Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Đa dạng sinh học (ĐDSH) chính là giá trị quý báu của tự nhiên, góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân, duy trì nguồn gen của động, thực vật... Do đó, bảo tồn ĐDSH có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này không dễ dàng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Việt Nam lọt Top 16 quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Chúng ta đã có một hệ thống các Khu bảo tồn được thành lập. Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 07 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).
Việt Nam là 1 trong số 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. (Ảnh minh họa) |
Đến nay, nước ta có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; có 09 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha.
Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.
Theo báo cáo số liệu thống kê về đa dạng sinh học cho thấy, Việt Nam đã phát hiện được gần 12.000 loài thực vật, trong đó khoảng 2.300 loài được sử dụng làm lương thực, khoảng 3.300 loài được sử dụng làm dược liệu, thức ăn gia súc, lấy gỗ, lấy dầu và nhiều sản phẩm quý khác. Về hệ động vật, Việt Nam có khoảng 310 loài thú; 840 loài chim; 296 loài bò sát; 162 loài ếch nhái; 2.472 loài cá (trong đó có 472 loài cá nước ngọt) và hàng chục nghìn loài động vật không xương sống ở cạn, ở nước và trong đất… |
Đa dang sinh học đang bị suy giảm nghiêm trọng
Với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, nhất là trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, có xu hướng gia tăng theo mức phát triển kinh tế-xã hội.
Số lượng sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim đã giảm từ 1.000 cá thể năm 1980 xuống còn 11 cá thể năm 2018. (Ảnh minh họa) |
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), việc quản lý các hệ sinh thái (HST) tự nhiên, đặc biệt các hệ sinh thái HST rừng trên cạn chưa hiệu quả nên ở nhiều địa phương, vẫn diễn ra các hoạt động chặt phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp có tổ chức ở các khu rừng phòng hộ, vùng đệm khu bảo tồn, hành lang giữa các khu bảo tồn, thậm chí trong vùng lõi rừng đặc dụng.
Diện tích rừng trồng tăng lên nhưng diện tích rừng tự nhiên lại giảm đi. Từ năm 2005 đến năm 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% đến 41,45% do trồng rừng và cải tạo tự nhiên. Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên lại giảm từ 12 triệu ha (1945) còn 2,8 triệu ha (2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém.
Ô nhiễm hạt vi nhựa - Ẩn họa cho môi trường và sức khoẻ con người |
Trong giai đoạn 2012 – 2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái phép chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận khoảng 806 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên ở Việt Nam cũng có xu hướng suy giảm diện tích như: rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi vùng gian triều, rừng tràm, hồ tự nhiên. Tuy vậy, các kiểu đất ngập nước nhân tạo lại có chiều hướng gia tăng diện tích như: hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải…
Rừng ngập mặn cần giờ là một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á. |
Theo dự báo của Viện Khoa học Khí tượng – Thủy văn và BÐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm của nước ta tăng khoảng 2, 3oC; mực nước biển có thể dâng từ 75 cm đến 1 m so với trung bình thời kỳ từ 1980 đến 1999.
Do vậy, nếu theo dự báo thì khoảng 20% đến 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 11% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập nước. Cũng với kịch bản này, sẽ có 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (27%), 46 khu bảo tồn (33%), chín khu vực ÐDSH có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu có đa dạng quan trọng khác (21%) ở Việt Nam bị tác động nghiêm trọng…
Ðáng chú ý, nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần thể sinh vật của nhiều HST. Các nhà khoa học đã chứng minh được sự di cư của một số loài do sự ấm lên của Trái đất.
Bán đảo Sơn Trà được xem là vương quốc của Voọc chà vá chân nâu. (Ảnh minh họa) |
Lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH để phát triển bền vững
Phát biểu tại cuộc họp về Quy hoạch bảo tồn ĐDSH hồi đầu tháng 7/2020, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đặt ra mục tiêu gìn giữ được mảng xanh môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo đó, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong 10 năm tới có ý nghĩa rất quan trọng khi đóng vai trò là một yếu tố nền tảng, cấu thành sự phát triển của đất nước theo hướng bền vững. Đây được coi là một lớp trong các quy hoạch của ngành TN&MT và phải được hoàn thành trước quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.
Đàn bướm đầy màu sắc bay ngợp trời tại Vườn quốc gia Cúc Phương. (Ảnh minh họa) |
Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã huy động được sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thông qua Chương trình quỹ gen đã tiến hành bảo tồn nguồn gen quý trên phạm vi cả nước, đặc biệt nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản và dược liệu. Đến nay, trên toàn quốc đã có trên 30 tỉnh đưa các loại hình nhiệm vụ quỹ gen vào thực hiện hàng năm.
Ngành công nghiệp thời trang và cái giá phải trả của môi trường |
Số lượng các nguồn gen quý hiếm được lưu giữ, bảo tồn tiếp tục gia tăng với 45.974 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 3.727 nguồn gen cây dược liệu, 887 giống vật nuôi, 207 giống thủy sản và 21.393 chủng vi sinh vật được lưu giữ.
Để chủ động ứng phó với sự suy thoái ÐDSH, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ÐDSH, các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu và chủ động đề xuất các giải pháp giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Vườn chim Thung Nham (Ninh Bình) là một trong những điểm du lịch nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú. (Ảnh minh họa) |
Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta biết quản lý, giám sát để sử dụng một cách hiệu quả thì đây chính là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; giúp phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, du lịch bền vững; cân bằng hệ sinh thái, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu... phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Ngày 3/2/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 174/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối tượng nghiên cứu của quy hoạch bao gồm: khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng và vùng đất ngập nước quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả. |
Nguyễn Luận