Kinh tế Việt Nam năm 2021 - Điểm sáng giữa bức tranh kinh tế toàn cầu
Năm 2021, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thể hồi phục nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam đã tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, mới đây là đại dịch Covid-19. Năm 2021 Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ghi nhận tăng trưởng GDP dương khi đại dịch bùng phát.
Chịu ảnh hưởng chưa từng có của đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2021 được dự báo sẽ lập kỷ lục mới khi vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Thống kê về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 602 tỷ USD, chính thức vượt mức kỷ lục 500 tỷ USD đã đạt được trong 2 năm trước.
Tính tổng 11 tháng năm 2021, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%). Trong đó, xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5%; nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong tháng cuối năm 2021, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Trên thế giới, việc các quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU… đang thực hiện các phương án mở cửa, sử dụng hộ chiếu vaccine, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cư dân, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, mở cửa du lịch báo hiệu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao.
Thêm vào đó, nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế, tạo đà tăng cho kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Ở trong nước, tính tới thời điểm hiện tại, tốc độ và số lượng người được tiêm vaccine ngày càng tăng. Nhờ hiệu quả của công tác chống dịch, Việt Nam có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất chuẩn bị nguồn hàng, xuất khẩu, nhập khẩu trong trạng thái bình thường mới để sẵn sàng bứt tốc.
Một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể, từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc", đại diện Bộ Công Thương đánh giá.
Nhận định về những thách thức phải đối diện trong tháng cuối cùng của năm 2021, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc khôi phục, đẩy nhanh tiến độ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn phải quan tâm giám sát tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm, Bộ Công Thương tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, chú trọng triển khai triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những hiệp định này.
Việt Nam có khả năng là nền kinh tế hoạt động tốt nhất châu Á trong năm 2020 - kỳ tích đạt được khi không quý nào trong năm, kinh tế Việt Nam bị tăng trưởng âm dù nhiều nền kinh tế trên thế giới sụt giảm vì dịch Covid-19.
Nhận định trên được nêu trong bài viết có tiêu đề "This is Asia’s top-performing economy in the Covid pandemic - it’s not China" (tạm dịch: Đây là nền kinh tế hoạt động tốt nhất châu Á giữa đại dịch Covid-19; Nền kinh tế này không phải là Trung Quốc), đăng tải trên kênh CNBC (Mỹ) ngày 27/1/2021.
Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Bank of America (Mỹ) đề cập trong báo cáo vào tháng 1/2021: "Với kết quả này, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong một năm, phần còn lại của thế giới đang chìm sâu trong suy thoái".
Chuyên gia kinh tế của Bank of America dự đoán đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2020 có thể sẽ tiếp tục trong năm 2021. Ngân hàng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 9,3% trong năm 2021 - mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng 6,7% mà Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán.
Xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục tăng
11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%
Tính chung 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu này, ngành NNPTNT đã về đích trước hạn 1 tháng, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 1,5 tỷ USD.
Được biết, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ giao 42 tỷ USD, ngành NNPNT đặt mục tiêu phấn đấu đạt 44 tỷ USD.
Căn cứ khả năng xuất khẩu bình quân hàng tháng, dự kiến đến hết tháng 12.2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chắc chắn vượt con số 45 tỷ USD.
Những mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất 11 tháng qua
Dù gặp khó khăn vì dịch, nhiều mặt hàng trong 11 tháng qua vẫn đạt giá trị tỷ USD. Các nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao là hàng hoá, nguyên vật liệu, nông thuỷ sản.
11 tháng năm 2021: 10 mặt hàng xuất khẩu từ 5 tỷ đô
Trong 11 tháng năm 2021, có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu từ 5 tỷ USD trở lên, chiếm gần 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Các mặt hàng đó là: Điện thoại và linh kiện (52 tỷ USD); điện tử, máy tính và linh kiện (45,1 tỷ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (33,6 tỷ USD)...
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong 11 tháng đầu năm
So với tháng 10, số doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 11 tăng 44,6%. Tuy nhiên 11 tháng 2021 vẫn thấp hơn cùng kỳ.
Những startup gọi vốn "khủng nhất" Việt Nam từ đầu năm
Bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều startup của Việt Nam từ đầu 2021 đến tháng 9 vẫn gọi vốn thành công với số tiền lớn. Tính tổng giá trị gọi vốn của 10 thương vụ lớn nhất đã đạt giá trị hơn 606 triệu USD.
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam 10 tháng đầu năm tăng 35,1%
Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2021, Mỹ là nước nhận đầu tư nhiều nhất của Việt Nam với tổng giá trị đạt 305,3 triệu USD, những nước tiếp theo là Campuchia, Israel và Lào.
Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng chỉ số ĐMST như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển đất nước.
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố chiều 20/9/2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu với 37 điểm, tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm 34 nền kinh tế cùng mức thu nhập trung bình thấp, xếp trước Ấn Độ (hạng 46) và Ukraine (hạng 49), và Philippines (51), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới.
“Bên cạnh Trung Quốc, 4 nền kinh tế lớn này đang cho thấy tiềm năng làm thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo toàn cầu theo hướng tốt đẹp hơn,” WIPO nhận xét.
Báo cáo GII 2021 cho thấy 19 nền kinh tế đang vượt kỳ vọng về đổi mới sáng tạo trong tương quan với trình độ phát triển. Đáng chú ý, Việt Nam, cùng với Ấn Độ, Kenya, Cộng hòa Moldova, tiếp tục nắm giữ kỷ lục về phương diện này năm thứ 11 liên tiếp.
Việt Nam tiếp tục đạt mức điểm cao hơn mức trung bình của nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp trên tất cả các trụ cột đánh giá GII, và thậm chí còn cao hơn mức trung bình của nhóm thu nhập trung bình cao ở 4 trụ cột: "Trình độ phát triển thị trường", "Trình độ phát triển kinh doanh", "Sản phẩm tri thức và công nghệ", "Sản phẩm sáng tạo".
Bảng xếp hạng GII năm nay liệt kê năng lực cạnh tranh của 132 nền kinh tế dựa trên 81 tiểu tiêu chí được WIPO, Viện Portulans cùng Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia Brazil (CNI), Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Ecopetrol (Colombia) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) phối hợp biên soạn.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, tất cả yếu tố liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như chống đứt gãy trong chuỗi sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế trong thời gian tới... cũng phần nào thể hiện trong chỉ số Sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2021.
Ông Marco M. Aleman, Trưởng cơ quan Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ, Trợ lý- Đặc phái viên Tổng giám đốc WIPO nhận xét: “Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo là ví dụ rõ nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo với phát triển”.
Nội dung: Bùi Hằng
Đồ họa: Hoàng Việt