì còn phải thực hiện nghĩa vụ đền bù và buộc phải khắc phục sự cố môi trường. Thứ nữa, chính quyền địa phương cần phải lắng nghe ý kiến của người dân, có các biện pháp khắc phục môi trường ngay lập tức để không ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi xử lý rác thải, đơn vị vận hành bãi rác phải nhanh chóng khắc phục, ngăn chặn không để nước rỉ rác chảy ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân sống xung quanh. Có biện pháp xử lý mùi hôi phát tán từ bãi rác. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện về quy hoạch bãi rác, xây dựng trạm xử lý rác đúng quy chuẩn, xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác đúng quy chuẩn, xử lý việc phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời phải xây hành lang bảo vệ môi trường xung quanh bãi rác, áp dụng các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Nguyên Mạnh