Thứ sáu, 22/11/2024 17:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/06/2020 07:00 (GMT+7)

Môi trường tan hoang vì những dự án mang danh 'du lịch nghỉ dưỡng'

Theo dõi KTMT trên

Khi những dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép đầu tư ồ ạt tại nhiều nơi vốn được ví như rừng vàng biển bạc, thì cũng là lúc biến mất dần những cánh rừng thông nguyên sơ, những bãi biển đẹp nhất, chim muông ngừng tiếng hót... Môi trường thiên nhiên đã bị tàn phá tan hoang với cách làm du lịch méo mó, nhăm nhe chộp giật lợi ích, hút vốn kiểu “bóc ngắn cắn dài”.

Chính sách khích lệ đầu tư, song thực thi “nửa vời”

Đầu năm 2017, Ban chấp hành TƯ đã có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, định hướng phát triển du lịch nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Mục tiêu đặt ra là thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu khách nội địa, đóng góp 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD, tạo 4 triệu việc làm...

Môi trường tan hoang vì những dự án mang danh 'du lịch nghỉ dưỡng' - Ảnh 1
Đảo ngọc Phú Quốc trở thành đại công trường với nhiều dự án du lịch lớn nhỏ, song liên tục xảy ra vi phạm đất đai nghiêm trọng.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của thiên nhiên, văn hoá đặc sắc và con người Việt Nam mến khách thì du lịch được đánh giá có cửa sáng để tăng tốc bứt phá, sớm tiệm cận những mục tiêu ấy.

Cùng với quyết tâm đẩy mạnh phát triển du lịch được thể chế hoá bằng nhiều Nghị quyết, văn bản pháp lý về chiến lược phát triển du lịch, thì tư duy, cách làm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân đều phải gắn chặt với mục tiêu phát triển bền vững, phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc phát triển hạ tầng du lịch tại nhiều địa phương ven biển có lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan tuyệt đẹp, là những di sản thiên nhiên được quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt, đã và đang có nhiều sự phát triển “lệch chuẩn” trong quy hoạch đô thị du lịch, điển hình nhất là hàng loạt cơ sở lưu trú khách sạn, khu nghỉ dưỡng mọc lên ở khắp nơi, xâm lấn phá vỡ quy hoạch, cảnh quan thiên nhiên vốn có, vùng di sản thiên nhiên. Thậm chí nhiều dự án đang xâm hại nghiêm trọng đến môi sinh môi trường, khiến thiên nhiên cũng phải “oằn mình” chống chọi, đe doạ sự phát triển bền vững của đất nước.

Đó là những cánh rừng thông ở Đà Lạt bị phá nát, xẻ núi bạt đồi để nhường chỗ cho những biệt thự, khách sạn cao cấp mọc lên san sát, như “gai đâm” vào núi rừng. Là những bãi biển nguyên sơ bị xẻ thịt, phân tranh bởi hàng loạt resort, khách sạn kiên cố, lố nhố về thiết kế và quy hoạch chẳng giống ai ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... Là những dự án mang danh “du lịch nghỉ dưỡng” để chiếm cứ cả nghìn ha đất rừng vàng, biển bạc, bao vây những vịnh biển đẹp nhất làm tài sản riêng của doanh nghiệp, bất chấp sự xâm hại đất rừng phòng hộ, bãi biển, vườn quốc gia, danh lam thắng cảnh...

Môi trường tan hoang vì những dự án mang danh 'du lịch nghỉ dưỡng' - Ảnh 2
Một phần bán đảo Sơn Trà bị “cạo trọc” cây xanh để lấy đất xây hàng chục biệt thự của Khu du lịch Biển Tiên Sa.

Làn sóng đầu tư dự án mang danh “du lịch nghỉ dưỡng” rộ lên vài năm qua như cái mốt của những đại gia lắm tiền, mạnh quan hệ, song thực chất lại chủ yếu bán bất động sản (biệt thự, condotel) để huy động vốn kiểu “mỡ nó rán nó”, kiếm lời nhanh chóng. Chỉ đến khi dự án đổ bể, cạn dòng tiền thì các chủ đầu tư lại bội tín, phớt lờ cam kết trả lợi nhuận cho khách hàng, dẫn tới những cuộc tranh chấp, khiếu kiện liên tiếp.

Dự án “băm nát” núi rừng, lãng phí đất đai

Có lẽ, khi quy hoạch phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chính quyền cũng không thể lường trước hậu quả thê thảm của sự đầu tư quá “nóng” các dự án khách sạn, resort hạng sang tại đây. Còn đâu nữa vẻ đẹp nguyên sơ của một trong những khu vực rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao hiếm hoi giữa đô thị biển? Chỉ còn lại nỗi xót xa, tiếc nuối của người dân Đà Nẵng và du khách khi đến thăm Sơn Trà, đập vào mắt là những công trình vĩ đại thuộc các dự án mang danh “du lịch sinh thái” mọc lên vội vã, như những chiếc gai nhọn đâm vào núi rừng. Núi rừng bị băm xẻ không thể cất tiếng kêu cứu, chim muông tan tác không còn nơi nương náu, biển cả bao la cũng bị xâm lấn bởi những công trình lấn biển vĩ đại...

Môi trường tan hoang vì những dự án mang danh 'du lịch nghỉ dưỡng' - Ảnh 3Apec Mandala Wyndham Mũi Né phớt lờ lệnh cấm, mở bán rầm rộ

Tình trạng ngang nhiên chặt phá rừng tại dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa và Khu du lịch sinh thái Biển Bãi Bắc để mở rộng đất cũng gây nhức nhối suốt từ năm 2016. Sau khi người dân phát hiện tố cáo thì các cơ quan chức năng mới kiểm tra, xử lý, song không triệt để.

Sự buông lỏng quản lý đất đai, cấp phép dự án của chính quyền Đà Nẵng một thuở đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp sang nhượng hoặc bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất, tiền của, còn cảnh quan của bán đảo Sơn Trà bị “băm nát” nham nhở. Hệ sinh thái tự nhiên ở Sơn Trà với hơn 985 loài thực vật và 378 loài động vật, đặc biệt là quần thể loài chà vá chân nâu quý hiếm cũng quằn quại trong nỗi đau không thể khôi phục nguyên trạng.

Môi trường tan hoang vì những dự án mang danh 'du lịch nghỉ dưỡng' - Ảnh 4
Ồ ạt xây dựng dự án du lịch tại bán đảo Sơn Trà nhưng sau đó lại bỏ hoang nhiều dự án gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, tiền của.

Trước thực tế những dự án du lịch nghỉ dưỡng lại tàn phá, hủy hoại thiên nhiên, vi phạm sử dụng đất đai, gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả lâu dài, thì liệu rằng phát triển du lịch theo tư duy cố hữu “phải đánh đổi” có đi ngược tự nhiên? Sự phát triển nào cũng phải song hành, gắn chặt với bảo vệ môi trường, gìn giữ màu xanh cho quê hương đất nước, đặc biệt với du lịch sinh thái đòi hỏi sự lựa chọn và tư duy đầu tư dự án mang tính bền vững.

Chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về những hiệu quả kinh tế, tác động của hoạt động đầu tư phát triển du lịch trong 20 năm qua đến môi trường thiên nhiên Việt Nam. Có bao nhiêu hecta rừng bị san phẳng, biến mất, có bao nhiêu bãi biển bị xéo quằn, mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có, và còn những tác động huỷ hoại môi sinh môi trường từ hoạt động khai thác du lịch... đều rất cần được tổng kết, đánh giá. Từ đó kịp thời có giải pháp ngăn chặn triệt để những tác động tiêu cực của dự án du lịch nghỉ dưỡng đang huỷ hoại, tận diệt thiên nhiên.

Không thể phủ nhận các địa phương ven biển đã đổi thay mạnh mẽ nhờ phát triển du lịch, thu hút được những dự án lớn, nhà đầu tư tầm cỡ... Nhưng rõ ràng, không thể vì lợi ích kinh tế, mang danh du lịch để chính quyền ồ ạt cấp phép đầu tư, buông lỏng quản lý, các doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm, hủy hoại môi trường như sự mặc nhiên đánh đổi, chấp nhận sự tàn phá, xâm lấn huỷ hoại tài nguyên theo những cách làm du lịch méo mó, bất chấp quy định pháp luật.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Môi trường tan hoang vì những dự án mang danh 'du lịch nghỉ dưỡng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới