Thứ năm, 25/04/2024 23:03 (GMT+7)
Chủ nhật, 07/11/2021 13:00 (GMT+7)

Bangladesh: Ứng phó biến đổi khí hậu bằng ruộng nổi

Theo dõi KTMT trên

Nông dân Bangladesh đang cố gắng hết sức để tìm hướng khắc phục và hạn chế ảnh hưởng do khí hậu gây ra, trong đó, đóng bè nổi là giải pháp tối ưu.

Theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, Bangladesh xếp thứ 7 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thời tiết khắc nghiệt suốt 20 năm qua.

Nông dân nơi đây đang cố gắng hết sức để tìm hướng khắc phục và hạn chế ảnh hưởng do khí hậu gây ra, duy trì hoạt động nông nghiệp và đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Bangladesh: Ứng phó biến đổi khí hậu bằng ruộng nổi - Ảnh 1
 Trang trại nổi của nông dân ở Mugarjhor nhìn từ trên cao. (Ảnh: Munir uz zaman/AFP)

Nước biển dâng và lũ lụt thường xuyên xảy ra khiến cuộc sống hàng chục triệu người Bangladesh rơi cảnh khốn khổ, thậm chí dẫn đến tình trạng đất ngập nước và độ mặn cao, đe dọa mùa màng.

Tại Mugarjhor, cách thủ đô 200 km về phía Nam, nông dân địa phương đã tự cứu mình bằng cách khôi phục kỹ thuật nông nghiệp đã có từ hàng trăm năm trước.

Bangladesh: Ứng phó biến đổi khí hậu bằng ruộng nổi - Ảnh 2
Từng luống lục bình và tre. (Ảnh: Munir uz zaman/AFP)

Họ xếp rồi buộc từng luống lục bình và tre thành bè cao 60-120 cm để gieo hạt, sử dụng gỗ dăm và xơ dừa làm phân bón. Với việc áp dụng phương pháp này, nông dân đã tạo ra nông trại nổi có thể dịch chuyển lên xuống theo mực nước khi lũ dâng và trồng được nhiều loại rau trái như bầu, bí, rau muống, đậu bắp.

Mô hình ruộng nổi ở Mugarjhor đã trở thành sáng kiến cộng đồng. Tại một số ngôi làng, phụ nữ dành hàng tháng trời để làm bè còn đàn ông chèo thuyền kéo chúng qua những cánh đồng ngập nước, tới các thửa ruộng nổi cũ đang ủ phân bón.

Nông dân Bangladesh áp dụng phương pháp kết bè từ lục bình và tre để làm ruộng nổi, vừa gia tăng sản xuất, vừa đối phó lũ lụt .

Bangladesh: Ứng phó biến đổi khí hậu bằng ruộng nổi - Ảnh 3
Phương pháp kết bè từ lục bình và gỗ. (Ảnh: Munir uz zaman/AFP)

Chính quyền địa phương thừa nhận họ không biết đến kỹ thuật canh tác ruộng nổi lâu đời này và những nông dân nơi đây đã cho họ thấy giải pháp mới để đối phó với biến đổi khí hậu. Các nhà chức trách cũng rất muốn phổ biến mô hình ruộng nổi đến các vùng ngập nước khác ở Bangladesh.

Để hỗ trợ nông dân trồng trọt theo phương pháp ruộng nổi, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Bangladesh (BRRI) đã tạo ra nhiều giống cây trồng chịu mặn mới. Ruộng nổi có thể lên xuống theo mực nước lũ, thuận tiện để trồng bầu, bí, rau muống và đậu bắp.

Bangladesh: Ứng phó biến đổi khí hậu bằng ruộng nổi - Ảnh 4
Nền nông nghiệp mới này rất có hiệu quả tại đây. (Ảnh: Munir uz zaman/AFP)

Alamgir Hossain, nhà khoa học BRRI cho hay, lúa bình thường không thể sinh trưởng trong nước mặn. Cơ quan này đã tạo ra một giống lúa có thể phát triển trong nước có độ mặn gấp 3 lần mức bình thường, đem lại hy vọng cho nông dân các vùng ven biển.

Tuy nhiên, Saiful Islam, chuyên gia khí hậu tại Đại học Bách khoa Bangladesh cho rằng những nỗ lực trên chỉ như muối bỏ bể.

"Chúng ta cần chi hàng tỉ USD để đắp và gia cố bờ kè dọc vùng duyên hải rộng lớn cũng như trồng rừng ngập mặn dọc vành đai biển làm hàng rào tự nhiên chống bão, sụt lún và nước biển dâng.

Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng thêm đường sá, trữ nước mưa, tạo ra sinh kế mới cho hàng triệu người. Việc phát minh ra giống lúa có khả năng chịu mặn là chưa đủ. Bangladesh không đủ sức tự làm một mình", Islam nói.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bangladesh: Ứng phó biến đổi khí hậu bằng ruộng nổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.