Thứ sáu, 22/11/2024 23:19 (GMT+7)
Thứ hai, 01/06/2020 12:13 (GMT+7)

Rừng Phú Quốc 'bốc hơi' theo các dự án, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang 'giật mình'

Theo dõi KTMT trên

Dư luận đặc biệt quan tâm đến việc buông lỏng công tác quản lý đất rừng dẫn đến hơn 3.000ha đất rừng ở Phú Quốc đã bị san bằng.

Trong hàng loạt sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản ở tỉnh Kiên Giang, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc buông lỏng công tác quản lý đất rừng dẫn đến hơn 3.000ha đất rừng ở Phú Quốc đã bị san bằng nhường chỗ cho các công trình, dự án nhưng vẫn chưa được trồng lại theo quy định; hàng chục ngàn m3 gỗ trong những cánh rừng bị đốn hạ không được khai thác tận thu, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước và nhiều diện tích đất rừng bị lấn, chiếm mà cơ quan chức năng vẫn không phát hiện, xử lý.

Rừng Phú Quốc 'bốc hơi' theo các dự án, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang 'giật mình' - Ảnh 1
Ranh rừng dự kiến dời tới đâu, người dân lấn chiếm, chặt phá cây rừng đến đó.

Hơn 3.000 ha đất rừng đi đâu?

Đến nay, Kiên Giang đã chuyển đổi hơn 6.984ha đất rừng sang mục đích khác (rừng phòng hộ hơn 5.752 ha, Vườn Quốc gia hơn 1.231 ha), trong đó có hơn 3.321ha rừng bị chuyển đổi phải lập phương án trồng rừng thay thế.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một phần rất nhỏ, hơn 211 ha/3.321ha (chưa đến 10%) diện tích rừng được lập phương án trồng thay thế với tổng số tiền các chủ đầu tư phải nộp để trồng là hơn 35 tỉ đồng. Trong số này, các chủ đầu tư mới chỉ nộp hơn 20,2 tỉ đồng, còn nợ gần 15 tỉ đồng.

Còn lại diện tích hơn 3.000 ha đất rừng đã giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư nhưng các chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để tổ chức trồng hoặc nộp tiền rừng thay thế. Trách nhiệm chính là vai trò quản lý của Sở NN-PT&NT và Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc (BQL Phú Quốc) và một số các cơ quan chức năng khác.

Rừng Phú Quốc 'bốc hơi' theo các dự án, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang 'giật mình' - Ảnh 2

Trong kế hoạch thực hiện khắc phục các sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang cũng không đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng một cách cụ thể mà chỉ chung chung: “tăng cường tác bảo vệ rừng, đặc biệt đối với rừng phòng hộ và Vườn Quốc gia Phú Quốc; đôn đốc và có biện pháp cần thiết yêu cầu chủ đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất rừng lập phương án trồng rừng thay thế để làm cơ sở cho các chủ đầu tư tổ chức trồng hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định”.

Cây rừng bốc hơi theo các dự án

Theo quy định tại khoản 2, điều 11, thông tư số 35 của Bộ NN&PT-NT hướng dẫn thực hiện khai thác tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ thì: sau khi được phép chuyển rừng để xây dựng công trình hoặc chuyển sang mục đích khác và chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đền bù theo quy định, UBND cấp tỉnh giao cho chủ rừng hoặc đơn vị có chức năng khai thác để khai thác tận thu gỗ. Tuy nhiên, điều lạ là UBND tỉnh Kiên Giang lại không giao cho cơ quan nào chịu trách nhiệm việc khai thác tận thu gỗ dẫn đến không quản lý được việc khai thác và không quản lý, sử dụng số gỗ tận thu, có nguy cơ thiệt hại ngân sách nhà nước hàng chục tỉ đồng.

Rừng Phú Quốc 'bốc hơi' theo các dự án, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang 'giật mình' - Ảnh 3
Nhiều diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm nhưng cơ quan chức năng vẫn không phát hiện xử lý kịp thời.

Tại Phú Quốc, trong thời gian từ 2011 - 2017, UBND tỉnh Kiên Giang đã thu hồi gần 896 ha rừng do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý để giao cho các nhà đầu tư thực hiện 13 dự án, trong đó có 8 dự án có kiểm kê khối lượng gỗ đường kính từ 28cm trở lên có giá trị để tận thu gỗ với khối lượng 21.428m3; 5 dự án không kiểm kê, tận dụng thu hồi gỗ với các lý do khác nhau như chủ đầu tư không kiểm kê hiện trạng rừng do không có gỗ có giá trị, dự án không khai thác cây rừng tự nhiên…

Đối với rừng phòng hộ Phú Quốc: trong tổng số 5.629ha đã chuyển mục đích và chuyển ra khỏi ranh rừng, theo báo cáo của BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, có 14 dự án có quyết định chuyển đổi với diện tích 79,65 ha thực hiện kiểm kê trữ lượng lâm sản với tổng trữ lượng 849,73m3, trong đó có 1 dự án có thiết kế khai thác (trạm rada đã bán đấu giá gỗ tận thu), 3 dự án đất trống (Công an xuất nhập cảnh, đường vào dự án Sungroup, chuyển đổi ven biển mũi ông Đội) nên không lập phương án tận thu gỗ, 10 dự án còn lại còn nguyên hiện trạng rừng.

Dự án Khu du lịch Bãi Dài do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc làm chủ đầu tư có diện tích 304ha là một trong số rất ít dự án có khai thác gỗ tận thu nhưng nhà nước cũng chỉ thu được chưa tới 10% số lượng gỗ theo biên bản kiểm kê và bàn giao. Theo đó, tại dự án này có 13.049 m3 gỗ có đường kính từ 28cm trở lên nhưng thực tế chỉ có 118,35m3/ 13.049m3 gỗ được UBND huyện Phú Quốc tổ chức đấu giá, thu về cho ngân sách hơn 677 triệu đồng, còn lại 12.930m3 gỗ tại thời điểm thanh tra, cơ quan chức năng của tỉnh không xác định được đơn vị nào quản lý và số gỗ được sử dụng như thế nào.

Rừng bị người dân lấn chiếm có dấu hiệu thông đồng từ bên trong?

Tại cuộc họp thành viên Uỷ ban ngày 28/5 vừa qua, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang “giật mình” vì việc buông lỏng quản lý đất rừng ở Phú Quốc và đặt nghi vấn có dấu hiệu thông đồng từ bên trong cơ quan quản lý trong việc lấn chiếm đất rừng vì ranh rừng, cộc mốc rừng chuẩn bị đưa ra khỏi quy hoạch tới đâu, người dân vô chặt cây lấn chiếm tới đó, chính xác từng vị trí, toạ độ.

“Tôi không biết người dân làm sao mà biết chính xác toạ độ tới cỡ đó. Bí thư, Chủ tịch Phú Quốc mới thành lập đoàn kiểm tra rồi báo cáo tôi, tôi giật mình. Bây giờ ranh rừng loại tới đâu là dân chiếm tới đó, trồng cây tới đó, thậm chí là chặt phá cây rừng. Chiếm đúng toạ độ luôn, không sai ly nào thì có bên trong bên ngoài không!?”.

Năm 1998, Rừng phòng hộ và rừng đặc dụng tại Phú Quốc được xác lập và cấp giấy chứng nhận ghi nhận không có sự xâm lấn của người dân. Tuy nhiên trong quá trình quản lý, một phần diện tích đất rừng đã bị người dân lấn chiếm sử dụng.

Qua các lần điều chỉnh quy hoạch, hơn 5.000 ha đất rừng đã được đưa ra khỏi rừng để phát triển kinh tế - xã hội của khu kinh tế Phú Quốc và bố trí đất nông nghiệp, đất ở cho người dân. Theo báo cáo của BQL rừng phòng hộ Phú Quốc, có 60 hộ dân đang sử dụng đất trong ranh rừng, trong đó có 9 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng BQL rừng phòng hộ Phú Quốc không nắm rõ nguồn gốc, thời gian sử dụng của người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, đối với Vườn Quốc gia Phú Quốc đã có nhiều hộ dân vào ở, sử dụng những diện tích rừng dự kiến chuyển mục đích theo quy hoạch tại Quyết định 633 và Quyết định 868 của Thủ tướng Chính phủ./.

Bạn đang đọc bài viết Rừng Phú Quốc 'bốc hơi' theo các dự án, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang 'giật mình'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới