Kỳ vọng từ sự phát triển năng lượng xanh
Nhiên liệu hóa thạch rất phổ biến nhưng đang gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường. Trước thực trạng đó, năng lượng xanh hay còn gọi năng lượng tái tạo được coi là chìa khóa cho tương lai.
Năng lượng xanh là nguồn tài nguyên dồi dào, có sẵn trong tự nhiên và tồn tại dưới nhiều dạng phổ biến. Trong đó, năng lượng mặt trời gần như vô hạn có thể được khai thác tại phần lớn khu vực trên thế giới, đang nổi lên như một sự lựa chọn lý tưởng thay thế dần cho năng lượng truyền thống khác.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN lần thứ 38 đã thống nhất đặt mục tiêu tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 23% trong cơ cấu nguồn điện và giảm cường độ năng lượng xuống 32% vào năm 2025. 10 nước thành viên, trong đó có Việt Nam tiếp tục xây dựng lộ trình phát triển năng lượng tái tạo thông qua triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Đại diện Liên minh châu Âu (EU) cũng có các chính sách ưu tiên trong phát triển năng lượng và các triển vọng hợp tác ASEAN-EU trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng bền vững khu vực ASEAN.
Rõ ràng, ở kỷ nguyên mới, năng lượng xanh đang bứt tốc khẳng định thế thượng phong đóng góp quan trọng để duy trì phát triển kinh tế xã hội mang tính bền vững và có ý nghĩa tốt đẹp hơn.
Thế giới đang ngày càng đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, biến đổi khí hậu diễn biến cực đoan và thiên tai khắc nghiệt. Sự phát triển liệu có còn ý nghĩa khi chúng ta đang trả giá quá đắt cho việc tận khai tài nguyên hóa thạch phục vụ cho nhiệt điện, tàn phá rừng tự nhiên, nắn dòng chảy của sông, hồ xây dựng thủy điện… đã bẻ gãy hệ sinh thái tự nhiên gây hệ lụy rất lớn cho môi trường sống của thế hệ hôm nay và mai sau.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu điện năng tại Việt Nam cũng ngày càng tăng. Theo báo cáo cập nhật của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nhu cầu điện của cả hệ thống trong 2 năm tới là 15.400MW.
Trong khi đó năm 2021, chỉ có khoảng 3.600MW công suất của 3 nhà máy nhiệt điện than được đưa vào hoạt động là Duyên Hải 2 BOT, Sông Hậu 1, Hải Dương BOT và đến năm 2022 có thêm các dự án nhiệt điện than Thái Bình 2, Nghi Sơn 2 BOT.
Như vậy, đến hết năm 2022, Việt Nam chỉ bổ sung được thêm 6.000MW từ các nguồn điện truyền thống, thiếu trên 8.000MW công suất. Đến năm 2023, nguồn điện truyền thống chỉ có thêm 1 tổ máy của nhiệt điện than Vân Phong 1 BOT (660MW) và nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 (880MW). Tổng cộng năm 2023 có thêm 1.540MW, còn thiếu trên 6.000MW nguồn điện.
Từ năm 2024 - 2025, theo kế hoạch sẽ có khá nhiều nguồn điện truyền thống được bổ sung, nhưng những rủi ro về chậm tiến độ vẫn còn hiển hiện. Do đó, thách thức đặt ra là liệu có thể phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo với trên 8.000MW trong 2 năm tới?
Theo báo Sài Gòn giải phóng, trả lời vấn đề này, nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định: Nguồn năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 8.000MW trong vòng 2 năm tới. Bởi trên thực tế, chỉ trong 2 năm trở lại đây, từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ giá cho năng lượng tái tạo thì các nguồn năng lượng tái tạo đã phát triển nhanh chóng, bổ sung hàng ngàn MW cho hệ thống điện quốc gia.
Viện Năng lượng - Bộ Công Thương cho rằng, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời tại Việt Nam khoảng 1.677,5GW. Theo kịch bản kinh tế phát triển cao, đến năm 2030 cần có tổng cộng 385,8 GW điện mặt trời được đưa vào vận hành để phục vụ phát triển kinh tế.
Tuy vậy, khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo, cũng phải đối mặt thách thức lớn. Cụ thể hơn theo TS Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao.
Đối với điện gió cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ, trong khi với điện mặt trời, Nhà nước cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và tư nhân, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng bản chất năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phát triển nhanh và mạnh nhưng đồng thời phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.
Song với tiềm năng rất lớn và để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam từ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID): Chuyển dịch năng lượng là cấp thiết ở Việt Nam, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và nhập khẩu nhiên liệu bên ngoài, đảm bảo một tương lai năng lượng tự chủ, độc lập, giữ gìn môi trường không khí, nguồn nước sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Quá trình chuyển dịch này vừa giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển mới, giúp thu hẹp khoảng cách cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu, vùng xa, mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng với mức chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới, có chất lượng cho các cộng đồng bị tác động bởi quá trình chuyển dịch.
Quá trình chuyển dịch này gắn liền với chuyển dịch lao động, gắn với sự tham gia đa dạng của nhiều thành phần trong xã hội vào thị trường năng lượng, đòi hỏi sự điều tiết để đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên liên quan; đồng thời, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh.
Cùng với cơ hội thì thách thức Việt Nam gặp phải chính là nhu cầu sử dụng đất lớn có thể dẫn tới rủi ro xung đột đất đai; vấn đề đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện; công tác đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường… Những thách thức này đòi hỏi nỗ lực liên ngành, liên cấp và vai trò điều phối của Nhà nước trong kiến tạo chính sách, huy động các bên liên quan thực thi chính sách.
Hà My