Lâm Đồng thực hiện chuyển đổi số toàn diện hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, vì vậy thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai chuyển đổi số trên quy mô toàn tỉnh với mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tạo giá trị mới trong xu thế hội nhập.
Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số
Với quan điểm nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số, trong năm 2023 tỉnh âm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo báo cáo, 100% tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ, 100% các sở ban ngành, huyện, thành phố giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng mạng cáp quang, mạng di động 3G, 4G. Cùng với đó, toàn kiện Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương với 142/142 tổ ở cấp xã được thành lập; 11/12 huyện đã kiện toàn với khoảng 11.000 thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng.
Ở lĩnh vực Kinh tế số, trên địa bàn tỉnh đạt 100% tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng nền tảng số cũng như các dịch vụ, ứng dụng của mạng xã hội để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh. Việc giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử cũng từng bước hình thành, tạo ra giá trị, hiệu quả kinh tế.
Với chính quyền số, 100% cơ quan Đảng, các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã kết nối mạng LAN và Internet tốc độ cao. Mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã kết nối cho 100% các sở ngành tỉnh, UBND cấp huyện. 100% Đảng ủy cấp xã được đấu nối lên huyện và kết nối vào mạng diện rộng của Đảng bằng đường truyền Mega, WAN, VPN.
Đặc biệt hầu hết UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp huyện đã hoàn thành và ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh - IOC.
Điển hình như vừa qua, huyện Đam Rông đã thành lập Trung tâm điều hành thông minh. UBND huyện đã phối hợp với Viễn thông Lâm Đồng khảo sát, triển khai và kết nối hệ thống phân tích dữ liệu thông minh tạo hệ sinh thái cho Trung tâm IOC. Được biết, Trung tâm IOC huyện Đam Rông sẽ có 7 hệ sinh thái sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chuyển đối số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Cùng với những kết quả đạt được, việc chuyển đổi số của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn những khó khăn, hạn chế về việc thu hút đầu tư phát triển công nghệ số; tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone, hộ gia đình có thuê bao internet cáp quang băng rộng còn thấp; một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia chuyển đổi số;....
Nhận thấy được những vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số; đồng thời, xác định chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó UBND tỉnh tiếp tục đưa ra những chính sách, văn bản chỉ đạo để khắc phục và phát huy hơn nữa những kết quả đạt được.
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin thì trước hết là ““Lấy người dân làm trung tâm”, đó là Xã hội số, từ đó thúc đẩy 2 trụ cột còn lại (Chính quyền số và Kinh tế số) phát triển bền vững”. Việc hình thành nền tảng công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào quá trình hình thành xã hội số.
Việc “Then chốt” tiếp theo được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo là lãnh đạo các đơn vị phải nắm được nội dung chuyển đổi số cần triển khai. Sau đó tổ chức phân công cho cán bộ cơ quan, đơn vị sử dụng. Trong quá trình chuyển đổi số, chính quyền giữ vai trò chủ đạo, người dân là chủ thể vừa sử dụng, vừa tương tác, góp ý để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quản lý, sử dụng có hiệu quả các nền tảng số. Nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm, trao đổi thông tin và thực hiện dịch vụ công trực tuyến quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.
“Lâm Đồng đã và đang xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều nền tảng số khác nhau, để từng bước chuyển các hoạt động của cơ quan chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là “Chính quyền số - Xã hội số và Kinh tế số”, Phạm S, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
Ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, bằng những kết quả tích cực cộng với những bước đi đúng hướng. Trong thời gian tới tỉnh kỳ vọng chuyển đổi số Lâm Đồng ngày càng khẳng định, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Uy Đạt