Kiên Giang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, 'bỏ quên' bảo vệ môi trường?
Nhiều quy định của luật pháp về bảo vệ môi trường đã bị tỉnh Kiên Giang bỏ qua khi phê duyệt cho các dự án, công trình hoạt động.
Trong 10 năm trở lại đây, nền kinh tế của tỉnh Kiên Giang liên tục tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định, thu nhập, đời sống của người dân ngày càng cao. Thậm chí, Phú Quốc có những năm đạt tốc độ tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, mâu thuẫn với điều này là môi trường sống nhiều nơi trong tỉnh đang bị ô nhiễm ở mức báo động đỏ.
Nhiều quy định của luật pháp về bảo vệ môi trường đã bị bỏ qua khi phê duyệt cho các dự án, công trình hoạt động. Phải chăng UBND tỉnh đã “bỏ quên” công tác bảo vệ môi trường, vi phạm các quy định về môi trường để mặc môi trường sống đã, đang và sẽ ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng?
Nước đen ngòm ở khu vực cầu Bến Tràm ở xã Cửa Dương chảy ra sông Dương Đông |
Phú Quốc không ô nhiễm mới lạ
Ngày 10/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 137 phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2020” nhưng 10 năm sau, ngày 12/4/2018, UBND Kiên Giang mới phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2030 tại Quyết định số 891 để thực hiện Quyết định của Thủ tướng. Sự chậm trễ khó hiểu này khiến mức độ ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Dương Đông không kiểm soát được.
Ghi nhận tại một số nhánh suối ở khu vực Cầu lớn của tổ 1 ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương và tại tổ 13 khu phố 5 thị trấn Dương Đông chảy trực tiếp ra sông Dương Đông đã chuyển màu đen và bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, cả lưu vực sông Dương Đông bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên đảo. UBND tỉnh Kiên Giang mới phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2030 tại Quyết định số 891 để thực hiện Quyết định của Thủ tướng. Sự chậm trễ khó hiểu này khiến mức độ ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Dương Đông không kiểm soát được.
Theo Quyết định 633 ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch trên địa bàn huyện Phú Quốc, thì tổng lượng rác thải đến năm 2020 là 400 tấn/ngày, quy hoạch 3 khu xử lý rác thải với quy mô mỗi khu vực 25ha; lưu lượng nước thải là 46.500m3/ ngày. Tuy nhiên, thực tế chỉ tính riêng các dự án du lịch đã được phê duyệt trên địa bàn huyện, tổng lượng rác thải cần xử lý đã gấp hơn 5 lần so với quy hoạch, khoảng 2.250 tấn/ngày, lưu lượng nước thải cần xử lý cũng hơn gấp đôi là 84.334m3.
Trong khi đó, Phú Quốc mới chỉ có 1 nhà máy xử lý rác thải công suất 200 tấn/ngày tại xã Hàm Ninh. Nhà máy duy nhất này được đầu tư với công nghệ như thế nào mà không những không xử lý được rác thải mà còn gây môi nhiễm môi trường? Người dân nơi đây nhiều lần phản ứng quyết liệt, ngăn cản không cho nhà máy hoạt động.
Trên cả hòn “đảo Ngọc” cũng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các khu vực tập trung đông dân cư, đặc biệt là thị trấn Dương Đông. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh sông Dương Đông đều xả trực tiếp xuống sông khiến nguồn nước ngọt và môi trường tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài nhiều năm nay là điều dễ hiểu.
Toàn bộ nước thải sinh hoạt đều xả trực tiếp xuống sông Dương Đông. |
Phải chăng vì ưu tiên phát triển mà quên môi trường sống của dân
Kiên Giang hiện có 13 bãi rác, trong đó có đến 12 bãi chưa có biện pháp xử lý đúng kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường nhưng UBND tỉnh chưa chú trọng đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu xử lý chất thải có công nghệ phù hợp nhằm xử lý chất thải rắn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tại khu công nghiệp Thạnh Lộc ở huyện Châu Thành, mặc dù nhà máy xử lý nước thải tập trung đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện nhưng tỉnh lại cấp phép cho 3 nhà đầu tư xây dựng nhà máy đã đi vào hoạt động gồm nhà máy bia Sài Gòn thuộc công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Kiên Giang; nhà máy gỗ MDF VFG Kiên Giang thuộc tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu TBS Kiên Giang thuộc công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang.
Đây là những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Việc 3 nhà máy này đi vào hoạt động khi nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp chưa hoàn thành đưa vào sử dụng là vi phạm Thông tư 35 của Bộ Tài nguyên môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Năm 2017, thành phố Rạch Giá tiến hành thanh tra 80 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm của các chủ cơ sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tuy nhiên điều khó hiểu là ông Chủ tịch UBND Thành phố Rạch Giá lại “quên” ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có hành vi vi phạm?
Rác thải chất cao như núi. |
Hàng ngàn ha rừng bị biến mất để nhường chỗ cho các dự án, tài nguyên khoáng sản cũng được giao cho các doanh nghiệp khai thác mà không quan tâm đến môi trường nước, không khí và đất bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dư luận đặt câu hỏi liệu có thể đánh đổi môi trường, sức khỏe của nhân dân để lấy những công trình dự án phát triển với mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá. Sự đánh đổi này quá đắt so với những gì mà tỉnh Kiên Giang đã và đang phải khắc phục sau kết luận số 602 ngày 27/4/2020 của Thanh tra Chính phủ.
Lâm Hiếu