Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển bền vững (Bài 3)
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định mô hình kinh tế tuần hoàn có đóng góp rõ ràng cho các doanh nghiệp thông qua việc tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và mở rộng thị trường.
Bài 3: Đòn bẩy của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế tuần hoàn
Theo thông tin từ Viện Kinh tế tuần hoàn - Đại học Quốc Gia TP.HCM, báo cáo khoa học của nhóm nghiên cứu gồm các thành viên: Lê Minh Hạnh, Nguyễn Kiều Lan Phương, Từ Minh Thuận, Lê Bá Nhật Minh, Nguyễn Minh Tú, Phạm Phú Trường, Nguyễn Hồng Quân cho thấy: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đang tạo nên những thay đổi vô cùng lớn lao.
Trong bối cảnh này, phát triển bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang thu hút nhiều sự quan tâm hơn lúc nào hết, từ cả phía doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định mô hình kinh tế tuần hoàn có đóng góp rõ ràng cho các doanh nghiệp thông qua việc tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, tham gia vào KTTH cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp, ví dụ như hiểu biết hạn chế, mâu thuẫn giữa tối đa hóa lợi nhuận trong hiện tại và tối ưu hóa giá trị trong tương lai, công nghệ sẵn có hạn chế, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm “xanh hơn” khó dự đoán… Với quy mô nhỏ và đa phần chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn phải đối mặt với năng lực vốn hạn chế và sự phụ thuộc vào các chủ thể khác trong chuỗi cung ứng cũng như chuỗi tiêu dùng.
Thách thức khi tham gia vào mô hình KTTH
Theo hơn 180 cuộc khảo sát giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại 32 quốc gia mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) theo dõi kể từ tháng 2/2020, kể từ khi bắt đầu đại dịch, 70 - 80% các SME đã bị sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu/ doanh số bán hàng.
Theo tổ chức Ellen MacArthur (2013), kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một hệ thống có tính tái tạo và phục hồi thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. KTTH là một hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh theo vòng tròn khép kín, trong đó, khái niệm kết thúc vòng đời được thay thế bằng việc giảm sử dụng, sử dụng lại, tái chế và phục hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm. Trong một nền KTTH, chúng ta loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm và vật liệu, và tái tạo thiên nhiên.
Hiện nay, các SME ngày càng nhận thức được lợi ích của việc vòng lặp khép kín và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, chẳng hạn như tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, tạo lợi thế cạnh tranh và tiếp cận thị trường mới, tăng uy tín, phục hồi môi trường địa phương và tính bền vững của công ty. Tuy nhiên, việc tham gia vào KTTH của các loại hình doanh nghiệp này còn gặp nhiều trở ngại.
Cũng theo thông tin tổng hợp của nhóm nghiên cứu của Ormazabal (2018), các trở ngại này là: Thiếu hỗ trợ tài chính; Hệ thống quản lý thông tin không đầy đủ; Thiếu công nghệ thích hợp; thiếu nguồn lực kỹ thuật; thiếu nguồn tài chính; thiếu sự quan tâm của người tiêu dùng đến môi trường; Thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức công; Thiếu các chuyên gia có trình độ trong quản lý môi trường; và lãnh đạo tổ chức thiếu cam kết.
Thực trạng này càng khó khăn hơn ở bối cảnh Việt Nam, khi các SME chiếm 96% trong tổng số các công ty và khu vực kinh tế phi chính thức vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ, chủ yếu bao gồm các hộ kinh doanh gia đình, người lao động tự doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, có khoảng nửa triệu doanh nghiệp đã đăng ký so với 5,1 triệu doanh nghiệp chưa đăng ký.
Như vậy, việc thiết lập những đòn bẩy hiệu quả để doanh nghiệp SME có thể tham gia sâu rộng vào lĩnh vực kinh tế tuần hoàn là vô cùng cần thiết. Mô hình liên kết Triple Helix giữa 3 chủ thể Doanh nghiệp - Khối học thuật - Chính phủ đã được chứng minh là một đòn bẩy quan trọng để doanh nghiệp SMEs có thể đổi mới sáng tạo.
Mô hình Triple Helix khẳng định không gian giao thoa và đồng thuận giữa ba chủ thể sẽ tập hợp năng lực của cả ba, để từ đó phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô hệ thống. Mặc dù nền tảng thể chế của ba chủ thể là khác nhau và phương hướng tiếp cận mô hình KTTH của 3 chủ thể cũng có nhiều điểm khác biệt, tuy nhiên vẫn tồn tại một không gian giao thoa và đồng thuận đáng kể giữa ba chủ thể này có thể mở ra cơ hội mới cho đổi mới sáng tạo và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, mô hình KTTH cũng tạo ra động lực kết nối 3 chủ thể là Doanh nghiệp - Khối học thuật - Chính phủ. Cụ thể, với không gian giao thoa về nguồn nguyên liệu và sản phẩm giữa 3 chủ thể, mô hình KTTH là một giải pháp để tạo ra nguồn tài nguyên mới, các doanh nghiệp mới, cũng như các sản phẩm mới từ nguồn rác thải.
Từ thực tế này, SME không thể đứng riêng lẻ trong nền KTTH. Thay vào đó, Mô hình Ba nhà Doanh nghiệp - Khối học thuật - Chính phủ --Triple Helix cần được đặt ra và đánh giá một cách toàn diện trong mô hình KTTH.
Lựa chọn mô hình 3 bên phù hợp trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn
Đặt mô hình Triple Helix trong bối cảnh nền KTTH và cân nhắc những trở ngại cũng như thách thức của doanh nghiệp SME khi tham gia vào nền KTTH, nhóm nghiên cứu đề xuất Mô hình giao thoa - Hybrid model là mô hình phù hợp để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp SME.
Đề xuất này được đưa ra dựa trên ba yếu tố sau: Thứ nhất, mô hình kinh tế tuần hoàn có vai trò trọng yếu đối với sự phát triển bền vững của SME. Thứ hai, mô hình Triple Helix có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp SME, giúp các doanh nghiệp này vượt qua được những rào cản và trở ngại về quy mô vốn, mạng lưới kinh doanh, trình độ công nghệ khi tham gia vào kinh tế tuần hoàn. Thứ ba, mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra không gian giao thoa có ý nghĩa cho ba chủ thể trong Triple Helix, từ đó tạo ra động lực cho mối quan hệ hợp tác giữa ba chủ thể này.
Trong mô hình này, KTTH được coi là cơ chế bao trùm cho cả ba chủ thể Chính phủ - Khối học thuật - Khối doanh nghiệp. Trong cơ chế đó, nguyên liệu và năng lượng từ những thứ bị loại bỏ hoặc phụ phẩm được đưa lại vào hệ thống kinh tế trong một vòng lặp dài hơn (về tuổi thọ sản phẩm) và khép kín hơn (về mặt tiêu thụ tài nguyên), vì lợi ích đa dạng hơn (hướng tới xã hội và môi trường sinh thái, bên cạnh giá trị kinh tế).
Trên cơ sở này, mô hình KTTHsẽ giúp giảm phát thải, giảm thất thoát tài nguyên và gánh nặng đối với hệ sinh thái toàn cầu. Đã có ước tính rằng việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp vận chuyển, thực phẩm và xây dựng có thể giảm 48% mức phát thải vào năm 2030 và 83% vào năm 2050, so với mức của năm 2012.
Tính phù hợp của mô hình KTTH với khối doanh nghiệp cũng ngày càng được các học giả và các nhà hoạch định chính sách công nhận. Quỹ Ellen MacArthur (2015) ước tính rằng mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp các ngành công nghiệp có các sản phẩm có tuổi thọ trung bình như sản xuất động cơ xe, động cơ điện và máy móc thiết bị giảm tổng chi phí nguyên liệu khoảng 630 tỉ đô la mỗi năm năm, trong khi con số này cho lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh như thực phẩm đóng gói, may mặc và đồ uống ở cấp độ toàn cầu có thể vượt mức 700 tỉ đô la mỗi năm.
Ngoài tiết kiệm chi phí, đóng vòng lặp sản xuất, tăng cường tái sử dụng và tái chế vật liệu sẽ làm giảm nhu cầu đối với vật liệu thô và giúp giảm biến động giá cả trên thị trường nguyên liệu và rủi ro về nguồn cung.
(Còn nữa)
Nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế tuần hoàn