Thứ ba, 17/09/2024 06:39 (GMT+7)
Thứ ba, 15/06/2021 14:49 (GMT+7)

Nan giải công nghệ điện rác ở TP.HCM: Vì sao 'đắp chiếu'? (Kỳ 2)

Theo dõi KTMT trên

Công nghệ điện rác được kỳ vọng sẽ giải bài toán xử lý rác ở TP.HCM. Nhưng sau nhiều năm triển khai, các doanh nghiệp vẫn đang phải chờ các thủ tục pháp lý khiến cho nhiều nhà máy 'đứng hình'.

4 năm triển khai vẫn giậm chân tại chỗ

Từ những bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải, những năm gần đây, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp như: Chương trình giảm thiểu rác thải, phân loại rác tại nguồn, thực hiện triển khai đổi mới công nghệ xử lý rác tại các nhà máy… Những giải pháp này được triển khai thực hiện song song nhằm đạt được hiệu quả tối đa trong việc xử lý rác thải và kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong đó, việc đổi mới công nghệ xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích. Sản phẩm của công nghệ giúp thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia; các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng.

Về lợi ích của dự án chuyển đổi công nghệ mới trong xử lý rác thải là làm giảm lượng chất thải nếu đem chôn lấp; Giảm diện tích đất chôn lấp; Tạo năng lượng xanh; Giảm phát thải khí nhà kính; ít nước rỉ rác, kiểm soát mùi dễ hơn.

Cụ thể, năm 2019, TP.HCM đã chấp thuận và đã khởi công 3 dự án: Nhà máy xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Cụm nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi. Các nhà máy này đều dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020, hứa hẹn giải quyết đáng kể lượng rác phải chôn lấp.

Thế nhưng, sau gần 2 năm khởi công, hầu hết những dự án nhà máy đốt rác phát điện này vẫn chưa thể hoàn thiện và đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch. Bởi sau khi khởi công, những đơn vị này lại gặp nhiều vướng mắc trong các thủ tục pháp lý để có thể tiến hành xây dựng nhà máy. Đến nay, hầu hết những khó khăn chưa được gỡ bỏ và các dự án đầy kỳ vọng này vẫn chưa được tái khởi động và chỉ có thể “nằm đắp chiếu” để chờ đợi.

Nan giải công nghệ điện rác ở TP.HCM: Vì sao 'đắp chiếu'? (Kỳ 2) - Ảnh 1
Cận cảnh dây chuyền phân loại rác với công suất 1.200 tấn/ngày bằng công nghệ hiện đại và không cần phân loại rác tại nguồn của Công ty cổ phần Vietstar.

Bên cạnh đó, ngày 11/6/2017, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP. Nghị quyết 03/NQ-HĐND đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như: “Đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư; hoàn tất việc lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động chất lượng môi trường trên địa bàn TP.HCM và đảm bảo dữ liệu được truyền trực tiếp về cơ quan chức năng để phân tích, đánh giá.

Tỉ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%; đến năm 2025, tối đa là 20%. Đến năm 2021, toàn bộ dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được đấu thầu định kỳ….”

Tuy nhiên, qua thực tế có thể thấy, sau 4 năm triển khai thực hiện đến nay công tác bảo vệ môi trường tại TP.HCM vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Từ đó, vấn đề rác thải đã và đang trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế của toàn TP.

Doanh nghiệp kêu..."vướng"

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về nhà máy xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện "đứng hình" sau gần 2 năm khởi công, ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar cho biết: “Hơn 1 năm qua, phần nhà máy phát điện bị dừng vì không có giấy phép, mà không có giấy phép thì chúng tôi không thể tiến hành xây dựng được. Nếu cố tình xây dựng là vi phạm".

Ông Việt cho biết, nhà máy khởi công từ tháng 8/2019. Đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thành giai đoạn 1 đó là cải tiến hệ thống phân loại và tái chế (không cần chờ phân loại tại nguồn). Nhưng còn giai đoạn 2 là xây dựng và lắp ráp hệ thống đốt rác phát điện (WTE) thì TP vẫn chưa cấp cho doanh nghiêpj bất kỳ một giấy phép nào cả từ giấy phép xây dựng, giấy phép ĐTM… Mọi thứ từ máy móc, đến hạ tầng, công ty đã mua và chuẩn bị xong xuôi hết.

"Bây giờ chỉ cần TP cấp phép là chúng tôi xây dựng và sẽ nhanh chóng hoàn thành trong thời gian nhanh nhất để nhà máy đi vào hoạt động đúng kế hoạch đặt ra”, vị này nói.

Nan giải công nghệ điện rác ở TP.HCM: Vì sao 'đắp chiếu'? (Kỳ 2) - Ảnh 2
Khu đất được dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Vietstar vẫn để không và "nằm chờ" chưa thể triển khai xâu dựng theo đúng kế hoạch.

Giải thích cho vấn đề công ty bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì vi phạm một số nội dung trong việc lưu trữ rác và xử lý nước rỉ rác, đại diện Công ty cổ phần Vietstar cho rằng, bản thân mình cũng là "nạn nhân". Bởi khi tiếp nhận rác tươi vào nhà máy, hầu hết lượng rác tươi và các chất nguy hại đã được xử lý trên dây chuyền tự động, phần còn lại chỉ là phần rác vô cơ đã được xử lý (ADF) và dành để làm nguyên liệu đốt khi nhà máy đốt rác phát điện được xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động.

Hiện tại, nhà máy đốt rác phát điện đã chậm so với kế hoạch, mà nguyên nhân chính là do chưa được chính quyền hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan. Khi nhà máy không đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch thì dẫn đến lượng nguyên liệu rác vô cơ đã qua xử lý tồn lại ngày một nhiều, không có nhà máy để xử lý những nguyên liệu đó và chúng tôi bị xử phạt.

Sau đó, công ty đã thương thảo lại với thành phố để trả lại một phần khối lượng rác vô cơ trên. Đến khi nhà máy đốt rác phát điện được xây dựng thì lượng rác vô cơ này sẽ được xử lý triệt để và không còn tình trạng tồn dư như hiện tại.

Trong khi đó, trao đổi với một số cơ quan báo chí, lãnh đạo một đơn vị xử lý rác có tiếng trên địa bàn TP.HCM chia sẻ rằng, hiện nay công ty đang làm thủ tục pháp lý xin Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch điện mới có thể gửi hồ sơ xin phép xây dựng. Khó khăn nhiều nhất trong việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện là thủ tục chậm.

Trước thực trạng lượng rác thải tại TP.HCM đang không ngừng gia tăng và các giải pháp đã được triển khai đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi đã đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan ban ngành. Hơn nữa, rác thải đang dần trở thành gánh nặng về vấn đề môi trường của thành phố.

Một số chuyên gia ngành môi trường cho rằng, để đạt được những mục tiêu đã được đặt ra, TP.HCM cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn hết là UBND TP.HCM, các sở ban ngành địa phương phải vào cuộc thực sự quyết liệt.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ – giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, theo quy định, lò đốt rác bao giờ cũng phải có 2 khoang, trong đó 1 khoang xử lý rác hữu cơ, nhiệt độ khoảng 800oC, còn khoang còn lại nhiệt độ phải tối thiểu 1.200oC thì mới đảm bảo xử lý được các loại hóa chất có thể phát sinh. Nhưng hiện nay, theo khảo sát, nhiều khoang không đáp ứng được nhiệt độ đốt rác theo quy định khiến lượng hóa chất phát sinh không được xử lý hết, trong đó có dioxin, furan – những chất có khả năng gây ra ung thư cho con người.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin. 

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Nan giải công nghệ điện rác ở TP.HCM: Vì sao 'đắp chiếu'? (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới