TP.HCM: Ô nhiễm do khí thải xe máy đáng báo động
Ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Hoạt động giao thông chiếm khoảng 50%; hoạt động xây dựng chiếm khoảng 30%; còn lại là hoạt động công nghiệp. Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là "thủ phạm" chính.
Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Giám sát tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Hoạt động giao thông chiếm khoảng 50%; hoạt động xây dựng chiếm khoảng 30%; còn lại là hoạt động công nghiệp.
Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Hiện nay, toàn TP.HCM hơn 8 triệu phương tiện xe các loại, trong đó chủ yếu là xe gắn máy, với khoảng hơn 7,2 triệu chiếc.
Số lượng xe máy tiêu thụ 50% xăng (không tính diesel) nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Theo đề án kiểm soát khí thải xe máy tính toán khi áp dụng, TP.HCM có thể giảm 13% khí CO và gần 14% khí HC thải ra môi trường.
Mới đây, chia sẻ với Vnexpress, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hòa An cho hay, từ tháng 5 đến tháng 9/2020, Sở Giao thông Vận tải phối hợp các bên thực hiện chương trình kiểm tra, đo khí thải miễn phí cho xe máy tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng thuộc quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình. Hơn 10.600 xe được kiểm tra và phần lớn xe sau 5 năm sử dụng có mức độ phát thải rất cao. Hơn 1.800 xe không đạt chuẩn, trong số này sau đó được sửa, bảo dưỡng, giúp giảm mức phát thải nhưng chi phí không cao.
Sau thời gian thực hiện, các bên xây dựng đề án chi tiết hơn, trong đó xác định lộ trình kiểm soát khí thải tại thành phố có 4 giai đoạn. Trước tiên làm ở khu trung tâm, sau đó mới mở rộng toàn thành phố. Từ nay đến năm 2022, thành phố sẽ xây dựng các khung chính sách, pháp lý liên quan và tuyên truyền cho người dân... Hai năm sau đó, thành phố đầu tư 88 trạm kiểm định khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu. Phí kiểm định mỗi xe được tính 50.000 đồng một năm, người nghèo được miễn phí. Thời gian này, xe không đạt chuẩn khí thải khi chạy vào quận 1, 3, 5 sẽ bị phạt tiền.
Giai đoạn 2025 - 2026, xe máy sau khi xuất xưởng, bán ra phải được dán tem khí thải. Lúc này thành phố đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng kiểm soát tại quận 1, 3, 5, 10 và Tân Bình. Những xe dưới 5 năm sử dụng không phải kiểm tra. Từ năm 2027 đến 2030, khu vực cần đạt chuẩn khí thải mở rộng ở 13 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. Các xe không đạt chuẩn khí thải không được chạy vào khu vực đã được khoanh vùng.
Tuy nhiên, đến nay đề án gặp nhiều khó khăn chủ yếu do hành lang pháp lý hiện chưa cụ thể. Do đó TP.HCM cần được Chính phủ đồng ý chủ trương cho thí điểm kiểm soát. Kế đến, các quy chuẩn, lộ trình kiểm tra, cơ chế quản lý; mức thu và chế độ thu phí... cũng phải cụ thể. Điều quan trọng khác là việc xử phạt vi phạm cũng như nhiệm vụ, quyền của đơn vị thực hiện kiểm soát khí thải xe máy phải được xây dựng hoàn chỉnh... Khi có những hành lang pháp lý, thành phố mới có thể thực hiện được.
Bộ Giao thông vận tải cho biết ủng hộ chủ trương kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành tại TP.HCM để góp phần cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị.
Theo Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan này đã nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy vào dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi. Khi luật được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.
Trong khi chờ Luật giao thông đường bộ được ban hành, đề nghị Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND TP trình Thủ tướng xem xét quyết định việc triển khai thí điểm kiểm tra khí thải và kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện đối với mô tô, xe gắn máy tạo cơ sở thực tiễn trong quá trình xây dựng Luật giao thông đường bộ.
Nhật Hạ