Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chương trình Khoa học và Công nghệ NetZero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh...
Ngày 12/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ công bố và Hội thảo khoa học thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ NetZero.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chương trình Khoa học và Công nghệ NetZero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Sự kiện không chỉ là nơi gặp gỡ, trao đổi chuyên môn mà còn là minh chứng cho quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đưa khoa học công nghệ là nền tảng trong việc kiến tạo các giải pháp công nghệ, các cơ chế, chính sách quản lý thúc đẩy các mô hình tăng trưởng xanh của Việt Nam thông qua sự chung tay phát triển của cộng đồng Doanh nghiệp và các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, góp phần xây dựng một Việt Nam xanh và bền vững.
Bộ trưởng KH&CN mong muốn Chương trình sẽ được thông tin rộng rãi tới tất cả cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước để cùng nhau nghiên cứu, phát triển, giải mã, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Từ đó, cùng chung tay để nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Mặc dù mục tiêu của Chương trình là khá rộng, cũng như việc yêu cầu cần phải tìm ra các giải pháp công nghệ mới, công nghệ xanh là một nhiệm vụ rất khó. Tuy vậy, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của tất cả đại biểu tại lễ công bố này, cũng như sự quyết liệt vào cuộc, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tin tưởng chúng ta sẽ tìm ra được các kết quả, giải pháp khoa học, công nghệ thiết thực, có bước tiến rõ rệt trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, sớm hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.
Sau một thời gian tập trung nghiên cứu, đề xuất của các nhà khoa học, công nghệ và cộng đồng Doanh nghiệp trên cả nước theo định hướng của Đảng, Chính phủ, Ba mục tiêu chính của Chương trình Khoa học và Công nghệ NetZero đã được xác định gồm: Thứ nhất, cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam;
Thứ hai, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, phát triển nguồn nhân lực nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam;
Thứ ba, nghiên cứu, ứng dụng, giải mã, đổi mới và chuyển giao công nghệ, các giải pháp quản lý và kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính; góp phần phát triển công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn; góp phần giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng; góp phần nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon.
Chương trình kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá về các công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực như công nghệ về thu giữ và lưu trữ carbon; công nghệ giảm phát thải khí nhà kính; công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn; các giải pháp quản lý, kỹ thuật phục vụ mục tiêu giảm phát thải, hướng tới chuyển đổi xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam để giảm đáng kể lượng phát thải của quốc gia, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2050 tại Việt Nam.
H.A