Nan giải bài toán xử lý rác thải vùng cao Nghệ An
Với tốc độ phát triển dân số, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây của các huyện vùng cao Nghệ An, vấn đề thu gom, xử lý rác thải trở thành câu chuyện đáng báo động cho môi trường sống.
Đau đầu với ô nhiễm
Trước đây, do dân cư sinh sống thưa thớt, vấn đề rác thải sinh hoạt không đáng lo ngại với các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển dân số, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây nên vấn đề thu gom, xử lý rác thải trở thành câu chuyện đáng báo động cho môi trường sống.
Thực tế, năm 2015, UBND huyện Kỳ Sơn đã quy hoạch và xây dựng một khu xử lý rác của thị trấn Mường Xén đặt tại xã Nậm Cắn. Tuy nhiên, bãi rác này mới chỉ đào hố, xây sơ sài rồi đưa vào sử dụng. Vì thế, tuy mới đi vào hoạt động được vài năm nay nhưng bãi rác thải nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập khiến cho người dân không khỏi bất an, đau đầu với ô nhiễm.
Do khu vực tập kết bãi rác chỉ cách trung tâm của bản này hơn 1km nên mùi hôi thối theo hướng gió bao trùm khu dân cư với hơn 130 hộ dân, gần 600 nhân khẩu ở bản Noọng Dẻ. Đặc biệt, bãi rác này xử lý rác bằng hình thức gom đốt, vì thế khói đốt rác ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Mùi hôi, khét của khói rác không chỉ ảnh hưởng hàng trăm hộ dân bản mà còn khiến những người tham gia giao thông trên QL7 hết sức bức xúc.
Mặt khác, bãi rác này nằm trên thượng nguồn của sông Nậm Mộ nên khi trời mưa nước rỉ trong quá trình phân hủy rác theo nước mưa cứ thế ào ào chảy xuống phía các hẻm núi để hòa vào dòng sông xuôi xuống phía dưới thượng nguồn. Vì thế, nước sông suối ở phía dưới bãi rác này “ôm trọn” một lượng lớn nước rỉ rác khiến cho chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Còn tại bản Bon, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong đang tồn tại một bãi rác thải sinh hoạt lộ thiên từ nhiều năm nay và chỉ được xử lý thủ công nên các hộ dân nơi đây nhiều năm nay sống ngột ngạt do mùi khói đốt rác theo gió vào nhà.
Được biết, năm 2011 dự án bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng mức đầu tư 56 tỷ đồng. Đến đầu năm 2013, công trình được khởi công xây dựng nhưng trên thực tế, bãi rác này vẫn duy trì phương pháp đốt thủ công, chôn lấp. Tuy nhiên, dự án này đến nay mới triển khai thi công các hạng mục làm đường ngăn nội bộ và các hố chôn lấp, san nền với tổng giá trị hơn 27 tỷ đồng, nhưng số vốn mới chỉ được cấp cho dự án là 14,2 tỷ đồng nên tạm dừng thi công từ năm 2015 cho đến nay.
Loay hoay tìmgiải pháp
Tại tỉnh Nghệ An, một số huyện vùng cao khác như Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn cũng chưa hề có Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đạt yêu cầu mà vẫn tiến hành tập kết rồi đốt thủ công hoặc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trên thực tế, tại các địa phương này cũng có không ít nhà đầu tư quan tâm vào tìm hiểu, khảo sát thực tế và thậm chí là đã lập dự án bước đầu để đầu tư. Thế nhưng, do nhiều lý do như không tìm được mặt bằng, công nghệ không phù hợp hoặc do không đủ số lượng rác để đầu tư công nghệ tương ứng với nhà đầu tư... Vì thế, việc các nhà đầu tư “một đi không trở lại” là điều dễ hiểu.
Trao đổi với báo chí, một cán bộ phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Bãi rác thị trấn Mường Xén được hình thành năm 2015 và hoạt động đến nay. Huyện cũng biết là đặt ở vị trí hiện tại là có một số bất cập nhưng do quỹ đất không có nên trước đây đành chọn vị trí nói trên. Hiện bãi rác cũng đã quá tải nên vừa rồi huyện mới khảo sát và lập đề án bãi rác thải mới tại bản Bà, xã Hữu Kiệm với diện tích 2ha, cách xa khu dân cư khoảng 2km. Dự kiến, khi đề án được phê duyệt và xây dựng xong sẽ di dời bãi rác cũ xuống đây để giải quyết ô nhiễm”.
Trở lại với dự án xây dựng bãi rác thải tập trung dở dang trên địa bàn huyện Quế Phong, ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện này cho biết, nguồn vốn bố trí trước đây là ngân sách từ nguồn vượt thu của tỉnh nhưng khi đó chưa được bố trí hết nên việc xây dựng bãi rác phải dừng lại từ nhiều năm nay. Huyện Quế Phong sẽ cố gắng tiếp tục huy động vốn từ những nguồn hợp pháp khác để hoàn thành xây dựng.
Hiện, tỉnh Nghệ An đang thu hút các nhà đầu tư để xử lý rác thải, điển hình như Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam đã hoàn thành 2 nhà máy ở Nghĩa Đàn và thị xã Hoàng Mai bước đầu cho thấy hiệu quả. Ngoài Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam còn có Công ty CP Năng lượng và Môi trường Việt Nam đang khảo sát một số địa phương ở miền Tây Nghệ An để đầu tư nhà máy xử lý rác tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có bước đột phá nào.
Tuấn Quỳnh