Thứ năm, 28/03/2024 21:27 (GMT+7)
Thứ năm, 03/09/2020 12:14 (GMT+7)

Nhiệt điện than tác động mạnh mẽ đến lượng khí thải CO2 toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than được xem là “tòng phạm” gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ bầu khí quyển ngày càng gia tăng. Ngoài ra, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 do nhiệt điện than gây ra được cảnh báo ở mức độ nghiêm trọng vào năm 2030.

Các chuyên gia năng lượng trên toàn thế giới đều thừa nhận than là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Tuy nhiên, vì đây vẫn là nguồn năng lượng rẻ, nên nhiều quốc gia đang phát triển vẫn sử dụng phần lớn điện than trong cơ cấu năng lượng quốc gia.

Mặc dù tiêu thụ than toàn cầu đã giảm nhẹ năm 2019, nhưng trong suốt thập kỷ qua, tiêu dùng điện than đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 0,8%. Tăng trưởng điện than đặc biệt cao ở các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở các nền kinh thế này, ​​mức tiêu thụ than tăng với tốc độ trung bình hằng năm là 2,4% trong thập kỷ qua. Sự tăng trưởng này được dẫn đầu bởi Trung Quốc và Ấn Độ - những quốc gia tiêu dùng than số 1 và 2 toàn cầu.

Đông Nam Á thường được cho là khu vực thúc đẩy tăng trưởng cho ngành than toàn cầu, do nhập khẩu khối lượng lớn. Báo cáo Năng lượng Tái tạo 2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói khu vực này đang đi sau thế giới trong việc chuyển hướng sang điện tái tạo.

Theo Forbes, 6 trong số 10 nền kinh tế sử dụng điện than lớn nhất thế giới nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và Indonesia có tốc độ tăng trưởng điện than đặc biệt cao trong năm 2019, lần lượt là 30,2% và 20,0%.

Nhiệt điện than tác động mạnh mẽ đến lượng khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 1
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Quảng Ninh. (Ảnh minh họa)

Nhiều quốc gia thay thế nhiệt điện than bằng các nguồn năng lượng sạch

Thông qua các báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (ICPP) hay những thông tin cập nhật về chính sách năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiệt điện than luôn được đề cập đến như một nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính cần được cắt giảm.

Hồi năm 2019, cựu thị trưởng New York và tỉ phú Michael Bloomberg cho biết sẽ đóng góp 500 triệu USD cho quá trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than trên khắp nước Mỹ.

Tiêu thụ than ở Mỹ đạt đỉnh vào năm 2005 và tiếp tục duy trì mức khá ổn định cho đến thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008. Kể từ đó, tiêu thụ than của Mỹ bắt đầu giảm với tốc độ trung bình 5,1% hàng năm trong thập kỷ tiếp theo. Tiêu thụ than của Mỹ đã giảm thêm 14,6% trong năm 2019, và hiện thấp hơn 50,4% so với năm 2005.

Tiêu thụ than của Mỹ giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến khí thải CO2 của Mỹ giảm mạnh trong thập kỷ qua. Tiêu thụ than trong các nhà máy điện đã được thay thế bằng khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo, cả hai loại năng lượng này đều có lượng khí thải carbon thấp hơn nhiều.

Nhiệt điện than tác động mạnh mẽ đến lượng khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 2
Số nhà máy điện than đóng cửa năm nay ở Mỹ tăng lên mức kỷ lục. (Ảnh: Getty Images)

Năm 2019, giá carbon trong hệ thống mua bán phát thải của EU đã lên 20 euro cho một tấn CO2, khiến giá điện than đắt hơn giá điện khí. Nhưng điện than sẽ chuyển sang điện gió và điện mặt trời nhiều hơn là chuyển sang điện khí, vốn không có nhiều nhà máy mới xây dựng.

Tất cả nước Tây Âu chứng kiến các mức giảm ấn tượng - từ 22% của Đức đến 79% của Ireland, trong nửa đầu 2019.

Đa dạng hóa năng lượng cũng ở mức ấn tượng ở Ấn Độ. Nhu cầu điện ở Ấn Độ tiếp tục giảm mạnh. Điện từ nguồn không phải than tăng khoảng 12% trong 9 tháng đầu năm 2019 khiến điện than giảm mạnh.

Năm 2019, sản lượng điện hạt nhân, điện gió và thủy điện của Trung Quốc đều tăng, lượng than sử dụng để phát điện không tăng so với năm 2018.

Năm 2012, IEA từng nói: “Trung Quốc là than, than là Trung Quốc”. Đến 2019, Trung Quốc vẫn chiếm vị trí áp đảo trong sử dụng than toàn cầu, với tỉ lệ 48,1%, và là nước sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu than nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, 2019 cũng chứng kiến những hợp đồng nhà máy điện gió và mặt trời dự kiến phát điện ở mức giá rẻ hơn điện than vào năm 2020.

Nhiệt điện than tác động mạnh mẽ đến lượng khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 3
Hệ thống điện mặt trời nổi tại Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: Imagine China/Newscom)

Công suất điện than toàn cầu sụt giảm kỷ lục

Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu, nửa đầu năm 2020, công suất điện than toàn cầu lần đầu tiên sụt giảm ở mức kỷ lục 2,9 gigawatt (GW) trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà máy dừng hoạt động và đại dịch Covid-19 khiến việc triển khai các dự án mới bị ngưng trệ.

Báo cáo trên của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM) vừa được hoàn thành vào tháng 7/2020 cho thấy số lượng nhà máy điện than đóng cửa, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu đã vượt qua số lượng mở mới.

Công suất điện than toàn cầu suy giảm chủ yếu nhờ châu Âu cho​​ ngừng hoạt động 8,3GW điện than vào năm 2020. Với kế hoạch cho ngừng hoạt động thêm 6GW điện than trong năm nay, châu Âu đang trên đường xác lập một năm giảm kỷ lục nguồn năng lượng này.

Nhiệt điện than tác động mạnh mẽ đến lượng khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 4
Công suất điện than toàn cầu sụt giảm ròng 2,9 GW trong nửa đầu năm 2020. (Ảnh minh họa)

Ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có 1GW công suất điện than được đề xuất bổ sung và 0,8GW công suất được bắt đầu xây dựng trong nửa đầu năm 2020, giảm 70% so với mức trung bình của khu vực với 2,9GW đề xuất bổ sung và 2,7GW xây mới sau mỗi sáu tháng kể từ năm 2015.

Tại Việt Nam, Quy hoạch điện VIII sắp tới đang đề xuất loại bỏ 9,5GW công suất điện than đã phê duyệt và đẩy lùi thêm 7,6GW đến sau năm 2030. So với quy hoạch 7 điều chỉnh, mức giảm này sẽ loại bỏ gần một nửa (48%) công suất nhiệt điện than được​​ quy hoạch bổ sung đến năm 2030, từ 35,5GW xuống còn 18,4GW.

Dù Liên Hợp Quốc (UN) kêu gọi các quốc gia thành viên ra lệnh cấm xây dựng nhà máy điện than mới vào năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu trong Hiệp định khí hậu Paris, các nhà máy với công suất khoảng 190 GW vẫn đang được xây dựng trên thế giới và 331,9 GW khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch tiền xây dựng.

Từ nay đến 2030, sản xuất điện than toàn cầu cần tiếp tục giảm 50% - 75% so với dưới mức hiện tại để hạn chế nhiệt độ trái đất ấm lên ở mức dưới 2°C, theo phân tích của GEM dựa trên các kịch bản của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong báo cáo SR1.5.

Theo GEM, tốc độ xây dựng nhà máy điện than tại châu Á đang giảm dần, khi các quốc gia như Bangladesh và Việt Nam cân nhắc hạn chế hoặc trì hoãn các dự án mới. Báo cáo của GEM dẫn nghiên cứu của Đại học Maryland cho thấy việc ồ ạt mở các nhà máy điện than tại Trung Quốc có thể làm trầm trọng tình trạng thừa cung.

Lượng khí CO2 toàn cầu sẽ giảm mạnh nếu điện than được loại bỏ?

Việc đầu tư vào nhiệt điện than sẽ không còn hấp dẫn nữa bởi theo các chuyên gia Carbon Tracker, thời gian thu hồi vốn cho các khoản đầu tư vào điện than thường trong khoảng từ 15 đến 20 năm và “các khoản đầu tư này có tính rủi ro cao bởi đốt than để tạo ra điện khó có thể là một lựa chọn có chi phí thấp nhất trước khi hoàn vốn”.

Theo báo cáo trước đó của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), nếu các nước thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm 50% lượng khí CO2 vào năm 2030, và xuống mức 0% đến năm 2050 cùng cam kết không có thêm khí phát thải mới thì mới có thể kiềm chế được mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng an toàn 1,5 độ C.

Sản lượng điện than toàn cầu giảm mức kỷ lục khoảng 3% trong năm 2019. Con số này có tác động lớn đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm của thế giới, vì trong tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch năm 2018, có tới 50% là CO2 từ nhà máy điện than. Điện than cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất nên các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và các quốc gia này đều đã cắt giảm hoặc ngừng sử dụng các nhà máy điện than.

Nhờ sản lượng điện than giảm 3% năm 2019, phát thải CO2 toàn cầu có thể sẽ tăng chậm hơn. Dù vậy, lượng than sử dụng và lượng phát thải tạo ra vẫn vượt xa mức cần để đạt các mục tiêu trong Thỏa thuận chung Paris.

Nhiệt điện than tác động mạnh mẽ đến lượng khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 5
Quy hoạch điện 8 của Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, năm 2019, tổng công suất điện cả nước đạt 54.880 MW, trong đó nhiệt điện than là 20.200 MW (chiếm 36,1%) nhưng có giá trị rất cao về sản xuất ra điện lượng.

Trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 vẫn còn rất lớn, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được nhu cầu, thì vai trò của nhiệt điện than là nguồn “cứu cánh” để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Tuy nhiên, để phát triển nhiệt điện than, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số lò hơi (siêu tới hạn) và (siêu siêu tới hạn) để nâng cao hiệu suất của lò hơi, giảm tiêu thụ nhiên liệu cũng như giảm phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường.

Những vấn đề ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than gây ra tác động trực tiếp tới sức khỏe con người. Đặc biệt, ô nhiễm không khí do nhiệt điện than là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm đường hô hấp dưới và ung thư phổi...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc Xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8) sẽ hạn chế phát triển nhà máy nhiệt điện than, vốn được đưa nhiều vào quy hoạch điện 7. Theo đó, giai đoạn tới không phát triển mạnh điện than mà chỉ phát triển dự án đã được đưa vào quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh, không đưa dự án mới vào triển khai.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Nhiệt điện than tác động mạnh mẽ đến lượng khí thải CO2 toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.