Thứ sáu, 22/11/2024 00:54 (GMT+7)
Thứ hai, 08/11/2021 07:00 (GMT+7)

Lời cam kết chấm dứt nạn phá rừng liệu có khả thi?

Theo dõi KTMT trên

Tuyên bố tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), lãnh đạo hơn 100 quốc gia đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) đã đạt được những thỏa thuận quan trọng đầu tiên. Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra cam kết chấm dứt việc chặt phá rừng vào năm 2030. Các quốc gia tham gia vào thỏa thuận này có Canada, Nga, Brazil, Colombia… vốn là những nước có diện tích rừng lớn, chiếm khoảng 85% diện tích rừng thế giới.

Trong đó, Brazil đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích do tình trạng phá rừng Amazon gia tăng trong những năm gần đây. Các nhà lãnh đạo đã cam kết đóng góp 19 tỷ USD trong các quỹ công và tư để bảo vệ và phục hồi rừng. 

Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã ca ngợi thỏa thuận này trong phát biểu khởi động cuộc họp về rừng và sử dụng đất tại hội nghị COP26.

Ông khẳng định thỏa thuận sẽ giúp cộng đồng quốc tế hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Lãnh đạo của hơn 30 tổ chức tài chính cũng đã cam kết “loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng.”

Lời cam kết chấm dứt nạn phá rừng liệu có khả thi? - Ảnh 1
Tình trạng phá rừng đang diễn ra ngày càng trở nên tồi tệ.

Trong bài phát biểu ngắn gọn của mình tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ “giúp thế giới thực hiện mục tiêu chung là ngăn chặn mất rừng tự nhiên và khôi phục ít nhất 200 triệu hecta rừng và các hệ sinh thái khác vào năm 2030.”

Theo Tổng thống Biden, chính quyền Mỹ sẽ yêu cầu Quốc hội chi 9 tỷ USD cho việc bảo tồn rừng đến năm 2030 và sẽ làm việc với khu vực tư nhân, cũng như các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất của nạn phá rừng.

Tuy nhiên, trước lời cam kết mạnh mẽ này, giới phân tích lo rằng cam kết này có thể sẽ lại thất bại như những lời hứa trước nếu không có tính ràng buộc và các biện pháp mạnh để ngăn phá rừng.

Trước đó, vào năm 2014, tại New York, 39 quốc gia cũng ký tuyên bố về rừng, cam kết giảm một nửa tình trạng mất rừng tự nhiên vào năm 2020 và chấm dứt vào năm 2030. Cuối cùng, tuyên bố này đã thất bại vì không thể hoàn thành mục tiêu giảm 50% tình trạng mất rừng tự nhiên vào năm 2020. Mất rừng nguyên sinh nhiệt đới ở các nước ký kết – một đại diện công bằng cho “mất rừng tự nhiên” – đã tăng 12,9%, từ 6,3 triệu ha trong giai đoạn 2010 – 2014 lên 7,1 triệu ha trong giai đoạn 2016 – 2020. Nếu tính cả cam kết từ các đơn vị địa phương thì kết quả còn tệ hơn với tỷ lệ mất rừng tăng 19,3% giữa hai giai đoạn.

Trong khi đó, tham vọng giảm một nửa nạn phá rừng từ các bên ký kết đặt ra yêu cầu giảm lượng mất rừng nguyên sinh từ 4 triệu đến 5,5 triệu ha so với những gì xảy ra trên thực tế. Nói cách khác, mục tiêu năm 2020 bị chệch 63-75% nếu lấy mất rừng nguyên sinh làm đại lượng cho mất rừng tự nhiên thay vì dựa vào tỷ lệ mất cây che phủ – vốn là đại diện kém chính xác hơn.

Theo bà Alison Hoare, nhà nghiên cứu tại tổ chức phân tích chính trị Chatham House, để hoàn thành được mục tiêu của lời cam kết, cần có các tiến trình mang tính toàn diện, các khuôn khổ pháp lý công bằng, và các Chính phủ phải làm việc với các doanh nghiệp, người bản địa để ngăn phá rừng.

Một số ý kiến khác cho rằng thỏa thuận đồng nghĩa với việc cho phép nạn phá rừng tiếp diễn thêm 1 thập kỷ nữa, trong khi những cánh rừng như Amazon đang đứng bên bờ vực và không thể chống chọi thêm nữa.

"Chúng ta không thiếu những cam kết chính trị kiểu này. Điều chúng ta thiếu là tiền và quyết tâm chính trị để thực hiện nó" - ông Tim Christophersen, quan chức thuộc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, nói với Hãng tin Reuters.

Theo báo cáo dựa trên dữ liệu vệ tinh của Tổ chức Theo dõi rừng toàn cầu, Brazil là nơi chịu thiệt hại nặng nhất, diện tích rừng bị phá hủy tại nước này cao gấp 3 lần so với quốc gia xếp thứ hai là CHDC Congo. Trong năm 2020, có tới 4,2 triệu hecta rừng nguyên sinh tại các vùng nhiệt đới bị phá hủy, cao hơn 12% so với năm trước đó. Tính tổng cộng trong năm 2020 các khu vực nhiệt đới đã bị mất 12,2 triệu hecta diện tích cây xanh, bao gồm các khu rừng và đất trồng cây, chủ yếu do hoạt động nông nghiệp.

Việc phá hủy các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới trong năm 2020 đã thải ra 2,64 tấn CO2, tương đương lượng khí thải hằng năm của Ấn Độ, hay của 570 triệu ô tô, hoặc gấp đôi lượng khí thải của toàn bộ xe đang lưu thông tại Mỹ.  Nếu thế giới càng trì hoãn ngăn chặn nạn phá rừng, hay chậm thúc đẩy hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải, thì nhiều khả năng các khu rừng tự nhiên hấp thụ CO2 trên Trái Đất sẽ biến mất hoàn toàn.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lời cam kết chấm dứt nạn phá rừng liệu có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.