Thứ bảy, 23/11/2024 05:31 (GMT+7)
Thứ tư, 05/05/2021 10:30 (GMT+7)

Kỳ vọng vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Kỳ cuối)

Theo dõi KTMT trên

Luật Bảo vệ Môi trường 2014 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để, tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường vốn được coi là “điệp khúc”.

Khó bó cái khôn!

Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng nhận định, cần đưa tiêu chí bảo vệ môi trường trong bộ tiêu chí đánh giá năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu nếu địa phương, khu vực đó, môi trường sống bị ô nhiễm.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, đó là lực lượng làm nhiệm vụ.

“Ở cấp tỉnh, Chi cục Bảo vệ môi trường là cơ quan chuyên trách, thế nhưng, số lượng cán bộ có chuyên môn của đơn vị này không bằng quân số của đơn vị công an một phường.

Kỳ vọng vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Kỳ cuối) - Ảnh 1
Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), ông Hoàng Dương Tùng. 

Hơn chục con người không thể xử lý tất cả những vấn đề, từ môi trường đất, nước, không khí, chất thải…, trong khi đó, lĩnh vực này rất rộng. Người thiếu, tiền thiếu, cho nên có chính sách nhưng không đủ người thực hiện”.

Cũng theo ông Hoàng Dương Tùng, chương trình Nông thôn mới đang triển khai tại nhiều địa phương thời gian qua đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường khu vực nông thôn, bởi trong bộ tiêu chí đánh giá nông thôn mới có tiêu chí về môi trường.

Tuy nhiên, tiêu chí này nhiều địa phương còn xin “nợ” hoặc đáp ứng một cách hết sức “xuề xòa”.

“Cần phân định rõ làng nghề truyền thống và làng có nghề. Làng nghề truyền thống gắn với các yếu tố văn hóa, du lịch… nên phát triển, gìn giữ làng nghề truyền thống còn có chức năng duy trì văn hóa, bản sắc vùng miền, do đó được ưu đãi về chính sách, chủ trương.

Còn “làng có nghề” bao gồm các hộ sản xuất cá thể, hộ kinh doanh, tái chế phế liệu… mục đích là kinh doanh, nên phải bình đẳng trước pháp luật, cần được điều chỉnh bằng Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) như tất cả các đơn vị sản xuất khác, phải có cam kết bảo vệ môi trường, phương án xử lý môi trường sau sản xuất; chất thải do hoạt động sản xuất thải ra, đương nhiên anh phải trả phí để thuê đơn vụ chuyên môn xử lý chứ không được mượn danh “làng nghề truyền thống” để được hưởng ưu đãi”.

Ngoài ra, đó là sự chồng chéo trong phân định vai trò, chức năng các bộ ngành quản lý.

Kỳ vọng vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Kỳ cuối) - Ảnh 2

30 năm kể từ khi thôn Mẫn Xá (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có vài trăm hộ thu mua phế liệu về tái chế, cô nhôm, đống xỉ thải càng ngày càng chất cao, gây ô nhiễm cho hàng ngàn hộ dân trong xã.

Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là đơn vị đầu mối quản lý môi trường nói chung nhưng ngay trong quy định về chức năng nhiệm vụ cũng chưa nêu rõ trách nhiệm về quản lý môi trường nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và một số bộ ngành khác được phân công trách nhiệm quản lý môi trường ngành, lĩnh vực mình quản lý.

Theo đó, đối với từng lĩnh vực cụ thể mà công tác quản lý còn có sự đan xen, có những nội dung chồng chéo nhưng cũng có những nội dung còn đang bỏ ngỏ.

Theo phân công trách nhiệm, Bộ Xây dựng được giao thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR), tuy nhiên, CTR từ hoạt động nông nghiệp lại được giao cho Bộ NN&PTNT quản lý; Chất thải nguy hại (trong đó có chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và làng nghề) do Bộ TN&MT quản lý.

Chính sự đan xen trong phân công trách nhiệm quản lý CTR khiến cho công tác quản lý thiếu sự thống nhất, không rõ trách nhiệm của đơn vị đầu mối.

“Trong lúc chưa đồng bộ về đơn vị quản lý, tôi nghĩ cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để tồn tại vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương mình, đưa nó là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực, trách nhiệm của người quản lý. Có như vậy mới sát sao trong việc đốc thúc, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường sống nói chung”, ông Tùng nói.

Kỳ vọng vào Luật

Một trong những giải pháp đang được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để xử lý tận gốc các vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường vùng nông thôn nói riêng, đó là Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2020, sẽ có hiệu lực vào năm 2022.

Luật BVMT sửa đổi đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng: "Luật sửa đổi đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: Chiến lược BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường (GPMT) và đăng ký môi trường". 

Kỳ vọng vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Kỳ cuối) - Ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. 

So với Luật BVMT 2014, Luật BVMT sửa đổi có những điểm mới mang tính đột phá. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; Tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Luật phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; Các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.

Luật cũng bổ sung nội dung quản lý các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người; Quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đánh giá mối quan hệ giữa sức khỏe môi trường với sức khỏe con người, đặc biệt là mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với các loại bệnh dịch mới.

Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; Đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; Cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý, kể cả khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm hoặc ô nhiễm quan trọng.  

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Kỳ vọng vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Kỳ cuối). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới