Lâm Đồng: Hàng ngàn mét vuông đất lâm nghiệp bị san ủi trái phép tại huyện Đức Trọng
Thông tin với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, một lãnh đạo xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, trên địa bàn mới xảy ra vụ san gạt đất lâm nghiệp trái phép với diện tích hàng ngàn mét vuông.
Cụ thể, vào chiều ngày 15/11, sau khi nhận được tin báo của người dân về hoạt động san gạt trái phép trên phần lớn diện tích đất lâm nghiệp, Đoàn liên ngành gồm Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, UBND xã Ninh Gia đã vào hiện trường, tiến hành xác minh.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực khoảnh 3, Tiểu khu 644 thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh có 2 máy múc không hoạt động và một lượng lớn đá non được khai thác. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, trên khu đất có 5 vị trí đã bị tác động đào múc, san gạt, tạo địa giật cấp cao từ 3-10 mét. Qua kiểm tra sơ bộ, tổng diện tích đất bị tác động khoảng hơn 9.000m2.
Xác minh ban đầu từ ngành chức năng, diện tích đất bị san gạt trên do ông Đỗ Thành Nhân (sinh năm 1970, thường trú 70 đường Cổ Loa, Phường 2, TP Đà Lạt) thực hiện. Ông Nhân cho biết, toàn bộ diện tích trên có khoảng 8.000 m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận. Ông Nhân sử dụng diện tích đất này để sản xuất nông nghiệp từ năm 2005 đến nay. Ông thực hiện đào múc đất, đá từ ngày 5/11. Tuy nhiên, ông Nhân không cung cấp được các giấy tờ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu vực nêu trên.
Qua kiểm tra hồ sơ địa chính, cơ quan chức năng cho biết, vị trí khu vực xảy ra tình trạng nêu trên thuộc đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý và việc tác động trái phép trên chưa được sự đồng ý của Ban. Hành vi thực hiện đào múc đất của ông Đỗ Thành Nhân đã vi phạm chiếm đất lâm nghiệp trái phép, vì vậy UBND xã Ninh Gia đình chỉ tất cả mọi hoạt động chiếm đất trái phép tại khu vực nêu trên, không được phép tiếp tục tác động khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Sáng ngày 17/11, thông tin với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Trần Nhật Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Gia xác nhận trên địa bàn xã có xảy ra vụ việc như phản ánh. Đồng thời, ông Hải cũng cho biết hiện nay cơ quan điều tra đang tiếp tục lập hồ sơ xác minh, điều tra làm rõ hành vi san gạt này.
“Các cơ quan điều tra đang làm việc nha, nào có kết quả, tỉnh giao cho ai thì mình sẽ hướng dẫn thêm. Đối với những trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp thì quan điểm của xã là cứ làm đúng theo quy định của pháp luật thôi anh” – ông Hải nói.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết quý I/2022, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, xử lý 2.856 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn này là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng là 12.240,5 m3; đã phát hiện, lập hồ sơ 1.410 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 431,8 ha.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 322 dự án của 307 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích là 52.722 ha. Số dự án đã thu hồi từ năm 2008 đến nay là 208 dự án, gồm: 172 dự án thu hồi toàn bộ (22.226 ha) và 36 dự án thu hồi một phần (4.242 ha) do vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp; để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng.
Để hạn chế tối đa tình trạng phá rừng, san gạt, lấn chiếm đất lâm nghiệp, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu câu tăng cường công tác kiểm tra và xử lý.
Đặc biệt, đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên cần chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định; Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, không phép, san lấp, lấn chiếm ao hồ, sông suối nhưng không xử lý, xử lý chưa triệt để, kéo dài theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thanh Tùng