Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Xê Út đặt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2060
Thái tử Ả Rập Xê Út cho biết, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này đang đặt mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính ở mức "0 ròng" vào năm 2060, muộn hơn Mỹ 10 năm.
Đất nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới dự kiến cũng sẽ tăng gấp đôi lượng cắt giảm khí thải mà họ có kế hoạch đạt được vào năm 2030.
Thái tử Mohammed bin Salman và Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết, nước này sẽ không đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên vẫn sẽ cố gắng dể cân bằng việc duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Những thông tin kể trên được đưa ra tại Diễn đàn Sáng kiến Xanh của Ả Rập Xê Út (SGI) trước thềm COP26 - hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow vào cuối tháng, với những nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.
Mỹ, quốc gia phát thải lớn thứ 2 thế giới đã cam kết đạt được con số trung hòa carbon vào năm 2050. Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia phát thải lớn nhất và lớn thứ 3 thế giới, đã không đưa ra những cam kết trong khoảng thời gian tương tự.
Amin Nasser, Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí quốc doanh Saudi Aramco, nói rằng Aramco đặt mục tiêu mở rộng năng lực sản xuất dầu khí đồng thời đạt được mức phát thải ròng từ các hoạt động của chính mình vào năm 2050. Người này cũng kêu gọi đầu tư toàn cầu nhiều hơn để đảm bảo cung cấp đủ dầu thô trong thời gian tới.
Thái tử Mohammed cho biết trong một phát biểu được ghi lại rằng vương quốc này đặt mục tiêu đạt mức không ròng vào năm 2060 theo chương trình kinh tế carbon vòng tròn của mình, "đồng thời duy trì vai trò hàng đầu trong việc tăng cường an ninh và ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu".
Ông cho biết Ả Rập Xê Út sẽ tham gia một sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí mê-tan 30% so với mức năm 2020 vào năm 2030, điều mà cả Mỹ và EU đều đang khẩn trương hướng tới.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, trong một cuộc điện đàm với Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz đã hoan nghênh các sáng kiến của vương quốc nhằm giảm lượng khí thải.
SGI đặt mục tiêu loại bỏ 278 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm vào năm 2030, tăng so với mục tiêu trước đó là 130 triệu tấn. Sáng kiến SGI sẽ liên quan đến các khoản đầu tư hơn 700 tỉ riyals (190 tỉ USD) trong khoảng thời gian đó.
Nền kinh tế Ả Rập Saudi vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, mặc dù chính quyền đang cố gắng thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế.
Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết thế giới cần nhiên liệu hóa thạch cũng như năng lượng tái tạo. Ông nói: “Nó phải là một giải pháp toàn diện. Chúng ta cần có tính bao trùm, điều này đòi hỏi phải cởi mở để chấp nhận những nỗ lực của người khác miễn là họ muốn giảm lượng khí thải."
Ông nói rằng mức phát thải “0 ròng” có thể đạt được trước năm 2060 nhưng vương quốc cần thời gian để thực hiện mọi việc một cách phù hợp.
Một nhà sản xuất dầu khác của Vùng Vịnh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong tháng này đã công bố kế hoạch phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước đó, nhà máy năng lượng tái tạo đầu tiên của Ả Rập Xê Út đã mở cửa vào tháng 4 và trang trại gió đầu tiên của họ bắt đầu hoạt động vào tháng 8 năm nay. Họ cũng đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 5 tỉ USD để sản xuất hydro, một loại nhiên liệu sạch đang được khuyến khích phát triển cho tương lai.
Nguyên Đỗ