Thứ sáu, 26/04/2024 17:19 (GMT+7)
Thứ tư, 07/09/2022 18:55 (GMT+7)

Nghiên cứu đề xuất, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường

Theo dõi KTMT trên

Trong những năm qua công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn chịu không ít áp lực lớn...Do vậy việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhắm nâng cao công tác quản lý nhà nước cần đặc biệt được chú trọng.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường tại Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho thấy trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường.

Được biết, trong giai đoạn 2016-2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đơn giản hóa về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy việc ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đã bãi bỏ 26 thủ tục hành chính về môi trường; Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP tiếp tục cắt giảm 18 thủ tục hành chính về moi trường so với Luật Bảo vệ môi trường 2014 (tương đương giảm 34%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ đề ra trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20%).

Nghiên cứu đề xuất, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường - Ảnh 1
Các địa phương chú trọng công tác kiểm soát các nguồn thải phát sinh gây ô nhiễm môi trường, duy trì quan trắc chất lượng môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP26.

Ngoài ra, ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường liên tục được tăng cường, mở rộng; đã hình thành được phương thức, tư duy quản lý mới, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm.

Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại một số những hạn chế. Giai đoạn 2016-2021 môi trường nước ta chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội nóng theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; cùng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, đã có nhiều tổ hợp phức tạp quy mô lớn được đầu tư vào nước ta, tạo ra những thách thức lớn trong việc nhận diện, dự báo những tác động của môi trường.

Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, khu công nghiệp, nông thôn và làng nghề; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Cũng theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, phê duyệt 82 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; 2.547 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 57 phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; 47 đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

Những quy định mới về xử phạt vi phạm môi trường kể từ ngày 25/8

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 629 Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại, bổ sung phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại và liên kết xử lý chất thải nguy hại cho 663 hồ sơ; 578 Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; 42 Quyết định chỉ định tổ chức đủ điều kiện giám định phế liệu; 479 Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn; một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ quá trình thu hút đầu tư.

Chỉ tính riêng trong 3 năm (2019-2021), các bộ, ngành đã phê duyệt 173 báo cáo và các địa phương là 10.229 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thông qua công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, các chiến lược, quy hoạch phát triển đã có sự điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường; đặc biệt đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, dừng triển khai đối với một số dự án lớn, có nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường.

Việc xem xét, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường,… đã được thực hiện tốt góp phần kiểm soát có hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đinh Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu đề xuất, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới