Thứ tư, 23/10/2024 16:54 (GMT+7)
Thứ tư, 03/07/2024 17:14 (GMT+7)

Nhà báo, nhà văn Mị Dung lần đầu nói về chuyện phải được trả nhuận bút tương xứng với tác phẩm

Theo dõi KTMT trên

"Những tác phẩm phóng sự, điều tra hay xã hội hiện vẫn được trả mức nhuận bút chưa tương xứng. Tôi nghĩ cần khuyến khích những bài viết chất lượng, có giá trị bằng cả sự trân quý và cả tiền nữa", nhà báo Mị Dung nói.

P.V: Như chia sẻ trước đó với chúng tôi (Phóng viên TC KTMT), chị có ước mơ trở thành một cô giáo sau khi tốt nghiệp trường Đại học Đà Lạt, vừa để gần nhà và thỏa niềm mong ước của cha mẹ. Nhưng hiện tại chị lại là một Nhà văn, Nhà báo, lý do vì sao chị lại "rẽ ngang ước mơ" của mình như vậy?

Nhà báo, Nhà văn Mị Dung: Bạn đã hỏi một câu hỏi như chạm vào cảm xúc của tôi vậy ngay lúc này. Nghề báo đến với tôi như một cơ duyên. Năm 2013 tôi tốt nghiệp Đại học Đà Lạt và trở về quê hương Bình Định theo như nguyện vọng của cha mẹ. Tôi làm phóng viên, phát thanh viên cho đài phát thanh truyền hình Hoài Nhơn (Bình Định), nhưng chưa được 2 tháng thì tôi quyết định vào thành phố Quy Nhơn với mong muốn trở thành một giáo viên.

Hồi đó, hay ước làm giáo viên, cho rằng nghề giáo là nghề sang trọng và được xã hội trọng vị, kính nể. Nhờ vậy, nên tôi đã nộp đơn vào nhiều trường để hòng mong được chân dạy hợp đồng, nói gì được biên chế. Nhưng hồi ấy dễ gì, muốn xin việc ở quê phải quen biết, phải con ông cháu cha. Tôi thì lại là con của ba má tôi. (PV- Mị Dung nở một nụ cười tươi hạnh phúc khi chia sẻ về điều này)

Rồi thành phố biển cũng lại không giữ nỗi chân tôi và tôi quyết định vào TP.Hồ Chí Minh, một thành phố nhộn nhịp hơn, năng động hơn để mưu sinh và tìm cho mình một cơ hội mới- ước mơ mới.

Nhà báo, nhà văn Mị Dung lần đầu nói về chuyện phải được trả nhuận bút tương xứng với tác phẩm - Ảnh 1

Khi đó, hành trang tôi vào TP.Hồ Chí Minh "lập nghiệp" là vài bộ quần áo cũ và một chiếc laptop...cổ, cũ. Ba tôi không muốn tôi rời xa quê hương chính vì vậy ông không cho tôi mang theo một đồng xu nào lận lưng. Rất may lúc đó tôi có một người bạn đã giúp đỡ.

Sau khi ổn định được chỗ ở, tôi nộp đơn xin vào Báo Giao thông (Văn phòng đại diện phía Nam) theo chỉ dẫn của một chị gái đồng hương (Mà nay chị ấy cũng đã bỏ nghề báo về quê làm bà chúa đảo-PV).

Lúc đó, anh Bùi Phụ đang giữ chức Trưởng đại diện của văn phòng phía Nam tiếp nhận tôi vào thử việc. Tôi được tòa soạn Báo Giao Thông trả mức lương thử việc là 500.000₫/tháng. Nói chớ 500.000 đồng ấy cũng khá lớn cách đây chừng 8-9 năm về trước thì giống như bây giờ được 2 triệu vậy. Tôi tiêu khá tiết kiệm và chưa bao giờ dám mua cho mình bất kỳ một chiếc áo mới nào. Nhiều lúc tủi thân muốn khóc, muốn gọi về xin ba má, nhưng lại sợ ba má khuyên rằng thôi hãy về nhà đi con đừng ở nơi đất khách quê người. Thế là tôi thực hiện chiến dịch... "thắt lưng buộc bụng".

P.V: Khi đã bước một chân vào nghề báo rồi. Chị có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất không?

Nhà văn, Nhà báo Mị Dung: Bạn hỏi tôi nhớ gì nhất ư? (Mị Dung cười-PV) Thực tế, khi đó tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, nhưng có lẽ tôi nhớ nhất là lúc anh Bùi Phụ in bài viết của tôi ra, vò cục lại rồi chọi vào mặt tôi nói, viết như thế này mà cũng đòi làm báo hả. Tôi cũng không hiểu vì sao mà tôi lại có thể chai mặt để tiếp tục ở lại Báo Giao Thông tiếp sau lần bị Sếp mắng te tát.

Hồi đó vui, cả cơ quan ai cũng yêu quý tôi vì tôi nhỏ nhất và vì tôi cũng có tính khiếu hài hước hay chọc người này hay trêu người kia. Bây giờ gặp lại những đồng nghiệp cũ, hầu hết các anh chị đều nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa và cười rôm rả.

Nhà báo, nhà văn Mị Dung lần đầu nói về chuyện phải được trả nhuận bút tương xứng với tác phẩm - Ảnh 2

PV: Khó khăn lớn nhất trong đời mà bạn gặp phải trong nghề là gì, bạn đã vượt qua nó như thế nào?

Nhà văn, Nhà báo Mị Dung: Tôi là một cô gái dân tỉnh lẻ hay đúng hơn tôi là một cô gái thôn quê. Tôi không có ba mẹ cũng không có anh chị em nào ở thành phố để cậy nhờ. Những ngày tháng phải vật lộn với khó khăn về vật chất đó có lẽ là những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất. Có những ngày đến 1.000 đồng tôi cũng không có nổi trong người. Đến cô chủ nhà trọ còn bảo rằng: “Thôi không sao đâu con để tháng sau trả một lần luôn cũng được”.

Hồi đó tôi ở trọ nhà cô đó chỉ có 500.000₫/ tháng nhưng cô bao luôn cả ăn uống, coi tôi như một đứa con. Điều đó khiến tôi vô cùng trân trọng và biết ơn. 

Sau này tôi có chuyển đến một chung cư ở quận 5 rồi quận 10, quận Phú Nhuận nhưng những ngày tháng được sống cùng gia đình ở quận 4 là khoảng thời gian tôi thấy rằng rất ý nghĩa và trân trọng dù những ngày tháng đó thực sự khó khăn và thiếu thốn.

PV: Thật đặc biệt. Được biết chị vừa xuất bản một cuốn sách đầu tay, cơ duyên nào đã khiến chị từ một nhà (Nhà báo) lại thành... "hai nhà" (Nhà văn)?

Đúng giờ tôi là..."Hai Nhà", bạn hỏi rất hay. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thành tiếp một...nhà... đó là Nhà văn nữa. Tôi nghĩ để trở thành một Nhà văn thực thụ, bản thân tôi cần lối ngôn ngữ biệt dị và phải có góc nhìn sâu sắc nhân văn. Mà tôi quả thực nghĩ mình không có năng lực đó, vì bản thân còn trẻ và còn ít vốn sống kinh nghiệm thực tế.

Để làm được việc đó, tôi đặt mục tiêu cho bản thân và tôi bỏ nhà lên Đà Lạt để ngồi viết lại, xâu chuỗi lại những câu chuyện mà mình đã nghe nhưng không hiểu sao tôi vẫn không viết được một chữ nào. Nên tôi lại xách vali về lại TP. Hồ Chí Minh.

Nhà báo, nhà văn Mị Dung lần đầu nói về chuyện phải được trả nhuận bút tương xứng với tác phẩm - Ảnh 3

Một hôm bỗng nhiên nhà văn Nguyễn Trí gọi cho tôi, hỏi tôi rằng: “Ủa hồi đó nghe nói con muốn viết một tác phẩm liên quan đến chuyện một người lính ngụy trở về. Thế mày đã viết xong chưa?”

Đêm hôm đó về tôi viết xong chương 1, viết xong nhưng tôi vẫn chưa dám gửi đi vì nghĩ rằng mình viết chẳng... ngon lành gì hết mà gửi đi lỡ người ta chê thì tự ái trào dâng lên lại khổ. Bởi vậy, tôi ém luôn.

Phải mất một thời gian dài, một bữa nọ tôi lấy hết can đảm gọi điện cho Nhà văn Nguyễn Trí để báo với ông rằng tôi đã viết xong chương 1, và chương 2. Ông kêu vậy thì con gửi vào email cho chú để chú đọc thử cho. Chừng tiếng đồng hồ sau chú gọi lại liền nói, mày viết ổn đó, tiếp tục viết đi con.

Được lời khen và động viên, tôi như cởi bỏ được chiếc áo giáp đang mặc vào để che đi sự e thẹn. Và lúc này, tôi tiếp tục viết, Nhà văn Nguyễn Trí laij khen khá lắm. Thế là tôi có động lực viết hết 10 chương liền. Viết có chừng chưa đầy nửa tháng là xong. Tôi thức xuyên màn đêm. Lạ lắm, không buồn ngủ gì hết, không cần ăn uống gì nhiều, tôi cứ thế ôm laptop viết. Nhà văn Nguyễn Trí đọc hết 10 chương nói, tốt lắm. Ông kêu tôi gửi Nhà xuất bản in đi. 

Thời gian gửi NXB phải nói là thử thách lòng kiên nhẫn của tôi, lòng nơm nớp lo sợ không biết tác phẩm mình có được in không hay họ lại quẳng vào một số nào đó.

Tâm trạng tôi rối bời xen lẫn lo âu. Tôi bốc máy điện thoại cho Nhà văn Nguyễn Trí để xuống thăm ông và trò chuyện cùng ông về tác phẩm tôi vừa viết xong. Sau đó, ông mời tôi xuống Đồng Nai. Chiều hôm ấy, trời mưa to lắm, nhưng tôi và nhà văn Nguyễn Trí vẫn trò chuyện cho đến tối mịt vẫn còn lưu luyến. Tôi rộn rã trở về Sài Gòn. Lúc đó ông không xưng tôi là tao mày hay chú cháu nữa, mà chuyển qua bố với con. Tôi rất bất ngờ vì điều đó. Dù có thể ấy chỉ là cách xưng hô cho vui theo lối thân thiện.

PV: Như chị đã kể, tác phẩm đầu tay chị viết về người lính về những điều xưa cũ. Là một người trẻ, chị lấy chất liệu từ đâu để làm nguyên liệu cho tác phẩm của mình? 

Nhà văn, Nhà báo Mị Dung: Đấy! Không phải đây là lần đầu tôi được nghe bạn hỏi đâu, mà câu này nhiều người hỏi lắm. Tôi lấy bối cảnh những năm 1975 để làm nguyên liệu cho tác phẩm đầu tay của mình. Khi đó tôi chưa ra đời (SN 1991-PV), là đất nước ta đã giải phóng gần 20 năm.

Có thể giải thích như thế này, tôi là một đứa trẻ từ nhỏ đã bộc lộ sự tò mò và hay hỏi tới tận cùng của sự việc. Hồi đó rất nhiều lần ba mắng tôi rằng hỏi gì mà hỏi tới riết. Tôi cười nói, thì hỏi phải hỏi cho cặn kẽ chứ hỏi lưng chừng làm sao mà hiểu được vậy ba.

Cần bật mí một chút là những người tôi phỏng vấn để viết được cuốn sách này họ đã bước vào thất thập cổ lai hy cả rồi. Có một người vừa mới mất sau khi tôi phỏng vấn họ chừng vài tháng (giọng trầm xuống và chị đã khóc-PV). Nếu như tôi chậm chân một tẹo có lẽ những câu chuyện của ông ấy sẽ mãi mãi chôn vùi trong quá khứ và chôn vùi dưới nấm mộ sâu. Tôi thật may mắn và biết ơn vì điều này.

PV: Giờ đây chị đã là một Nhà báo và được đồng nghiệp bạn bè và trong giới đón nhận chị là một Nhà văn trẻ. Vậy để là một Nhà văn có khó hay không? 

Nhà văn, Nhà báo Mị Dung: Ai muốn làm nhà văn thì sẽ thành nhà văn thôi. Vấn đề là bạn đọc họ có đón nhận mình hay không. Điều ấy mới là điều quan trọng hơn cả.

Nhà báo, nhà văn Mị Dung lần đầu nói về chuyện phải được trả nhuận bút tương xứng với tác phẩm - Ảnh 4

PV: Chị đánh giá như thế nào về cách làm việc của các Nhà báo trẻ hiện nay?

Nhà văn, Nhà báo Mị Dung: Phải nói rằng, trong bối cảnh như hiện nay, có nhiều tờ báo, tạp chí ra đời, đã mang đến nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên trường báo hay các ngành khác có cơ hội làm việc ở các tòa soạn nhiều hơn. Nhưng có một thực tế, khi lớp trẻ ngày nay họ được tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc, và một số tòa soạn báo, tạp chí lại có nhiều mối quan tâm chung thành ra việc trau rồi kiến thức chuyên môn hay chất lượng tác phẩm đang bị hạn chế. Chính những điều thực tế đó, khiến cho một số nhà báo trẻ hay phóng viên có tư tưởng tìm kiếm cơ hội khác để tăng thu nhập cho bản thân. Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây những "con sâu" làm "rầu nồi canh" đã khiến cho người ta có góc nhìn sai về người làm báo như chúng ta. Đó là điều rất đáng buồn. Nghề báo là nghề mà lẽ ra rất đáng được xã hội trân trọng, tôn vinh và cao quý. Đó là những người định hướng tư tưởng cho xã hội, những con người mang đến những tin tức nóng hổi, tốt đẹp tại sao lại phải đứng giữa những mũi tên, lằn đạn do miệng đời tạo ra?

Ngoài ra, những tác phẩm phóng sự, điều tra hay xã hội hiện vẫn được trả mức nhuận bút không cao là mấy, điều đó khiến cho một số bộ phận các nhà báo trẻ họ thường tìm đến một môi trường làm việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn. Tôi nghĩ cần khuyến khích những bài viết chất lượng, có giá trị bằng cả sự trân quý và cả tiền nữa.

PV: Nếu có lời khuyên cho người đang theo đuổi đam mê với nghề báo, nghề viết văn như chị, chị sẽ có lời khuyên gì?

Nhà văn, Nhà báo Mị Dung: Tôi thì chẳng giỏi giang gì để khuyên ai. Tôi chỉ nhắn nhủ các bạn trẻ rằng hãy tự tin, hãy xông pha để tìm ra sự thật. Nói như nhà văn Pháp Jean Lacouture: “Khuôn vàng thước ngọc trong nghề báo không phải là chỉ nói sự thật, như vậy cũng dễ thôi, mà là nói toàn bộ sự thật, điều này mới khó hơn nhiều. Nhà báo là một người tự do và có trách nhiệm chỉ cần làm hết sức mình để soi sáng người cùng thời về cách xử kiện thế giới mà không gây ra một cuộc tàn sát nữa như ở Hiroshima".

Xin trân trọng cảm ơn chị đã có buổi trò chuyện thú vị cùng với độc giả Tạp chí Kinh tế Môi trường!

Mị Dungtên thật Đỗ Thị Mỹ Dung, sinh năm 1991, quê ở Hoài Nhơn, Bình Định, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM.Cuối tháng 11.2023, chị ra mắt tác phẩm truyện dài đầu tay Ngẩng mặt nhìn mặt (NXB Hội Nhà văn) tạo nhiều sự chú ý của bạn đọc.

Mai Hoa ( thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Nhà báo, nhà văn Mị Dung lần đầu nói về chuyện phải được trả nhuận bút tương xứng với tác phẩm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới