Thứ năm, 28/03/2024 19:50 (GMT+7)
Thứ năm, 05/11/2020 13:30 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ TN-MT: Khó kiểm soát tính cực đoan của biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát được tính cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai đã tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua.

Tại phiên thảo luận sáng 5/11 Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cung cấp một số thông tin khoa học, khách quan về tình hình thiên tai trong thời gian qua.

Theo Zing, tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự cầu thị, lắng nghe từ những ý kiến, đề xuất tâm huyết của các đại biểu khi nói về thảm họa đau thương miền Trung phải gánh chịu những tuần qua. “Tôi xin được chia sẻ với những mất mát, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đang xẻ núi, mở đường để giải quyết những thảm họa này”, ông Trần Hồng Hà nói.

Dẫn thông tin từ báo cáo rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc, ông Hà cho rằng thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát được tính cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai đã tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.

Giai đoạn 1980-1999, chỉ có hơn 4.200 thiên tai lớn, trong khi đó từ năm 2000 đến 2019, con số này đã tăng lên hơn 7.400. Lũ chiếm phần lớn trong số đó, cụ thể lũ là 3.200 lượt, bão là hơn 2.000 lượt. Đáng chú ý, Bộ trưởng cho hay số lượng thiên tai tăng trong 100 năm qua nhưng thiệt hại ghi nhận về con người lại giảm đi.

Bộ trưởng Bộ TN-MT: Khó kiểm soát tính cực đoan của biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Zing)

Phân tích thêm về tình hình ở nước ta, ông Hà cho hay Việt Nam nằm trong khu vực chịu bão của vùng Tây Nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong khu vực về rủi ro thiên tai và đứng thứ 16 trong số các nước chịu tác động của khí hậu cực đoan. Cách đây hơn 10 năm, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan tiến hành chương trình nghiên cứu về lũ ống, lũ quét các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và miền Trung. Chương trình thứ 2 là điều tra về tai biến địa chất, cảnh báo sạt lở các khu vực…

Ông cho rằng vẫn cần đánh giá chi tiết từ phía các nhà khoa học, nhưng nhìn chung các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung là tổ hợp các dạng thiên tai. Bốn cơn bão, trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm, vùng áp thấp duy trì rất lâu ở miền Trung tạo ra lượng mưa vượt qua các chỉ số do lịch sử…

“Có những ngày ở Quảng Nam, lượng mưa lên đến hơn 500 mm/ngày, có những nơi lượng mưa lên đến 2.000, thậm chí 4.000 mm. Lượng mưa như thế là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa”, ông Hà nói.

“Đây là vấn đề lịch sử và có lẽ chúng ta chưa có số liệu để có thể tính toán những vấn đề như vậy”, Bộ trưởng Hà thừa nhận.

Bên cạnh đó, các vùng sạt lở như khu kiểm lâm 67, Phong Điền, khu vực Binh đoàn 337, Hướng Hóa, Trà Leng, Trà Vân, Nam Trà My, Phước Lộc, Phước Sơn, vùng sạt lở dọc sông Ba... đều ở độ cao 300- 900m nên nếu kết luận do thủy điện, trong khi ở đây chưa có vấn đề do thủy điện, thủy điện Trà Leng 3 hiện còn chưa xây dựng thì không nên đưa suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học.

Yếu tố nữa là toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chấn, đứt gãy này trong thời gian qua có sự cà sát, độ phong hóa 9 – 16m, tạo ra đất cát sỏi có độ gắn kết thấp. Nó trên địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt và độ dốc của sông, suối đều theo hình chữ V. Quá trình địa chất làm đất đá nát vụn, cộng thêm ngoại sinh là lượng mưa lớn, theo tính toán chỉ 5-10 ngày mà lượng mưa 100mm thì đã dẫn đến nguy cơ sạt lở. Còn lượng mưa 500mm càng làm gia tăng trọng lực trượt của đất.

Một vấn đề khác cần đánh giá là rừng tự nhiên, thảm thực vật tự nhiên với rừng trồng. Với rừng trồng thì các binh đoàn đã phủ xanh 100%, ở những khu vực bà con sinh sống 100 năm nay thì rừng nông nghiệp, rừng lâm nghiệp có độ che phủ 50-80%.

Khi đánh giá lỗi, chúng ta phải xem lại từ khâu thiết kế. Nếu chúng ta không có hồ chứa điều tiết như vừa qua thì đã không giảm lũ phía dưới từ 30- 70%, dù hồ chứa miền Trung không thiết kế để có thể cắt được đỉnh lũ. Hầu hết các hồ chứa lớn đều có 2 chức năng: Cung cấp nước cho mùa cạn khi lượng nước mất đi vào mùa khô lên tới 80 -90% và phát điện.

Còn vấn đề thủy điện nhỏ, nếu chúng ta tính toán, thiết kế hài hòa với tự nhiên thì vẫn duy trì được nguồn điện năng mà không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên.

Cần chi tiết hóa bản đồ cảnh báo thiên tai

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ lo lắng với những thiệt hại nghiêm trọng về người do lũ lụt ở miền Trung vừa qua, đặc biệt là những thiệt hại do sạt lở đất làm chết hàng chục người. Ông cho rằng việc này có nguyên nhân từ việc bố trí các khu dân cư, các công trình phúc lợi và lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Những vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, việc thực hiện quy hoạch các khu dân cư còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Ông Tạo đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần hoàn thành sớm các quy hoạch; chi tiết hóa các bản đồ cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xây dựng các công trình công cộng có tính lưỡng dụng ở khu vực miền núi. Các công trình này cần vừa phục vụ dân sinh, vừa phải phục vụ quốc phòng, an ninh mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng công tác cứu hộ, cứu nạn trong thời điểm mưa lũ vừa qua bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp thời, hiệu quả trong tình hình hiện nay. Thay mặt cử tri, ông đề nghị cần có lực lượng cứu hộ, cứu nạn độc lập mang tính chuyên nghiệp hơn.

“Nên giao cho lực lượng quân đội làm nòng cốt để đầu tư phương tiện chuyên dụng, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để ứng phó, cứu hộ, cứu nạn lâu dài”, đại biểu đề xuất.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ TN-MT: Khó kiểm soát tính cực đoan của biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.