Thứ sáu, 03/05/2024 08:38 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/11/2020 15:13 (GMT+7)

Nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng vượt ngưỡng

Theo dõi KTMT trên

Các nhà khoa học cảnh báo, khi khí thải do sử dụng nhiên liệu hóa thạch không còn, thì khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ thực phẩm con người ăn hằng ngày cũng đủ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vượt mức giới hạn.

Các nhà nghiên cứu Mỹ và Anh vừa đưa ra cảnh báo kể cả khi khí thải do sử dụng nhiên liệu hóa thạch không còn, thì khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ thực phẩm con người ăn hằng ngày cũng đủ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vượt mức giới hạn mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đề ra.

Hệ thống thực phẩm nuôi sống 7,7 tỉ  người trên Trái đất chiếm gần 1/3 lượng khí thải trên toàn cầu, bao gồm khí thải từ việc phát quang đất, phá rừng, sử dụng phân bón và chăn nuôi. Các nhà nghiên cứu cho rằng cách duy nhất để ngăn ngừa tình trạng này là thay đổi loại thực phẩm, cách thức sản xuất, cũng như điều chỉnh lượng thức ăn bị bỏ phí.

Ðồng tác giả nghiên cứu Jason Hill, giáo sư tại Khoa Công nghệ Sản phẩm sinh học và Hệ thống sinh học tại Ðại học Minnesota, Mỹ cho biết nghiên cứu cho thấy thực phẩm góp phần gây ra biến đổi khí hậu nhiều hơn những gì mọi người nghĩ.

Tuy nhiên, vấn đề này có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng phân bón hiệu quả, ăn ít thịt đi và tiêu thụ nhiều rau, quả, ngũ cốc và các loại hạt hơn và thông qua tạo ra những sự thay đổi quan trọng khác trong hệ thống thực phẩm.

Năm 2020, thế giới đã chứng kiến tháng 5 nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ ở Siberia tăng 10 độ C so với mức nhiệt trung bình.

Nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng vượt ngưỡng - Ảnh 1
Các vụ cháy rừng lan rộng ở Siberia.

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus cho rằng, thế giới đang leo dần đến ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm mà các tổ chức quốc tế cảnh báo sẽ phá hủy hành tinh nếu vượt qua ngưỡng đó.

Hồi tháng 9 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng cho biết, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015- 2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây với mức nhiệt độ cao hơn 1,1 độ C so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900 thời kỳ tiền công nghiệp và cao hơn 0,2 độ C so với giai đoạn 2011-2015.

Như vậy, 4 năm qua là thời kỳ nắng nóng nhất trên thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ năm 1850.

Báo cáo mới nhất cho thấy mức độ gia tăng về khoảng cách giữa những gì được yêu cầu thực hiện và thực tế đang diễn ra. Thay vì giảm, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) lại tăng 2% vào năm 2018 và lên mức kỷ lục 37 tỉ tấn.

Năm ngoái, mật độ CO2 trong không khí tính trung bình toàn cầu là 407,8 phần triệu (ppm), tăng 2,2 ppm so với năm 2017 và dự kiến có thể chạm hoặc vượt 410 ppm vào năm 2019. Trong khi đó, lần gần đây nhất chỉ số trên ở mức khoảng 400 ppm là cách đây tới 3-5 triệu năm.

Vào thời điểm đó, nhiệt độ trên bề mặt Trái đất ấm hơn từ 2-3 độ C, các núi băng ở cả hai đầu cực đều tan chảy và mực nước biển dâng cao hơn từ 10-20 mét.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng Trái đất ấm lên. Ví dụ, diện tích biển băng Bắc Cực trong mùa Hè đã giảm với tốc độ 12% trong mỗi thập kỷ trong 40 năm qua. Trong khi đó, tốc độ sông băng ở Nam Cực tan chảy trong giai đoạn 2015-2019 cũng ở mức cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây.

Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới đã đề ra những mục tiêu nhằm làm giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất này của LHQ cảnh báo rằng thậm chí toàn bộ các nước trên thế giới đạt được mục tiêu đặt ra thì nhiệt độ của Trái đất sẽ vẫn tăng từ 2,9 - 3,4 độ C.

Do vậy, để duy trì nhiệt độ Trái đất ở mức 2 độ C, các nước cần tăng gấp 3 các mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải hiện nay và tăng gấp 5 lần các mục tiêu để duy trì nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng vượt ngưỡng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới