Năng lượng sạch, có thực sự sạch?
Điện mặt trời đang trở thành một giải pháp quyết định cho sự phát triển năng lượng sạch của toàn cầu, góp phần quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc tái chế pin năng lượng mặt trời cũ là một vấn đề mang tính cảnh báo rất đáng suy nghĩ.
Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) ước tính tới năm 2050 toàn thế giới có tới 78 triệu tấn pin mặt trời hết hạn sử dụng. Mỗi năm, toàn cầu sẽ thải ra khoảng 6 triệu tấn rác thải điện tử có nguồn gốc từ loại pin này.
Mặc dù 6 triệu tấn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số rác thải điện tử nhân loại thải ra mỗi năm, song điều đáng nói là các phương pháp tái chế rác thải điện tử hiện nay lại không giúp giải quyết hiệu quả rác từ pin mặt trời.
Theo các nghiên cứu, hoạt động sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời làm tăng đáng kể lượng khí thải nitrogen trifluoride (NF3), có tác hại tới môi trường như một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính gấp 17.200 lần so với khí carbon dioxide (CO2) trong giai đoạn 100 năm.
Lượng khí thải NF3 tăng 1.057% trong 25 năm qua, trong khi lượng khí CO2 ở Mỹ chỉ tăng khoảng 5% trong cùng kỳ.
Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết như bão, lốc, động đất… có thể gây hư hại cho các tấm pin năng lượng mặt trời này. Ví dụ, năm 2015, một cơn lốc đã phá hỏng 200.000 tấm pin đang hoạt động tại khu vực miền Nam California (Mỹ) của công ty Desert Sunlight. Gần hơn, trang trại điện mặt trời lớn thứ hai ở Puerto Rico, sản xuất xuất 40% sản lượng điện của Puerto Rico, đã bị hư hại nghiêm trọng do một cơn bão lớn.
Với 100.000 pound (1 pound = 0,454 kg) cadmium chứa trong 1,8 triệu tấm pin năng lượng Mặt trời lắp đặt tại một trang trại có diện tích 6.350 mẫu Anh (1 mẫu Anh = 0,4ha) ở Virgina, bất kỳ sự rò rỉ nào cũng gây ra nhiều quan ngại.
Một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. (Ảnh: Internet) |
Theo Cục Năng lượng Mỹ, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. Pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ. Việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường.
Theo báo Giáo dục VN, nói về mối nguy hại của năng lượng mặt trời với môi trường, PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản (VJIIST) băn khoăn, việc xử lý các vấn đề hậu điện mặt trời như thế nào sau khi thu hồi các tấm pin mặt trời rất cần được quan tâm.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất pin mặt trời, nhà sản xuất sử dụng axit HF để làm sạch tấm nền, xử lý bề mặt, người lao động không được trang bị bảo hộ đạt chuẩn sẽ khiến các mô bị phá hủy, giảm canxi trong xương.
Ngoài ra, sau khi tấm pin mặt trời hư hỏng, cũng trở thành nguồn rác thải ảnh hưởng môi trường, cần phải xử lý để hạn chế ô nhiễm. Đối diện với việc giải quyết ô nhiễm từ tấm loại pin mặt trời cũng đang khiến nhiều quốc gia đau đầu.
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh khi cho rằng, tấm pin mặt trời không gây ô nhiễm trong quá trình lắp đặt, sử dụng nhưng sau khi hết hạn và thải ra môi trường thì ô nhiễm rất lớn, hơn cả nilon.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại, chúng ta đang gặp khó khăn ở khâu tái chế pin mặt trời do còn đang lúng túng đối về công nghệ tái chế, chủ yếu vẫn đi vào giải pháp xử lý chôn lấp. Và điều chắc chắn ai cũng có thể nhìn ra về những nguy cơ ô nhiễm nguồn đất nguồn nước khi chôn lấp các tấm pin mặt trời. “Và như vậy, thực sự đây là vấn đề nan giải đối đối với bài toán về môi trường sau khi các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng” – ông Ngãi nhấn mạnh.
Nhật Hạ