Thứ tư, 24/04/2024 23:51 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/09/2021 06:06 (GMT+7)

Kỳ thú từng bước chân

Theo dõi KTMT trên

Là một hiện tượng của văn học Việt Nam đương đại, từ khóa “nhà văn Di Li” trên Google có tới gần 21 triệu kết quả đã thể hiện khá rõ mức độ nổi tiếng của cô.

Ghi chép “Kỳ thú mỗi bước chân” Di Li vừa gửi cho Tạp chí Kinh tế Môi trường thể hiện phần nào những quan sát tinh tế của nhà văn trong mỗi lần khám phá vùng đất mới. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Singapore - điểm đến xanh, sạch, an toàn

Người ta nói rằng ở Singapore muốn gì cũng có, chỉ một thứ khó kiếm, ấy là rác. Vẫn biết rằng Singapore là một thành phố sạch có tiếng nhưng phải cho đến khi mục sở thị tôi vẫn không tránh khỏi kinh ngạc. Quốc đảo xanh nổi tiếng về điểm này vì nó sạch đồng đều, nói nôm na là sạch trong, sạch bóng từ trong ra ngoài, sạch hơn cả những quốc gia nổi tiếng sạch sẽ như Thụy Điển và Phần Lan. Ở Bắc Âu, thi thoảng tôi vẫn thấy rác, dĩ nhiên là rác sạch như lá cây khô và tí nước bẩn ai đó vô tình để sánh ra, nhưng ở đây thì thậm chí không có cả bụi. Người ta có thể ngồi thoải mái ở bất kì một bậc thềm nào vì nó cũng sạch bóng lên y như đá lát trong nhà. Lá cây luôn xanh mướt trong màu sắc nguyên bản và ở những nơi công cộng như bến xe điện ngầm, sân bay, siêu thị… luôn có lao công chùi đi chùi lại sàn nhà.

Kỳ thú từng bước chân - Ảnh 1
Quốc đảo xanh Singapore nổi tiếng sạch đồng đều, nói nôm na là sạch trong, sạch bóng từ trong ra ngoài.

Một lần ngồi trước cửa siêu thị Far East (lớn thứ nhì Singapore), nhìn thấy người lao công mang chổi ra quét vỉa hè, tôi tức cười trước sự việc ít thấy, ấy là anh ta chỉ quét có vài cái lá cây mà tôi có thể đếm được số lượng bằng động tác gẩy từng cái vào hót rác. Thực ra thì số lượng rác trên cả khoảng rộng trước siêu thị cũng chỉ có vài cái lá cây mà thôi và chúng rụng ra lúc nào sẽ rơi vào tầm ngắm của nhân viên vệ sinh lúc ấy, rồi được quét đi ngay.

Chính phủ Singapore hạn chế thuốc lá. Vì thế người ta chỉ được phép mang tối đa mỗi người một bao thuốc qua cửa khẩu vào Sing. Dân nghiền thuốc đành phải chấp nhận mua thuốc ở nước sở tại với giá cắt cổ, đổ đồng loại nào cũng như nhau là 10 đô Sing/bao. Và không phải chỗ nào cũng được phép hút thuốc lá. Đến đây người Sing sẽ nhắc bạn một điều rất dễ nhớ là hễ khi nào thấy bầu trời xanh thì hãy châm lửa, nghĩa là việc hút thuốc ở những nơi công cộng trong nhà rất bị hạn chế. Thậm chí trường Đại học Quốc gia Singapore còn cấm sinh viên hút thuốc cả ở trong nhà lẫn ngoài trời trong khuôn viên trường. Nếu sinh viên nào bị bắt quả tang hút thuốc lần đầu tiên sẽ bị gửi thư cảnh cáo, từ lần sau trở đi sẽ bị phạt từ 50-300 đô la/lần. Hai trường đại học còn lại cũng đang cố gắng tác động tư tưởng sinh viên bằng các bài nói chuyện và tư vấn thường xuyên về tác hại của thuốc lá. Trên bao bì các bao thuốc Marlboro được bày bán ở đây còn in nguyên hình bộ răng bị hư hại vì thuốc lá như cóp lại từ một bộ phim kinh dị nào đó.

Singapore luôn hứa hẹn với khách quốc tế về một điểm đến xanh, sạch và an toàn. Quả đúng như vậy, khắp nơi trên đảo quốc đều có cây xanh với màu sắc nhiệt đới, trong sân bay, lan can cầu vượt, chân cầu, các tòa nhà, quán ăn, thậm chí là trong toilet công cộng. Chỗ nào không trồng được cây thật thì họ làm cây giả. Thành thử đi đâu cũng mướt một màu xanh.

Nhà văn Di Li: “Qua mỗi bước chân từ Sahara đến Everest, trải qua rất nhiều miền đất, tôi mới thấy thế giới thật bao la và xinh đẹp. Nhưng buồn thay, sự kỳ vĩ, bao la và xinh đẹp nhường ấy đang đối diện với những nguy cơ hiển hiện về sự tận diệt, tàn phá thiên nhiên từ phía con người. Hãy bảo vệ Mẹ Thiên nhiên, bảo vệ Trái Đất của chúng ta trước khi quá muộn. Hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước, Hành trình Xanh suốt 20 năm qua của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thật đáng ngưỡng mộ và tự hào. Không chỉ là thông điệp mà còn là những hành động, việc làm cụ thể của Hội. Xin trân trọng chúc mừng!”.

Động Tối ở Malaysia

Người Malaysia là láng giềng của Singapore, họ ngăn nắp và giữ gìn môi trường có phần cũng chỉ kém nước hàng xóm một chút thôi. Tôi đã từng đi tham quan một hang động kỳ lạ có tên Động Tối (Dark Cave), nằm ngay cạnh động Batu, cách trung tâm Kuala Lumpur có 40 cây số. Ở đó họ bán Tour Giáo dục với giá 35 Ringhit (250.000 đồng) cho khách nước ngoài. Khách mua tour sẽ được đội mũ bảo hiểm và tham quan lòng động trong vòng 45 phút, có hướng dẫn viên đi theo. Gọi là Tour Giáo dục vì khách sẽ được tìm hiểu loài nhện quý hiếm nhất thế giới (Liphistius Batuensis) và những động vật từ thời tiền sử có tuổi đời 100 triệu năm. Cậu bé hướng dẫn áng chừng vẫn còn đang đi học, nói tiếng Anh như gió, hướng dẫn chúng tôi xếp hàng một để đi vào lòng hang tối om. Cậu nhắc nhở nghiêm túc rằng chúng tôi không được quay phim, chụp ảnh, tự ý chiếu đèn pin, gây tiếng ồn hoặc đi chệch khỏi lối mòn dành cho du khách. Đó là trách nhiệm bảo vệ động vật quý trong hang, vì ánh đèn flash sẽ khiến chúng sợ mà trốn đi mất. Tất cả những long trọng ấy khiến tôi hồi hộp. Tuy nhiên, những động vật tiền sử thực ra chỉ là các loại rắn rết, nhện nhiều chân… nhỏ tí xíu đến nỗi mắt thường khó mà phát hiện ra. Còn dơi thì chỉ có thể nghe tiếng đập cánh đâu đó trên những vách trần bí ẩn trong bóng tối. Cuối cùng chúng tôi toàn tham quan động vật tiền sử qua… ảnh. Cậu tour guide có một tập ảnh chụp. Cậu chiếu đèn pin và thuyết minh cho khách qua những tấm ảnh để khách thêm hiểu biết. Cũng không có gì đặc biệt, nhưng cách hướng dẫn bài bản và sự di chuyển trật tự trong hang, dù rất đông khách trên một lối mòn chật hẹp, khiến tôi nể người Malaysia vô cùng chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch. Một hang động không có gì đáng kể so với Phong Nha, Bích Động, Hạ Long…, vậy mà khiến khách bỏ không ít tiền túi để mua vé nhưng không chút phàn nàn.

Kỳ thú từng bước chân - Ảnh 2
Dark Cave ở Malaysia.

Đến một khúc quanh trong động, cậu hướng dẫn hô chúng tôi tắt hết đèn pin, bảo chúng tôi giữ im lặng tuyệt đối, để cậu sẽ cho chúng tôi xem cái này hay lắm, và cuối cùng, cũng tắt nốt cái đèn pin sáng choang vẫn treo trên trán. Khách ồ lên kinh ngạc, choáng váng và sợ hãi, khi tấm màn đen kịt buông kín mắt. Chưa bao giờ tôi thấy bóng tối đặc quánh nhường ấy, ngay cả khi chui vào chăn giữa đêm đông, cũng chưa bao giờ tôi thấy không gian yên tĩnh đến vậy, dù có vào phòng thu cách âm của đài phát thanh. Đây là nơi kín đáo nhất trong lòng động, không một tia sáng yếu ớt nào có thể len lỏi qua những vách đá hàng triệu năm, không âm thanh nào lọt tới đây từ vách động bên kia, không tiếng đập cánh hoang dã của loài dơi, không tiếng côn trùng lết trên nền đất lạnh, không cả tiếng rỉ giọt của nước rơi từ nhũ đá, không mùi không vị, dù là mùi hơi nước hay ẩm mốc. Đó là cảm giác của mù lòa, của hư vô, của địa ngục, của sự mất hoàn toàn các giác quan. Ví thử bị lạc trong đường hầm bóng tối này thì bất kỳ ai cũng đều nghẹt thở vì sợ hãi. Và sẽ phát điên lên sau vài tiếng đồng hồ. Động Tối. Đó là lý do tại sao nó có tên như vậy. Nhưng chúng tôi cũng chỉ được nếm trải cảm giác thực tế của “phim kinh dị” có vài chục giây. Sau đó đèn bật, tiếng ầm ào nổi lên và cậu hướng dẫn lại liến thoắng như lúc đầu, nhắc nhở chúng tôi xếp gọn thành hàng một bên lề trái. Rõ rồi, vì đâu đó trước mặt cũng có tiếng ầm ào, và nhộn nhịp tiếng chân người bước qua, cũng đi hàng một bên lề trái. Chúng tôi trật tự đến nỗi chẳng ai chạm vào nhau trên một lối mòn rộng chừng một mét. Người xứ họ, giữ trật tự ngay cả trong bóng tối và nơi hoang dã tiền sử.

Trong vắt ở Kota Kinabalu

Kota Kinabalu là thủ phủ của Sabah, một bang của Malaysia, mà Sabah thì nằm trên đảo Borneo. Lịch sử và địa lý của vùng đảo này cũng rất phức tạp. Nó đã từng thuộc về người Ấn, người Trung Quốc, người Nhật, người Anh và người Hà Lan. Ngày nay, nhìn trên bản đồ, đảo Borneo có hình một con gấu trôi trên đại dương, mà đầu và một dẻo lưng là bang Sabah, bang Sarawak và vùng lãnh thổ liên bang Labuan (thuộc Malaysia), một nhúm nhỏ trên gáy nó là Vương quốc Hồi giáo Brunei, phần thân còn lại từ cổ đến bụng và đuôi (hai phần ba hòn đảo) là tỉnh Kalimantan thuộc Indonesia. Ba nước chung một hòn đảo. Borneo cũng là hòn đảo lớn thứ ba thế giới. Kota Kinabalu hầu như biệt lập với những phần còn lại của lãnh thổ Malaysia. Từ đó bay vào đất liền mất tới hơn 1.624km và nếu đi đường bộ sang Kuching, thủ phủ của bang lân cận cũng mất 800 cây số. Người Kinabalu tuy về thủ đô nước mình thì phải bay khá xa nhưng nếu đi sang thủ đô láng giềng là Brunei thì chỉ mất vài tiếng đường bộ là tới nơi. Đến đây, người ta không thể bơi lội ở những bãi biển ngay trong thành phố mà phải đi ra cảng Jesselton Point để từ đó mua vé tàu ra các đảo ngoài khơi thì mới có thể tắm biển. Trong sảnh hải cảng Jesselton có rất nhiều quầy bán vé tàu, giá như nhau, 50 Ringhit/người cho một chuyến 3 tiếng ra đảo. Người ta hỏi chúng tôi chọn đảo nào: Manukan? Mamutik? Sepanggar? Sapi? Hay Sulug? Tôi chọn bừa một đảo: Mamutik, vì tên của nó hay hay.

Kỳ thú từng bước chân - Ảnh 3
Đảo Mamutik đẹp mê hoặc.

Ca nô chở quãng hơn chục người ra đảo. Chỉ 20 phút sau tôi đã nhìn thấy san sát các đảo nhỏ trên mặt vịnh, với cầu cảng và một bãi cát toen hoẻn đông đúc người tắm, trông nhác đảo Titop, Cù lao Chàm hay Lan Hạ. Ngoài bãi tắm và nhà tắm tráng nước ngọt ra, trên đảo không còn dịch vụ gì khác. Trời đã về chiều nên dường như nước lạnh dần, người tắm ít. Tuy nhiên nếu bạn ra sát mép nước, sẽ thấy một điều khó tìm kiếm ở bất kỳ bãi biển nào trên thế giới: Bãi biển trên các hòn đảo quanh Kota Kinabalu không một gợn sóng và trong như nước mưa ở chum vại. Đứng ngâm mình dưới nước sẽ có cảm giác rất kỳ quặc, không giống như đang tắm biển vì nước không chuyển động (nó giống một bể bơi nhiều hơn), nhưng khi soi xuống đáy nước sẽ thấy một điều kỳ diệu: Hàng trăm loài cá đủ màu sắc, hình thù - chấm lưng, kẻ sọc, mình dẹt, thân dài - đang bơi lội tung tăng và thảng hoặc từng đàn cá li ti bám kín bắp đùi mà rỉa đến phát buồn… cười. Không tiếng sóng, không tiếng cười đùa ầm ĩ, chỉ có biển xanh trải rộng đến chân trời. Thảng hoặc có người reo lên khe khẽ vì vợt được một cụm san hô sống, ngắm chán rồi lại lặng lẽ thả xuống nước. Đó là lý do tại sao người ta đổ đến Kota Kinabalu. Để được bơi lội trong cảm giác thanh thản và bình yên như những loài cá đủ màu trên đảo Mamutik. Có nhẽ nước biển ở nơi này đã được giữ gìn sạch sẽ nhất trên thế giới chăng?

Không chỉ thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị, Di Li còn là Thạc sĩ Quản lý giáo dục, hội viên Hội Nhà văn và Dịch giả châu Á - Thái Bình Dương, tác giả một loạt tiểu thuyết, bút ký, tác phẩm dịch thuật…, chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực quảng cáo - PR, giảng viên tiếng Anh và Quan hệ công chúng, đồng thời là một MC khá thành công.

Kỳ thú từng bước chân - Ảnh 4

Tôn thờ chủ nghĩa “xê dịch”, các tập sách du ký của Di Li như Nụ hôn thành Rome, Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ, Bình minh ở Sahara, Cô đơn trên Everest được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt bởi những lối nhìn riêng và bút pháp cực kỳ thu hút.

Nhà văn Di Li

Bạn đang đọc bài viết Kỳ thú từng bước chân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới