Không khí Hà Nội tiếp tục ô nhiễm nặng
Sáng nay (6/2), Hà Nội của Việt Nam đứng thứ 11 thành phố ô nhiễm nhất thế giới và TP.HCM đứng thứ 30.
Sáng 6/2, theo hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ), top 10 trong số 92 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc có chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe gồm Kolkata (Ấn Độ), Pristina (Kosovo), Dhaka (Bangladesh), Karachi (Pakistan), Thẩm Dương (Trung Quốc), Belgrade (Serbia), Kathmandu (Nepal), Mumbai (Ấn Độ), Lahore (Pakistan) và Delhi (Ấn Độ).
Theo thang bảng này, Hà Nội của Việt Nam đang đứng thứ 11 và TP.HCM đứng thứ 30.
Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, sáng 6/2, 10 trong số 58 điểm đã được quan trắc ở 8 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Gia Lai, Thừa Thiên Huế) có chỉ số AQI ở mức đỏ, không tốt cho sức khỏe đều ở Hà Nội gồm: Cung thiếu nhi Hà Nội, Trụ sở Công an phường Hàng Mã, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hoàn Kiếm); Tòa nhà quản lý hồ Thành Công (Ba Đình); Ủy ban Nhân dân phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm); 36A Phạm Văn Đồng, Ủy ban Nhân dân phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Ủy ban Nhân dân xã Tứ Hiệp (Thanh Trì); Ủy ban Nhân dân thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ); Ủy ban Nhân dân xã Thanh Xuân (Sóc Sơn).
Theo các chuyên gia môi trường, mặc dù chất lượng không khí đã có cải thiện hơn nhiều so với những ngày đầu tháng Hai nhưng thời tiết ở miền Bắc vẫn có lớp sương mù bao phủ vào đêm và sáng sớm nên bụi bị nén ở tầng thấp, không khí vẫn bị ô nhiễm bụi đến khoảng 13h.
Buổi chiều, nắng lên kèm gió nhẹ khiến bụi được phát tán lên cao hơn giúp không khí bớt ô nhiễm.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong các tháng đầu năm 2021, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu.
Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động bằng việc hạn chế các hoạt động ngoài trời, gần đường giao thông, đóng cửa sổ, chạy máy lọc không khí trong nhà, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, hạn chế hoạt động đốt vàng mã.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ vào buổi sáng và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường. Trong điều kiện thời tiết xấu, người dân cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý, thực hiện theo khuyến cáo 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Để tăng sức đề kháng của cơ thể, người dân cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây đảm bảo đủ nhiệt cho cơ thể. Các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế... giúp giữ ấm rất tốt, còn giúp cơ thể giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa. Người dân nên hạn chế ăn các món lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh; tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh, vì rượu làm nở các mạch máu gây giảm thân nhiệt nên khi ra trời lạnh sẽ rất nguy hiểm.
Hà Linh