Tiết kiệm năng lượng để hướng đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0: Cần vào cuộc quyết liệt (Bài 2)
Bất cứ ai, cá nhân, tổ chức, ngành kinh tế và toàn bộ xã hội cần, phải tiến hành tiết kiệm năng lượng theo điều kiện của mình. Tiết kiệm năng lượng phải luôn hiện hữu trong ý thức của người dân, nhà lãnh quản lý, nhà doanh nghiệp để tìm cách thực hiện.
Thực tế đã chứng minh ở Việt Nam và rất nhiều nước trên thế giới, tiết kiệm năng lượng mang lại rất nhiều lợi ích ở nhiều quy mô khác nhau. Tiết kiệm điện giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch (NLHT) nói chung và than đá nói riêng để phát điện, giảm phát thải khí nhà kính (KNK), giảm biến đổi khí hậu (BĐKH) theo hướng tiêu cực, có hại trên phạm vi toàn cầu.
Cũng cần được hiểu thêm, tiết kiệm năng lượng không có nghĩa là “đóng băng” tiêu dùng năng lượng, trái với quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Điều này có nghĩa là vẫn cần tiêu thụ năng lượng nhưng ở mức hiệu quả nhất, tối ưu nhất đối với các hoạt động của cá nhân, chủ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Tổng mức tiêu thụ năng lượng cũng có tương quan thuận với mức phát triển của quốc gia nên giảm quá mức hoặc đóng băng tiêu thụ năng lượng không phải là yêu cầu chung của sự phát triển.
Cá nhân, hộ gia đình
Đây được coi là tế bào của xã hội nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhiều vấn đề quốc gia, trong đó có vấn đề sản xuất và tiêu dùng các loại năng lượng. Cá nhân và những người thân trong gia đình phải có nhà để sống, có rất nhiều phương tiện làm việc và phục vụ đời sống. Đặc biệt, khi đất nước phát triển, cuộc sống người dân nâng cao thì các phương tiện càng đa dạng và được sử dụng càng nhiều. Nếu đầu năm 1990 của thế kỷ trước nhiều địa phương còn thiếu điện thì nay chỉ còn rất ít xã điện lưới chưa tới. Hay lúc trước 1995 chỉ có một vài xe ô tô cá nhân chở các cán bộ cao cấp chạy trên đường phố thì nay, xe biển trắng (của cá nhân không tham gia dịch vụ), biển vàng (xe cung cấp dịch vụ) và biển xanh của các cơ quan Nhà nước và cả biển đỏ của quân đội nữa với lượng rất lớn lưu thông trên khắp nẻo đường Tổ quốc.
Bây giờ, mỗi hộ gia đình có rất nhiều bóng đèn điện, có nhiều quạt điện, có điều hòa nhiệt độ, có bình nóng lạnh, có bếp điện hoặc bếp ga, bếp dầu, bếp củi, có một hai chiếc Tivi, ô tô và có lẽ rất ít hộ không có xe máy mà thậm chí còn có tới vài ba chiếc. Vì vậy năng lượng/nhiên liệu dùng trong gia đình rất đa dạng: điện, khí ga, xăng dầu, củi (ở một số hộ nông thôn, miền núi).
Ở Việt Nam có không nhiều cá nhân, hộ gia đình có thói quen ghi chép chi tiêu nói chung và ghi chép chi tiêu cho nhiên liệu nói riêng, đây là điều cần phải làm trong thời gian tới. Bởi vì, chỉ có các số liệu mới minh chứng được việc sử dụng năng lượng có hiệu quả hay không. Bây giờ, các công cụ có thể áp dụng cho việc kiểm kê mức sử dụng năng lượng và mức chi phí theo các hóa đơn mua hàng tháng. Chỉ cần mở một file excel nhập vào thường xuyên là có bộ số liệu lưu trữ và dễ tính toán thống kê để biết những gì xảy ra đối với tiêu dùng năng lượng của gia đình hoặc một cà nhân cụ thể. Với số lượng lớn các hộ gia đình, các cá nhân thì mỗi đối tượng tiết kiệm một ít thì cộng lại sẽ có con số tiết kiệm khổng lồ.
Tiết kiệm năng lượng trong các tổ chức, cơ quan
Các tổ chức, cơ quan là nơi làm việc của nhiều cán bộ, công nhân, nhân viên, công chức nên cũng cần nhiều tòa nhà, có thể là nhà cao tầng với nhiều phòng làm việc, hội trường được trang bị nhiều đèn, điều hòa, Tivi, các phương tiện nghe, nhìn sử dụng năng lượng. Thậm chí ở các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo còn có thiết bị nghiên cứu với mức tiêu thụ năng lượng (chủ yếu là điện) rất cao. Vì vậy, khi chọn mua và khi vận hành rất cần có giải pháp tiết kiệm điện.
Tiết kiệm năng lượng trong ngành sản xuất
Có thể chia các ngành sản xuất thành hai dạng. Một là ngành sản xuất các loại năng lượng, bao gồm sản xuất năng lượng, nhiên liệu thô như khai thác, sản xuất than đá, khai thác dầu mỏ, khai thác khí đốt và sản xuất điện “thứ cấp” như sản xuất điện, sản xuất xăng dầu thành hàng hóa trực tiếp lưu hành trên thị trường. Tất nhiên, nhiên liệu thô (sơ cấp) cũng là sản phẩm thị trường, có thể dùng trực tiếp trong gia đình, công sở doanh nghiệp phục vụ đời sống như khí ga, than đá phục vụ nấu ăn, phục vụ sản xuất xi măng, gạch ngói và đặc biệt dùng để sản xuất ra năng lượng thứ cấp rất hữu dụng trong đời sống và sản xuất hàng hóa, tạo dịch vụ, đó là điện. Hai là, ngành tiêu thụ năng lượng bao gồm hầu như tất cả các ngành, bao gồm cả ngành sản xuất năng lượng cũng tiêu thụ điện. Như vậy ngành sản xuất năng lượng là ngành vừa tiêu thụ năng lượng sơ cấp vừa sản xuất năng lượng thứ cấp phục vụ nhu cầu xã hội.
Để đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng, các cá nhân, chủ thể đều ghi chép lại tổng tiêu thụ các loại năng lượng, cả sơ cấp và thứ cấp hàng năm (bao nhiêu KWh điện, bao nhiêu tấn than, tấn/lít dầu, bao nhiêu m3 khí tự nhiên,… Hiệu quả sử dụng năng lượng được của các cơ sở sản xuất hàng hóa được tính qua mức tiêu thụ năng lượng để sản xuất, cung cấp một đơn vị hàng hóa, dịch vụ.
Vì vậy, tiết kiệm năng lượng trong các ngành phải được nhìn nhận cả tiết kiệm nguồn năng lượng sơ cấp để sản xuất năng lượng thứ cấp và tiết kiệm sử dụng năng lượng hàng hóa trong mọi hoạt động của mình thông qua tăng hiệu quả sử dụng, giảm tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị hàng hóa, một đơn vị dịch vụ được sản xuất và cung cấp.
Do có nhiều ngành sản xuất sử dụng tiêu thụ năng lượng khác nhau nên trong bài viết ngắn không thể nêu kỹ cho từng ngành ở đây mà sẽ trình bày trong phần dưới đây.
Do có quá nhiều đối tượng sử dụng, tiêu thụ năng lượng nên chắc chắn khả năng tiết kiệm và các hoạt động tiết kiệm cũng rất khác nhau. Đã có nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin, cả báo viết, nói, điện tử, báo hình đưa ra các hoạt động tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng. Vì vậy, bài viết này cũng chỉ nêu vấn đề để thảo luận thêm, có thể là một cách nghĩ, cách làm của một đối tượng cụ thể, kể cả cá nhân đến ngành sản xuất.
Về cá nhân, bạn có bao giờ nghĩ về tiết kiệm năng lượng chưa trong khi hàng ngày vẫn sử dụng nhiều phương tiện cần tiêu thụ mức năng lượng lớn. Hãy dành vài phút thống kê xem những hoạt động nào của mình đã trực tiếp tiêu thụ năng lượng hàng hóa, đặc biệt là điện, xăng dầu thì sẽ hình dung được mức độ tiêu thụ điện do các hoạt động của bản than. Nói theo dõi hàng ngày thì khó nhưng hàng tháng khi gia đình trả tiền điện có ghi mức sử dụng điện và khi chia cho số người thì chúng ta có thể hình dung mức tiêu thụ tại gia của mỗi thành viên. Rồi nhìn con số đo số km di chuyển của xe máy, ô tô cũng có thể xác định được mức tiêu thụ xăng trong tháng. Nếu nói về tiền thì đối với một số người mức chi cho năng lượng không lớn so với thu nhập nhưng với một số người khác lại có mức chi cho năng lượng khá lớn mà lại là khoản bắt buộc phải chi hàng ngày. Có lẽ hiểu được điều này mà hiện nay Nhà nước, thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có chế độ giá điện sinh hoạt theo thang bậc để giảm gánh nặng chi trả cho người nghèo.
Trong một gia đình thì chắc chắn người chịu trách nhiệm chi trả, thường là người nội trợ, biết rõ hơn về khoản chi và rất hay “phàn nàn” vì mức chi ngày một tăng nhưng các thành viên khác thì vẫn có nhiều người thở ơ. Cũng chính vì vậy, các bà nội trợ (thường là phụ nữ) rất quan tâm tới tiết kiệm năng lượng, tìm ra mọi phương thức tiết kiệm như tìm kiếm/mua thiết bị ít tiêu thụ năng lượng (các bóng đên điện chẳng hạn) hay tắt bóng đèn khi ra khỏi phòng, tắt điều hòa khi đủ mát hoặc chạy quạt thay thế,…. Không những thế, họ luôn nhắc người nhà cùng thực hiện các hoạt động tiết kiệm với mình nữa. Họ làm công việc này rất tự giác như thể tiết kiệm đã ăn sâu vào tâm trí họ. Chỉ riêng hành động này, mọi người phải ủng hộ người giữ tay hòm chìa khóa của các hộ gia đình, phải ghi nhận đóng góp của họ trong tiết kiệm không chỉ cho gia đình mình mà còn cho cả xã hội theo kiểu tích tiểu thành đại.
Quả thật, nếu không sử dụng điện tiết kiệm thì khi tiêu thụ vượt quá khả năng cung cấp (vào thời gian cao điểm nắng nóng chẳng hạn) ắt phải cắt điện và mọi người biết rõ hệ quả rồi đấy, không chỉ ở gia đình mà còn đối với mọi đối tượng dùng điện. Vậy, xin mọi người trước hết phải có ý thức tiết kiệm năng lượng nói chung và điện nói riêng, chẳng hạn các bạn trẻ phải hạn chế đi xe máy, ô tô ra đường khi không cần thiết, vừa tốn xăng, vừa gây ô nhiễm, phát thải KNK và cũng tăng nguy cơ tai nạn.
Xã hội phát triển, chúng ta có nhiều đợt nghỉ dài ngày (Lễ, Tết), thu nhập ngày một cao nên tổ chức đi du lịch cả gia đình rất được quan tâm tổ chức. Ngành du lịch cũng đã bố trí nhiều điểm du lịch, nhiều loại hoạt động du lịch nên các hộ gia đình có thể đi tắm biển, đi lên vùng núi nghỉ mát, đi thăm danh thắng,… hoặc về thăm quê nữa. Vậy, liệu có mâu thuẩn gì giữa đi du lịch kiểu này với tiết kiệm năng lượng?.
Theo chúng tôi không có mâu thuẫn gì nhiều. Mặc dù những hộ tổ chức đi du lịch thì thâý có nhiều lợi ích như mọi người trong gia đình, nhất là người già và trẻ nhỏ được thay đổi không khí, được thụ hưởng nhiều điều trong chuyến đi trong khi nhiều người ở nhà thì thấy đi như vậy quá mệt và cũng tốn kém nữa. Như vây, rõ ràng phải xem xét vấn đề tiết kiệm nói chung và tiết kiệm năng lượng nói riêng cùng với nhiều hoạt động khác thì mới hiểu được, biết được cần tiết kiệm như thế nào trong từng hoạt động, từng điều kiện cụ thể.
Đối với các cơ quan, tổ chức thì phải có kế hoạch tiết kiệm năng lượng rõ ràng, chẳng hạn lúc nào thì bật, tắt các thiết bị chiếu sáng công cộng, có đường điện riêng cho những thiết bị sử dụng điện liên tục (để luôn có điện trong khi một số thiết bị khác có thể tắt), có cán bộ kiểm tra các đơn vị sử dụng năng lượng (điện, xăng dầu) để can thiệp khi cần thiết, chẳng hạn như trường hợp điều hòa vẫn bật khi mọi người đã ra về.
Thật ra, nhiều khi vẫn có những mâu thuẩn trong vấn đề tiết kiệm năng lượng trong các cơ quan. Tôi nhớ một trường đại học thấy tiền điện một tháng quá cao đã họp, bàn về tiết kiệm năng lượng, có người nêu ý kiến khoán mức tiêu thụ điện cho các Khoa, Phòng, Ban của trường nhưng vì các khoa có nhu cầu sử dụng điện rất khác nhau nên không biết khoán dựa trên cơ sở nào. Một số khoa nêu ý kiến về tính đặc thù của khoa, muốn khoa phát triển thì tăng cường thí nghiệm nên mức tiêu thụ điện còn là thước đo mức phát triển của khoa, khi đó cán bộ trong khoa mới có nhiều bài báo quốc tế, mới có nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị. Ngay cả yêu cầu một số đề tài nghiên cứu có kinh phí từ bên ngoài có đóng góp vào tiền điện cũng không thực hiện được. Nói như vậy để thấy, bài toán tiết kiệm năng lượng không thể nói chung chung mà phải rất cụ thể, chi tiết, tính đến tất cả các khía cạnh thì mới thu được hiệu quả thực sự, hiệu quả tổng hợp cao nhất.
Đối với các ngành, rất cần có chủ trương kế hoạch tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động của ngành mình. Về nguyên tắc, tất cả các ngành đều có hoạt động tiết kiệm riêng của mình và mang tính đặc thù, vì vậy, trong bài viết này chỉ nêu một số hoạt động trong sự hiểu biết của người viết.
Trong ngành sản xuất, lưu giữ, vận chuyển (truyền tải) điện (EVN) thì giảm tỷ suất sử dụng than, khí thiên nhiên để sản xuất một KWh điện là điều cần làm, tiếp đến là giảm tiêu hao/tổn thất điện năng trong quá trình lưu giữ, truyền tải điện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng như nhiều giải pháp khắc phục đã được trình bày trên nhiều bài báo có thể dễ dàng tra cứu trên mạng.
Rất mừng là chúng tôi tìm được một bài trên mạng của EVN ngày 12/8/2013 của ThS. Vũ Đức Quang - Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển, PECC2 trình bày về tình hình này ở Việt Nam. Bài này đã cho biết cố gắng rất lớn của ngành điện lực Việt Nam: “Tổn thất điện năng (TTĐN) đã giảm đáng kể từ 12,23% vào năm 2003 xuống còn 6,25% vào năm 2022, đưa tỷ lệ TTĐN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sát ngưỡng kỹ thuật, ngang bằng với nhiều nước tiên tiến trên thế giới”. Đây quả thực là thông tin đáng mừng vì năm 2023 khi giảm TTĐN bằng áp dụng biện pháp Tối ưu hóa trào lưu công suất từ 2,56% xuống 2,24% mà đã giảm được 683 triệu KWh điện. Quả thực, cố gắng đầu tư rất lớn cho giảm TTĐN của ngành điện đã tiết kiệm được lượng điện khổng lồ và hy vọng vẫn còn giảm được thêm trong thời gian tới.
Với ngành giao thông, các hãng sản xuất xe đang cố gắng sản xuất những xe chạy có mức tiêu thụ nhiên liệu thấp nhất có thể. Hiện nay Việt Nam yêu cầu các loại xe chạy xăng, dầu, khí ga phải công khai Nhãn năng lượng của xe cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe. Mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe là lượng nhiên liệu tiêu hao của xe trên một quãng đường, ứng với điều kiện, chu trình thử nghiệm xác định. Đơn vị đo mức tiêu thụ nhiên liệu là lít (l)/100 km (đối với nhiên liệu là xăng, LPG và điêzen) hoặc mét khối (m3)/100 km (đối với nhiên liệu là LNG).
Hiện tại, các loại xe gắn máy thông thường có mức tiêu thụ xăng khoảng 1,5 đến 2,0 lít/100km, tạo điều kiện để người mua có thể chọn mua loại xe tiết kiệm nhiên liệu. Đối với ô tô cũng vậy, nhãn năng lượng của các ô tô cũng được các nhà sản xuất cung cấp và mức tiêu thụ của ô tô từ 4 đến 7 chỗ vào khoản từ 4,5 lít/100km đến 10 lít/100km. Một số cách giảm mức tiêu thụ cơ bản cần thực hiện thường xuyên đối với ô tô cũng được phổ biến trên nhiều trang mạng, cụ thể như: Luôn chủ động kiểm tra, bảo dưỡng xe;Chú ý việc vệ sinh xe, động cơ, tránh việc các chất bẩn làm tắc nghẽn dầu nhớt khiến hệ thống bôi trơn bị gián đoạn làm ảnh hưởng;Tránh các thói quen sử dụng như tăng tốc đột ngột khi vừa khởi động xe;Duy trì ổn định tốc độ lái xe;Kiểm soát áp suất lốp xe thường xuyên, áp suất thấp, lốp non hơn cũng gây trì trệ khi di chuyển;Tắt điều hòa xe khi không cần thiết.
Các công ty vận tải cũng cần lên kế hoạch vận chuyển để tối ưu hóa hoạt động, đảm bảo vận chuyển hàng và người đến nơi đến chốn với mức kinh phí cũng như mức năng lượng tiêu thụ thấp nhất.
Các ngành công nghiệp khác cũng có nhiều hoạt động cắt giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng khi sản xuất một đơn vị hàng hóa (tấn xi măng, tấn thép, triệu viên gạch,…) thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, thông minh.
Ngành xây dựng cũng đang tiến hành nhiều dự án thiết kế, xây dựng những công trình ít sử dụng năng lượng, sử dụng tối đa năng lượng sẵn có từ thiên nhiên như bức xạ, ánh sáng mặt trời, gió hoặc sử dụng các hệ thống cây xanh che chắn, điều hòa nhiệt độ,… Hiện đã và đang có một số thiết kế tòa nhà tiết kiệm năng lượng được quảng cáo trên mạng truyền thông. Ngẫm lại thì cha ông chúng ta cũng đã có chủ ý tiết kiệm năng lượng, tranh thủ năng lượng thiên nhiên như xây nhà hướng nam, như sử dụng các nguyên liệu sẵn có để lợp nhà, đắp tường đảm bảo ấm trong mùa Đông và mát trong mùa hè.
Những gì phân tích ở trên chỉ đề cập đến những phân mảnh của tiết kiệm năng lượng ở quy mô nhỏ. Đối với quy mô quốc gia phải có tiếp cận khác và rất may, mới đây, ngày 13/3/2019 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là QĐ280) phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với rất nhiều nội dung rất đáng quan tâm. Chúng tôi không có ý kiến bình luận nhiều về chủ trương, mục tiêu, cách tiếp cận và những nội dung, dự án nêu trong Quyết định này mà chỉ nêu một số ý kiến cá nhân liên quan đến những nội dung đáng chú ý.
Những chỉ tiêu, nội dung cần được làm rõ hơn
Đối với mục tiêu, trong QĐ280 đưa nhiều những tỷ lệ % cần đạt được như trong giai đoạn đến 2025:
“. Đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025
. Giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%
. Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018, cụ thể: (i) Đối với công nghiệp thép: từ 3,00 đến 10,00% tùy loại sản phẩm và công nghệ sản xuất; (ii) Đối với công nghiệp hóa chất: tối thiểu 7,00%; (iii) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: từ 18,00 đến 22,46%; (iv) Đối với công nghiệp xi măng: tối thiểu 7,50%; (vi) Đối với công nghiệp dệt may: tối thiểu 5,00%; (vii) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: từ 3,00 đến 6,88% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; (viii) Đối với công nghiệp giấy: từ 8,00 đến 15,80% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất
. Giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%;
. Đạt 60% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
. Đạt 90% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và phê duyệt kế hoạch/chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương;”
Rất cần nêu rõ hơn tỷ lệ này được tính như thế nào và đưa ra những giá trị của một số năm trước đó để so sánh, nghĩa là, trước khi dưa ra mục tiêu cụ thể cần trình bày hiện trạng các tỷ lệ này những năm vừa qua. Và, nếu không đưa vào cụ thể trong QĐ280 thì cơ quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nên có văn bản nêu tổng quan tình hình những năm trước đó. Việc nêu được tổng quan có thể đưa ra những con số đã thực hiện để khi so sánh với mục tiêu đề ra mọi người sẽ biết hiệu quả thực hiện quyết định này.
Mặt khác, các cơ quan liên quan có thể nắm rõ cách tính giá trị, thực hiện tính toán suốt giai đoạn để xem xét mức độ đạt dược mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, về tổn thất điện năng, EVN đã đạt mức 6,35% năm 2022 và nếu giữ được và cố gắng hơn nữa thì không những sẽ đạt mà còn vượt mức khá lớn. Hay, đối với các ngành công nghiệp (thép, xi măng, nhựa, giấy,…) phải chú trọng đến việc tính các con số để so sánh với mục tiêu đề ra của các năm để chứng minh ngành mình đã đạt chỉ tiêu đề ra trong QĐ280 vào năm 2025 (chỉ còn hơn một năm nữa). Đặc biệt, ngành Giáo dục, Đào tạo phải xem xét hiện đã có tỷ lệ bao nhiêu % các trường đã có có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 60% số trường có hoạt động này.
Rõ ràng, đặt ra mục tiêu phải đi kèm cách tính toán (có cơ sở khoa học) và có kế hoạch đôn đốc thực hiện và kiểm tra theo dõi, cuối thời kỳ phải có tổng kết. Chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc năm 2025, chúng ta chờ đợi tổng kết QĐ280 giai đoạn đầu để thấy hiệu quả của quyết định này.
Trong giai đoạn đến năm 2030, các chỉ tiêu cụ thể đều cao hơn (về hiệu quả) so với mục tiêu đến năm 2025 nên càng cần có các số liệu minh chứng mức đạt được ngay từ bây giờ.
Những nhiệm vụ cần các cơ quan vào cuộc thực hiện ngay
Trong QĐ280 đưa ra 9 nhiệm vụ lớn cần thực hiện cùng với nhiệm vụ cụ thể đi kèm. Ngay trong nhiệm vụ đầu tiên về Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đưa ra tới 9 nhiệm vụ cụ thể, trong đó phải kể đến:
“- Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chứng nhận tiết kiệm năng lượng cho các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.
Quả thật đây là vấn đề khó nhưng rất quan trọng, một điểm cốt yếu nhất, cần làm ngay vì, chỉ khi có hệ thống này mới có thể thiết lập được các tiêu chí cụ thể để xác định hiệu quả của các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng của các đối tượng thực hiện, cả cá nhân, tổ chức, thậm chí của ngành kinh tế. Cũng cần làm rõ sự khác biệt của việc chứng nhận hàng hóa sử dụng hiệu quả năng lượng (energy efficiency) đã được cấp nhãn dán trên hàng hóa và chứng nhận tiết kiệm năng lượng của các giải pháp.
Đối với hàng hóa, các hãng sản xuất đã đưa ra mức tiêu thụ năng lượng dưới dạng công suất sử dụng (tính bằng KW) và khi đó nếu sử dụng trong cùng thời gian thì thiết bị có công suất lớn hơn sẽ có mức tiêu thụ cao hơn, Bộ Công thương của Việt Nam cũng đưa ra nhãn tiết kiệm năng lượng đối với hàng hóa với 2 dạng là Nhãn năng lượng xác nhận và Nhãn năng lượng so sánh. Nhãn năng lượng xác nhận được cấp cho những phương tiện, thiết bị có mức hiệu suất năng lượng bằng hoặc cao hơn mức hiệu suất năng lượng do Bộ Công Thương quyết định theo từng thời kỳ. Nhãn năng lượng so sánh được cấp cho phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn.
Hiện có năm mức/cấp hiệu suất năng lượng tương ứng với số ngôi sao in trên nhãn, từ một sao đến năm sao, nhãn năm sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất. Khi viết bài này tôi nhìn lên tủ lạnh nhà mình thì thấy được dán nhãn năng lượng so sánh ở mức năm sao nên cũng yên tâm. Tôi hy vọng: sau khi hình thành thì hệ thống chứng nhận tiết kiệm năng lượng được công khai để công chúng biết, theo dõi và áp dụng sản phẩm của hệ thống.
Trong nhiệm vụ thứ hai (mục b.) chúng tôi rất đồng ý với nhiệm vụ cụ thể sau:
“- Thực hiện thống kê năng lượng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về cơ sở dữ liệu năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với các cơ sở dữ liệu khác;”
Quả thật, chúng tôi không hiểu từ trước tới nay chúng ta đã thực hiện thống kê năng lượng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả chưa, nếu đã có thì đến mức nào rồi. Hiện tại có rất nhiều cơ sở dữ liệu cần được xây dựng từ nhiều cấp độ khác nhau nhưng dữ liệu quốc gia phải bao hàm được dữ liệu cấp ngay dưới và các cấp dưới phải cung cấp số liệu để xử lý, đưa vào dữ liệu cấp trên. Nếu đã là cơ sở dữ liệu thì số liệu phải được thu thập có cơ sở khoa học từ số liệu thô (thường ở cấp thấp nhất) đến số liệu đã được tính toán, thống kê (số liệu thứ cấp), cho đến số liệu cấp quốc gia để phục vụ mục đích tối thượng.
Quả thật, ở Việt Nam chưa có, hoặc có rất ít hệ thống cơ sở dữ liệu đúng nghĩa nên đến lúc cần lại coi đây là hạn chế. Vì vậy, việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả phải được ưu tiên thực hiện ngay và phải làm bài bản thì mới thật sự hiệu quả.
Còn nhiều nhiệm vụ nữa trong QĐ280 mà bản thân người viết chưa thật hiểu biết nhiều, vả lại bài viết đã dài nên không bàn luận thêm nữa.
Về kinh phí thực hiện Chương trình đã được quy định rõ ràng trong QĐ280, với mức 4.400 tỷ đồng từ Nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm
“- Kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung ương dành cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do bộ/ngành quản lý và tổ chức thực hiện là 600 tỷ đồng;
- Nguồn viện trợ không hoàn lại: dự kiến khoảng 1.600 tỷ đồng từ các chương trình hỗ trợ song phương và đa phương, trong đó vốn đầu tư phát triển là 500 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp/hỗ trợ kỹ thuật là 1.100 tỷ đồng;”
Ngoài ra còn có “Nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các tổ chức tín dụng quốc tế: dự kiến khoảng 2.200 tỷ đồng” và một số nguồn khác. Với nguồn kinh phí lớn như vậy, chúng ta hy vọng đủ để đầu tư hoàn thành các dự án và toàn bộ Chương trình.
Để thực hiện Chương trình, QĐ280 cũng đã xây dựng, ban hành 12 hoạt động ưu tiên trong giai đoạn 2019-2030 trong phần phụ lục.
Chúng tôi rất ấn tượng với 2 hoạt động có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với thực hiện toàn bộ Chương trình, đó là:
“3. Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chủ trì là Bộ Công thương, thời gian thực hiện là 2019-2030.
6.Xây dựng và thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia thuộc lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chủ trì: Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian thực hiện là 2019-2030”.
Bởi vì, chỉ khi có Trung tâm dữ liệu năng lượng hoạt động tốt thì mới có cơ sở dữ liệu, số liệu làm rõ việc thực hiện Chương trình đến đâu và hiệu quả ra sao. Chúng tôi tra thử để biết thì hầu như chưa xúc tiến thành lập Trung tâm như vậy, vì theo phát biểu của một cán bộ thuộc Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương trong Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" do Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 12/10/2023 thì mới chỉ là “cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.”. Có thể coi đây là sự chậm trễ không đáng có.
1. Có thể khẳng định bất cứ ai, cá nhân, tổ chức, ngành kinh tế và toàn bộ xã hội cũng có thể và cần/phải tiến hành tiết kiệm năng lượng theo điều kiện của mình. Tiết kiệm năng lượng phải luôn hiện hữu trong ý thức của người dân, nhà lãnh quản lý, nhà doanh nghiệp để tìm cách thực hiện.
2. Tiết kiệm năng lượng là vấn đề khá phức tạp do tính đa dạng của các đối tượng, của các loại hình tiết kiệm và cũng cần khoản kinh phí không nhỏ trong đầu tư các thiết bị phục vụ cả quá trình. Vì vậy, rất cần có thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ cơ sở khoa học của các hoạt động tiết kiệm cho từng đối tượng tiết kiệm. Ngoài ra, phải có hệ thống giám sát, ghi nhận, thống kê để có số liệu minh chứng cho hiệu quả tiết kiệm năng lượng.
3. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ280 phê duyệt cả một Chương trình quốc gia liên quan đến tiết kiệm năng lượng là một tín hiệu vui để mọi người hy vọng hiệu quả tiết kiệm năng lượng trên địa bàn toàn quốc sẽ đạt được ở mức cao, đem lại lợi ích lớn cho toàn xã hội.
Nội dung: GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Đồ họa: Hải An