Kiểm tra khí thải xe máy cần đơn giản hóa các thủ tục
Lãnh đạo Cục Cảnh sát Giao thông cho rằng, để khuyến khích người dân đi kiểm định phương tiện là cần phải đơn giản hóa các thủ tục, đừng làm phức tạp mọi thứ lên.
Bộ Công an vừa có văn bản trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Các chuyên gia môi trường đánh giá đây là bước đi phù hợp cần phải thực hiện ngay vì những hệ lụy về ô nhiễm môi trường từ khói bụi của các xe mô tô không đảm bảo đã gây ra.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục CSGT, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành tham mưu trình Chính phủ ban hành các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Đó là việc bổ sung các quy định của pháp luật như: Bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy có định kỳ kiểm tra khí thải, tuy nhiên cần đơn giản hóa việc kiểm tra, không thể đưa vào trạm kiểm định như ô tô.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, cần có chế định liên quan đến bảo hành, bảo trì và đặc biệt là bảo dưỡng thường xuyên phương tiện giao thông, kèm theo đó là chế tài đủ mạnh nếu cá nhân, tổ chức không chấp hành. Ngoài ra, bổ sung thông số về khí thải trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, màu của tem kiểm định để phân biệt các thông số khí thải, cung cấp cho người tiêu dùng từ nhập khẩu đến kiểm định định kỳ.
Đồng thời có cơ chế, chính sách giảm, miễn lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, tăng đối với xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu. Có cơ chế để khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam, như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xe điện.
Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình rõ ràng, khả thi hơn về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xe máy và tiến tới cấm xe máy quá niên hạn sử dụng hoặc không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông để bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông và hướng đến đô thị văn minh, hiện đại; tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và mức phát thải giữa 2 kỳ kiểm định, kèm theo đó là chế tài xử lý nghiêm minh.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, việc tham mưu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để kiểm soát khí thải này không phải tạo ra một thiết chế mới để xử phạt người dân mà là tạo ra một thói quen tốt, từ thói quen tốt, hành động tốt sẽ tạo ra kết quả tốt là xe máy được thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra khí thải.
Việc quan trọng nhất để khuyến khích người dân đi kiểm định phương tiện là cần phải đơn giản hóa các thủ tục, đừng làm phức tạp mọi thứ lên. Ví dụ thay vì đưa vào trung tâm kiểm định để kiểm tra từng phương tiện đã làm chưa thì người dân chỉ cần đưa vào các trung tâm sửa chữa phương tiện, người dân ở bất cứ đâu cũng có thể kiểm tra, sửa chữa định kỳ. Ngoài ra, cần tuyên truyền lợi ích kiểm tra thường xuyên khí thải, phương tiện để người dân thấy được việc làm này là cần thiết để bảo vệ chính mình, bảo vệ tương lai con em họ.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp trường ĐH Giao thông vận tải khẳng định, chủ trương kiểm soát, kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy là đúng đắn, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu.
Tuy vậy, GS.TS Sùa cho rằng, quy định trên nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng tới hàng chục triệu người, tác động đến kinh tế, xã hội là không nhỏ. Do vậy, cần có những bước thử nghiệm, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thật bài bản trước khi áp dụng rộng rãi.
Còn chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh, một bộ phận người dân nghèo ở các thành phố đang phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ nát để mưu sinh, khi kiểm định chắc chắn sẽ không đạt yêu cầu. Việc chính quyền thu hồi các xe này hay không lại cần có chính sách “hợp tình, hợp lý”.
Xuân Hòa