Thứ sáu, 26/04/2024 13:21 (GMT+7)
Thứ ba, 06/10/2020 10:12 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo, hướng đi của tương lai

Theo dõi KTMT trên

Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất và sự cạn kiệt của các nguồn hóa thạch như than đá, dầu mỏ… phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trở thành xu thế chung của toàn cầu.

Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu – chế tạo các công nghệ, thiết bị hiện đại để khai thác tiềm năng vô tận của các nguồn năng lượng này.

Không chỉ tận dụng được tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, giảm hiệu ứng nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo còn mang lại giá trị lớn về kinh tế cho ngành công nghiệp năng lượng cho các quốc gia.

Báo cáo của Tập đoàn dầu khí đa quốc gia BP về thống kê năng lượng thế giới cho biết, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã tăng mạnh trên toàn cầu với mức tăng trưởng kỷ lục 14,1% trong năm 2016.

Tại nhiều quốc gia, việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đã từng bước được triển khai với nhiều hình thức đa dạng và đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, tại Mỹ, điện năng do các nhà máy điện sản xuất ra từ năng lượng tái tạo đã tăng 9% trong năm 2016 và mục tiêu điện năng từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỉ lệ 14% tổng sản lượng điện năng của nước này, trong đó lượng điện năng được tạo ra từ năng lượng gió và mặt trời sẽ lần lượt chiếm tỉ lệ 5,2% và 0,8%. Bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng để bắt kịp sự phát triển của hai lĩnh vực năng lượng gió và năng lượng mặt trời Mỹ có thể cắt giảm 78% lượng khí các-bon mà ngành công nghiệp sản xuất điện thải ra vào năm 2030. Thành phố Babcock Ranch ở bang Florida (Mỹ) vào thời điểm cuối năm 2018 đã trở thành một trong những thành phố bền vững và thân thiện với môi trường bậc nhất trên thế giới. Tại đây, 100% điện năng sử dụng đều là từ năng lượng tái tạo và áp dụng theo công nghệ điện lưới thông minh.

Châu Âu cũng được xem là khu vực đi đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Để đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch “Năng lượng sạch cho toàn châu Âu”, cuối năm 2018 các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về gói đầu tư trị giá 873 triệu euro cho các dự án lớn của châu Âu về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Trong số 17 dự án được EU lựa chọn tài trợ có 8 dự án thuộc lĩnh vực điện với mức đầu tư lên tới 680 triệu euro và 9 dự án khác liên quan tới khí đốt được đầu tư 193 triệu euro. Các dự án liên quan tới lĩnh vực năng lượng tái tạo này sẽ giúp liên kết và tăng cường an ninh cho mạng lưới năng lượng trên toàn châu Âu. Theo đó, các thành viên EU sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang nền kinh tế có mức độ thải khí các-bon thấp, an toàn và cạnh tranh. Liên minh năng lượng sẽ là một trong những ưu tiên của EC nhằm chuyển đổi châu Âu sang một nền kinh tế sạch và hiện đại.

Năng lượng tái tạo, hướng đi của tương lai - Ảnh 1
Phát triển năng lượng tái tạo đã và đang trở thành xu thế tất yếu tại nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng tại châu Âu, Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sĩ là ba quốc gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng; xếp sau là Phần Lan và Đan Mạch. Trong số các nước này, hệ thống năng lượng của Thụy Sĩ được đánh giá tốt hàng đầu thế giới, với gần hai phần ba điện năng ở quốc gia này được sản xuất bằng thủy điện và năng lượng tái tạo.

Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và pin trữ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 như là một phần của chương trình cải tổ toàn diện năng lượng quốc gia nhằm giảm sử dụng các nhà máy điện than gây ô nhiễm môi trường.

Ấn Độ cũng tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo với nhiều chương trình và hình thức mới. Ấn Độ cùng Pháp đã đồng sáng lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) năm 2016 với mong muốn thúc đẩy năng lượng mặt trời trên quy mô toàn cầu. Quốc gia này đã phát động chương trình mở rộng năng lượng tái tạo và dự kiến đến năm 2022 sẽ sản xuất 175 GW điện từ nguồn năng lượng này.

Ở Hàn Quốc, năm 2014 quốc gia này đã dành tới 17,9%, khoảng 16,9 nghìn tỉ Won (15,4 tỉ USD) trong tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) các lĩnh vực liên quan tới phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Trong khi tốc độ chi tiêu R&D tính chung cho cả nước Hàn Quốc trong giai đoạn 2008-2014 là 9%/năm thì tốc độ chi tiêu R&D cho công nghệ năng lượng tái tạo đạt 15,8%/năm. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch chi khoảng 110 tỉ USD từ nay đến năm 2030 để xây dựng thêm các nhà máy điện mặt trời và điện gió trên cả nước nhằm tăng gấp ba lần tỉ lệ điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo.

Tại Đông Nam Á, kể từ khi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu được phê chuẩn vào tháng 12/2015, cũng như Cam kết của các quốc gia về môi trường (INDC) được ký kết vào tháng 11/2016, các nước trong khu vực đã tập trung áp dụng các giải pháp chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng thải ra ít các- bon hơn. Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng sạch để đáp ứng các mục tiêu của INDC được dự báo sẽ tăng và đến năm 2030 các nước ASEAN sẽ cần đến 2.100 tỉ USD cho lĩnh vực này.

Tại châu Mỹ, theo xếp hạng của Happy Planet Index, năm 2017, Cô-xta Ri-ca tiếp tục dẫn đầu thế giới về tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và là năm thứ ba liên tiếp phá kỷ lục về số ngày chỉ sử dụng năng lượng sạch. Cô-xta Ri-ca đã đạt mốc tròn 300 ngày chỉ sử dụng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Cô-xta Ri-ca trong năm 2017 đã đáp ứng 99,62%, gần như tuyệt đối nhu cầu điện tiêu thụ trong năm của quốc gia có 4,8 triệu dân này.

Tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương cũng có Quyết định 2023/QĐ- BCT ngày 5/7/2019 phê duyệt Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 và nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện.

Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc tích cực của Bộ Công Thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, điện năng lượng tái tạo đã có bước phát triển vượt bậc, đạt trên 5.500 MW. Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành; trong đó, các dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất 657,88 MWp. Năng lượng tái tạo đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỉ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo, hướng đi của tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới