Năng lượng địa nhiệt – Tiềm năng của Nhật Bản đang ngủ quên
Đầu tư vào công nghệ năng lượng địa nhiệt là dấu hiệu quyết tâm tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng. Tuy nhiều tiềm năng nhưng địa nhiệt của Nhật Bản chưa được khai thác, ngoài nguyên nhân về quy trình phức tạp, kinh phí thực hiện cao...
Nguồn tài nguyên tiềm năng đang ngủ quên
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng địa nhiệt của Nhật Bản chưa được khai thác, ngoài nguyên nhân về quy trình phức tạp, kinh phí thực hiện cao còn gặp nhiều trở ngại khác.
Ở Nhật Bản, 90% năng lượng là phụ thuộc vào nhập khẩu, Nhật Bản đang hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, trong đó địa nhiệt được xem là một nguồn tài nguyên có nhiều tiềm năng nhưng đang ngủ quên từ lâu nay.
Có thể thấy, tiềm năng phát triển địa nhiệt của Nhật Bản lớn thứ 3 thế giới với nền địa chất đặc biệt. Nếu tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này, Nhật Bản có thể đưa năng lượng địa nhiệt trở thành trọng tâm trong cơ cấu năng lượng quốc gia.
Tài nguyên địa nhiệt của Nhật Bản tương đương với 23,47 triệu kilowatt điện và tương đương với 23 nhà máy điện hạt nhân, đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau sau Mỹ và Indonesia. Tuy nhiên, công suất địa nhiệt hiện tại của Nhật Bản là 610.000 kilowatt, chỉ chiếm 0,3% tổng nguồn điện của Nhật Bản tính đến tháng 3/2021, thấp hơn nhiều so với điện mặt trời (7,9%) và thủy điện (7,8%).
Không chỉ có tiềm năng lớn, địa nhiệt còn có nhiều ưu điểm để đóng góp vào quá trình trung hòa khí thải theo cam kết của Nhật Bản vào năm 2050. Theo Viện nghiên cứu Trung ương về công nghiệp điện lực nước này, địa nhiệt hầu như không phát thải CO2 trong quá trình phát điện.
Cùng với đó, so với các năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời và điện gió, bị ảnh hưởng bởi nắng, gió và thời gian trong ngày thì địa nhiệt sẽ tạo ra nguồn điện ổn định, có thể được sử dụng làm nguồn điện cơ bản.
Nguyên nhân địa nhiệt của Nhật Bản chưa được khai thác?
Tuy có nhiều tiềm năng nhưng địa nhiệt của Nhật Bản chưa được khai thác, ngoài nguyên nhân về quy trình phức tạp, kinh phí thực hiện cao thì còn gặp nhiều trở ngại khác.
Trở ngại lớn nhất để phát triển địa nhiệt là có đến 80% khu vực có tiềm năng địa nhiệt nằm trong các khu bảo tồn quốc gia. Thứ hai là sự phản đối từ ngành công nghiệp du lịch suối nước nóng hay còn gọi là onsen tại Nhật Bản, khi lo ngại nếu phát triển địa nhiệt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các suối nước nóng. Nhiều ý kiến cho rằng phải bảo vệ văn hóa suối nước nóng - vốn là một trong những biểu tượng của du lịch Nhật Bản và mang lại nguồn thu kinh tế lớn cho địa phương.
Có nhiều trở ngại, sản lượng địa nhiệt tại Nhật Bản hầu như không tăng thêm trong 10 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung năng lượng toàn cầu, Nhật Bản một lần nữa đang xem xét đến địa nhiệt, với biện pháp hài hòa, vừa phát triển điện năng vừa phục vụ du lịch. Nhật Bản kỳ vọng có thể tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có này, qua đó tăng khả năng tự chủ năng lượng quốc gia.
Tetsunari Iida, người đứng đầu Viện Chính sách Năng lượng bền vững trước đó cho rằng, Nhật Bản cần một “chính phủ mạnh và khôn ngoan” để có thể thuyết phục các chủ sở hữu onsen và người dân địa phương là công nghiệp năng lượng địa nhiệt sẽ không làm ảnh hưởng xấu đến khu nghỉ dưỡng của họ. Ông cũng nói rằng, cường quốc châu Á cần các công ty có khả năng tài chính vững chắc và văn hóa rủi ro mạnh mẽ để tiên phong. “Có những công ty sản xuất turbine địa nhiệt tốt nhất thế giới là không đủ”.
Đại sứ Iceland tại Nhật từ kinh nghiệm của quốc gia mình cho rằng, Nhật Bản không cần trợ cấp để phát triển năng lượng địa nhiệt, chỉ cần quản lý cẩn thận các hồ chứa ngầm và có tầm nhìn kinh doanh. Bên cạnh tác dụng sưởi ấm nhà, ông nói, nguồn nước địa nhiệt của Iceland còn được sử dụng để nuôi các loại cá nhiệt đới giá trị như cá tilapia. Đối với những kháng nghị từ phía các chủ onsen.
Năng lượng địa nhiệt là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong lòng trái đất. Năng lượng này có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật, và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt trái đất. Chúng đã được sử dụng để nung và tắm kể từ thời La Mã cổ đại, nhưng ngày nay nó được dùng để phát điện. Hiện nay có 2 phương pháp cơ bản để khai thác năng lượng địa nhiệt. Một là khoan thật sâu xuống lòng đất để lấy nhiệt lượng ở nhiệt độ cực cao, rồi dùng hơi nước để sản xuất điện. Hai là chỉ cần khoan sâu vài trăm mét để sử dụng trực tiếp số nước có độ nóng vừa phải làm năng lượng sưởi ấm… Việc khai thác năng lượng địa nhiệt tương đối thuận lợi. Người ta khoan vào lòng đất ở độ sâu 5 km, như khoan các giếng dầu. Sau đó bơm nước lạnh xuống giếng với một áp lực lớn, nước lạnh sẽ được làm nóng lên khi tiếp xúc với những tảng đá nằm trong lòng đất. Sau đó, nguồn nước nóng cao độ này lại được bơm lên mặt đất bằng một hệ thống bơm thông qua 2 giếng khác. Lúc này nguồn nước đã rất nóng, tạo ra nhiều hơi nước để làm quay các turbine phát điện.
Huyền Diệu