Hà Nội từng bước “xanh hóa” thành phố cho mục tiêu NetZero như thế nào? (Bài 3)
Định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại. Cho dù thực trạng còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Nội đã từng bước “xanh hóa” thành phố và đã đạt được những thành tựu nhất định.
Tại kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng nhấn mạnh đến yếu tố xanh trong quy hoạch, trong đó tập trung để phát triển không gian xanh; giao thông xanh; công viên cây xanh; xây dựng mô hình quận xanh; hành lang xanh; thảm xanh để tăng diện tích đất xanh; xanh hóa ở khu vực nội đô lịch sử; phát triển đô thị theo mô hình xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc; tái thiết khu vực nội đô theo hướng xanh, văn minh, hiện đại.
Theo quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải; từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải, những năm vừa qua, bộ mặt giao thông của Hà Nội có những thay đổi rõ rệt.
Hiện nay, TP.Hà Nội đang là địa phương đứng đầu về số loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác, bao gồm: Xe buýt chạy bằng nhiên liệu LNG, CNG, CPG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng. Với 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, tỷ lệ phương tiện công cộng thân thiện với môi trường đã chiếm đến 13,6% tổng số lượng phương tiện vận hành công cộng. Hà Nội cũng đã được biết đến nhiều hơn với tuyến buýt điện đầu tiên của Đông Nam Á, việc sử dụng chủ trương đưa xe buýt điện vào tham gia giao thông đã góp phần xanh hóa giao thông công cộng và giảm khí thải ra môi trường. Ước tính xe buýt điện đã góp phần giảm hơn 31.000 tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương trồng 1,45 triệu cây xanh. Để tiếp tục mục tiêu “xanh hóa” hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đang triển khai thủ tục để đưa thêm 5 tuyến xe buýt điện vào phục vụ hành khách, dự kiến đầu năm 2025 sẽ đưa vào vận hành. Và kịch bản tới năm 2033, giao thông công cộng ở Hà Nội có 50% là xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG, tiến tới giai đoạn tiếp theo là 70% xe buýt điện; 30% xe buýt LNG/CNG và 100% xe vận chuyển công cộng là xe buýt điện ở giai đoạn cuối.
Đặc biệt, với 2 tuyến đường sắt trên cao: tuyến Cát Linh – Hà Đông và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội từ Ga S1 (Nhổn) đến ga S8 (Cầu Giấy) được đưa vào vận hành thương mại đã góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực giao thông và kỳ vọng trở thành loại hình giao thông xanh trong thời gian sắp tới.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết: “Cứ 1.000.000 giờ di chuyển bằng đường sắt đô thị sẽ tiết kiệm được 478.000 giờ, giảm 100 tấn khí thải và đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng”. Có lẽ, điều này cho thấy được những lợi ích rất lớn mà đường sắt đô thị mang lại. Ngoài 2 tuyến đường sắt đô thị đã được đưa vào hoạt động, Hà Nội cũng đã có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị còn lại để đi vào hoạt động trước năm 2035. Khi 14 tuyến đường sắt đô thị này hoàn thành và đi vào hoạt động, nó sẽ trở thành xương sống của giao thông Hà Nội. Mạng lưới này sẽ đủ sức để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu phương tiện công cộng và giảm ùn tắc vào giờ cao điểm ở Hà Nội.
Hà Nội cũng đã nâng tiêu chuẩn xe lên mức Euro 4 với mức tiêu tốn nhiên liệu và mức thải chất ô nhiễm ít hơn. Đây là những dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang từng bước cải thiện và thay thế dần những phương tiện giao thông cũ bằng những phương tiện giao thông đường bộ xanh hơn. Theo ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội cũng quyết tâm trong giai đoạn từ 2025-2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45% - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh”.
Giao thông của Hà Nội đã và đang thay đổi từng ngày, dần trở thành đơn vị đi đầu trong việc giảm phát thải khí carbon và khí metan, giảm mức phát thải ròng về “0” (Netzero) vào năm 2050.
Để trở thành đô thị “xanh - văn minh - hiện đại”, Hà Nội đã từng bước phủ xanh thành phố bằng những đề án và hành động quyết liệt.
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, chương trình trồng 1 triệu cây xanh được coi là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của Thủ đô. Đến nay, TP. Hà Nội đã trồng mới được hơn 1,6 triệu cây xanh. Các cây trồng đã phủ xanh hầu khắp từ các tuyến phố cũ sang các tuyến phố mới, từ các công viên cũ sang các công viên mới. Trong đó, có hàng chục nghìn cây xanh đô thị có đường kính lớn, các cây hoa, cây cảnh khóm lưu niên, các loại cây mảng hoa, cây thảm cũng đã được trồng xen kẽ trên các tuyến phố. Sau 5 năm thực hiện dự án, các loại cây đã phát triển xanh, tốt. Những cây thân gỗ lớn đã bắt đầu tham gia vào quá trình tích lũy carbon, tạo bóng mát, cải tạo không gian sống và làm thay đổi đáng kể bộ mặt của nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội.
Không dừng lại ở đó, Hà Nội tiếp tục hướng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng chính phủ phát động. UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành thêm Kế hoạch số 76/KH-UBND trồng mới 500.000 cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, trong các năm 2021 thành phố đã trồng được là 52.579 cây xanh; năm 2022 số cây trồng được là 49.179 cây xanh. Năm 2023 tiếp tục triển khai trồng 133.629 cây xanh; năm 2024 trồng 145.853 cây xanh và năm 2025 trồng 118.760 cây xanh.
UBND TP. Hà Nội cũng giao cho các sở, ngành và UBND các quận đến hết năm 2024, TP. Hà Nội sẽ có thêm 9 công viên mới với quy mô lớn như được đưa vào hoạt động: Công viên Chu Văn An, Công viên hồ điều hòa CV1, Công viên hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang….Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo cải tạo, chỉnh trang 30 công viên, vườn hoa. Hiện nay, đã có 14 vườn hoa đã cải tạo xong và đi vào sử dụng.
Từ những hành động quyết liệt đó, Hà Nội đã được chọn để trở thành điểm khởi đầu của hành trình trồng cây trung hòa carbon và hướng đến NetZero. Đây cũng là dự án với mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của tại COP26. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết và kỳ vọng rằng khi chọn Hà Nội để trở thành điểm khởi đầu, hành trình trồng cây sẽ lan tỏa đến nhiều địa phương trên khắp Việt Nam.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Chủ tịch Viện KHCN Đô thị xanh (Hội Môi trường Xây dựng – Tổng hội Xây dựng Việt Nam) khẳng định, công trình xanh là tế bào của các khu đô thị xanh. Đô thị muốn xanh, thông minh, bền vững phải bắt đầu từ từng công trình xây dựng xanh trong đô thị.
PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên nói rằng, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển các công trình xanh. Do đặc thù Hà Nội có các tài nguyên phong phú, là trung tâm của cả nước về khoa học công nghệ, văn hoá, xã hội và được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Theo thống kê, đến quý 2/2024, Việt Nam hiện có 476 công trình xanh, tương đương với 11,5 triệu m2 sàn được chứng nhận theo các chuẩn kỹ thuật xanh. Điều này cho thấy một sự tăng trưởng mạnh mẽ và một xu hướng rõ rệt trong việc chuyển đổi sang các công trình xanh, thân thiện với môi trường. Tỷ lệ công trình xanh ở Hà Nội cũng đang tăng dần lên, nhiều tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư đã và đang đạt được các chứng nhận xanh quốc tế như LEED, EDGE.
Tuy nhiên, con số công trình xanh này ở TP.Hà Nội còn đang rất khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Khi mà việc xây dựng công trình, tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng phát triển mà ngành xây dựng đang hướng tới thì đòi hỏi TP.Hà Nội cũng cần có những giải pháp, chính sách đồng bộ để phát triển các công trình xanh ở Hà Nội.
PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên cũng cho biết thêm, hiện nay có 4 yếu tố để để đánh giá một công trình xanh: Giải pháp thiết kế, từ quy hoạch đến kiến trúc; Xây dựng; Công nghệ; Quá trình vận hành, sử dụng công trình. Tuy nhiên, khá nhiều chủ đầu tư các công trình còn nhiều khó khăn trong việc áp dụng các yếu tố để đánh giá công trình xanh vào công trình của mình. PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, cần sớm xây dựng một cơ chế hỗ trợ và khuyến khích công trình xanh thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan. Cụ thể là xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích phát triển công trình xanh; quan tâm phát triển công trình xanh trong thể loại nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh.
Nội Dung: Mạnh Quân
Thiết kế: Hải An