Thứ bảy, 23/11/2024 04:35 (GMT+7)
Thứ năm, 24/11/2022 08:50 (GMT+7)

Lâm Đồng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý tại dự án KĐT mới số 6 TP Đà Lạt

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo yêu cầu các sở ban ngành và Công ty Kiên Trung khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giải quyết phương án bồi thường, bố trí tái định cư để dự án Khu đô thị mới số 6 TP Đà Lạt triển khai đúng tiến độ.

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ

Theo Thông báo kết luận số 249/TB-UBND ngày 03/11 vừa qua của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án Khu đô thị số 6 (phường 11, TP Đà Lạt) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung (Công ty Kiên Trung) làm chủ đầu tư dù đã được gia hạn tiến độ đến hết ngày 15/7/2023 (tại văn bản số 8299/UBND-XD ngày 16/11/2021) nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai dự án theo cam kết (chủ đầu tư cam kết tiến độ đến 15/10/2022 dự án hoàn thành triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 1, hoàn thiện xây dựng hạ tầng khu tái định cư...).

Cụ thể, đến thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư dự án chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để tổ chức thực hiện, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm (dự án hoàn thành đền bù được 11,9ha/66,09ha và chủ đầu tư đã ứng trước tiền 325,876 tỷ đồng nhưng công tác chi trả tiền bồi thường chậm, mới chi trả 129,27 tỷ đồng/325,88 tỷ đồng), do một số người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường và chưa có quỹ đất, nhà để bố trí tái định cư.

Lâm Đồng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý tại dự án KĐT mới số 6 TP Đà Lạt - Ảnh 1
Khu đô thị mới số 6 TP. Đà Lạt treo để đất hoang cỏ mọc um tùm những vẫn được chính quyền tỉnh Lâm Đồng nhiều lần gia hạn tiến độ thực hiện.

Để khẩn trương triển khai các thủ tục thẩm định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết, các thủ tục về đầu tư xây dựng; Giải quyết phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Kiên Trung khẩn trương hoàn thành hồ sơ, lập các thủ tục trình UBND thành phố Đà Lạt thẩm định (trước ngày 30/11/2022), phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Đà Lạt, Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên môi trường và Phát triển quỹ đất tỉnh, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ, phương án được duyệt.

Liên hệ cơ quan chức năng để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan về đầu tư xây dựng công trình của dự án theo quy định; Tập trung nguồn lực triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết và quy định của pháp luật hiện hành; Thực hiện phân kỳ đầu tư, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại vị trí quỹ đất bố trí tái định cư, xây dựng khu nhà ở xã hội tại dự án để đảm bảo có quỹ đất, nhà bố trí tái định cư theo đúng quy định; Phấn đấu tổ chức khởi công công trình vào đầu tháng 01/2023, đưa dự án vào hoạt động đúng mục tiêu, tiến độ đã cam kết.

Bên cạnh đó, UBND TP Đà Lạt có trách nhiệm, chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND phường 11 tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận và sớm nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; Đối với các hộ cố tình không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế thu hồi đất sau khi thực hiện đầy đủ thủ tục có liên quan theo quy định; Tổ chức thẩm định, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 sau khi Chủ đầu tư trình và hoàn thành trong tháng 12/2022.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát quỹ đất, quỹ nhà để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án (đảm bảo nguòi dân có đất, nhà ở khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường giai phóng mặt bằng); Bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án; Tổ chức công khai quy hoạch, tiến độ thực hiện của dự án để người dân biết và giám sát thực hiện.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trong phạm vị ranh giới thu hồi đất; Thường xuyên kiểm tra, giám sát nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trường hợp phát sinh những khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Ngoài ra, đối với các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các sở ban ngành liên quan thực hiện nghiêm túc theo quy định và kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

6 lần gia hạn, người dân khốn cùng

Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị mới số 6 tọa lạc tại phường 11, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung.

Dự án có quy mô gần 76ha, mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị mới để phục vụ tái định cư và kinh doanh bất động sản, thời gian triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ năm 2007 đến năm 2009. Dự án với tổng mức vốn đầu tư 167 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Lâm Đồng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý tại dự án KĐT mới số 6 TP Đà Lạt - Ảnh 2
Người dân bị ảnh hưởng đang khốn đốn từng ngày vì dự án bỏ hoang, chưa biết thời gian về đích

Sau khi được chính quyền tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh lần đầu tiên vào năm 2009, dự án Khu đô thị mới số 6 khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, đồng thời được quảng bá rộng rãi với tên thương mại là Hoàng Đình Villa Đà Lạt. Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 6km, dự án kỳ vọng cung cấp ra thị trường 130 lô đất nhà liền kề sân vườn, 276 lô nhà biệt lập, 170 lô biệt thự... với giá bán khoảng 4,5 triệu đồng/m2.

Quảng cáo rầm rộ là vậy, trong suốt thời gian từ 2009 cho đến 2021 dự án này liên tục vỡ tiến độ. Đồng thời, cũng trong thời gian này, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã liên tiếp điều chỉnh gia hạn đến 6 lần (2009, 2010, 2012, 2016, 2017, 2021). Nội dung văn bản chấp thuận chủ chương điều chỉnh gia hạn gần nhất vào năm 2021 thể hiện “Đây là lần điều chỉnh cuối cùng đối với dự án này; trường hợp hết thời gian đỉnh chỉnh tiến độ (24 tháng kể từ ngày ban hành văn bản này) mà không triển khai dự án đúng tiến độ cam kết thì UBND tỉnh sẽ thu hồi dự án theo quy định”.

Cam kết là vậy, nhưng đến nay chủ đầu tư dự án này vẫn chưa triển khai đúng theo cam kết và hiển hiện nguy cơ vỡ tiến độ như 6 lần trước đó.

Chia sẻ với báo chí, những người dân bị ảnh hưởng thể hiện rõ sự thất vọng và bức xúc trước việc dự án “ngâm” hơn 13 năm, còn người dân thì khốn đốn từng ngày. Ông Trần Ngọc Minh (54 tuổi, người dân trong khu vực dự án), cho biết gia đình ông đã nhận được số tiền bồi thường 700 triệu đồng và bên đầu tư dự án hứa sẽ có đất ở tái định cư.

"Tiền thì đã nhận từ rất lâu, giờ gia đình 3 thế hệ ở trong căn nhà tôn chỉ có khoảng 50 m2. Với 2.000 m2 đất của gia đình tôi hiện nay cũng chỉ trồng được ít cây bông atiso nhưng hiệu quả không có. Cả gia đình phải đi làm thuê, trong khi lại phải sống tạm bợ, không dám sửa sang nhà cửa, đầu tư vào mảnh vườn. Tất cả là vì dự án "treo" 12 năm. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng. Nếu tiếp tục đầu tư thì phải nhanh chóng bàn giao đất tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Còn không thì phải chấm dứt, thu hồi dự án này để chúng tôi đầu tư sản xuất. Hơn nữa, giá trị mảnh đất hiện tại không thể tính và bồi thường với số tiền đã cách đây 12 năm. Điều này là rất vô lý" – ông Minh bức xúc.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về phương án giải quyết các dự án “treo”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, trong công tác quy hoạch cần phải, trước khi đưa các dự án ra đấu thầu, cần xem xét năng lực nhà đầu tư; Đối với dự án đã “treo” phải cương quyết thu hồi sau khi hết thời gian gia hạn tiến độ. Và với những trường hợp kèo dài thời gian nhưng không thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật thì cũng phải cương quyết xử lý với những người đứng đầu địa phương đó có trách nhiệm mà tham gia thu hồi quản lý.

“Hiện nay còn tồn tại nhiều trường hợp dự án “treo” kéo dài thời gian không đúng quy định pháp luật. Ví dụ, có những dự án hết thời hạn đầu tư và đã xin gia hạn, tuy nhiên, khi hết thời gian gia hạn nhưng vẫn chưa thực hiện dự án. Việc này khiến cho người dân rất bức xúc, đặc biệt là những hộ dân bị thu hồi đất. Thu hồi xong để đất bỏ trống, cỏ mọc gây lãng phí tài nguyên đất trong việc quy hoạch xây dựng.
Theo tôi, sau khi quy định của pháp luật cho gia hạn mà hết thời gian gia hạn nhà đầu tư chưa xây dựng thì phải thu hồi để đấu giá lại hoặc giao cho nhà đầu tư khác. Không thể để kéo dài như vậy gây bức xúc trong người dân, người dân thì xậm xịt nói qua nói lại đặt vấn đề nhà nước với nhà đầu tư có vấn đề này vấn đề khác. Và cũng cần phải làm rõ, xử lý nghiêm những nhà đầu tư để “treo” dự án”, ông Hòa nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý tại dự án KĐT mới số 6 TP Đà Lạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới