Thứ tư, 04/12/2024 00:56 (GMT+7)
Thứ tư, 28/09/2022 15:50 (GMT+7)

Thủ tướng: “Không để dân đói, dân rét, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão”

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Công tác ứng phó bão kịp thời 

Tại cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 28/9, theo đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự báo của Việt Nam về cường độ bão ở trên biển Đông là chính xác và thấp hơn 1 - 2 cấp khi bão Noru đổ bộ đất liền các tỉnh Trung Bộ.

Đây là một cơn bão có sự thay đổi rất nhanh, liên tục về cường độ, kể cả khi ở ngoài Philippines và trên biển Đông, có thời điểm khi ở ngoài Philippines, bão tăng 8 cấp trong vòng 24 tiếng. Từ 05-12h ngày 26/9, cường độ cấp 12; từ 14h ngày 26/9-05h ngày 27/9 cường độ cấp 14, giật cấp 16; 08h -23h ngày 27/9 cường độ cấp 14-15, giật cấp 17.

Nhận định về công tác ứng phó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết bão số 4 là cơn bão có diễn biến phức tạp nhưng không gây thiệt hại về người. Điều này cho thấy công tác ứng phó đã thành công.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tập trung vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão.

Thủ tướng: “Không để dân đói, dân rét, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão” - Ảnh 1
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ". (Ảnh internet)

Theo đó, trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn.

Về tình hình thiệt hại, cập nhật bước đầu đến 10h sáng 28/9, mặc dù sức tàn phá của cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, song nhờ sự chuẩn bị ứng phó quyết liệt, khẩn trương, căn bản nên thiệt hại bước đầu đến nay đã được giảm thiểu ở mức tối đa.

Tính đến 10 giờ ngày 28/9, có 4 người bị thương ở Quảng Trị, sập 3 nhà (Quảng Trị: 2, Thừa Thiên Huế: 1), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà), chìm 3 ghe nhỏ (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 1). Có 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4.369, Đà Nẵng: 3.340, Quảng Ngãi: 1.718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 9 xã, Gia Lai: 6 xã).

Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163). Ngoài ra, tại Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam) bị đổ 1 trụ antenna; 2 đồn biên phòng ở Quảng Nam bị hư hỏng... Gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần khẩn trương đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày mai.

"Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, gửi ngay về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ sau bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với diễn biến thực tế, không để bị động, bất ngờ, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác vì những năm gần đây bão không gây thiệt hại về người nhưng mưa lũ sau bão thì luôn có người bị thiệt mạng. 

Trước mắt, các địa phương sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để chủ động xử lý, khắc phục các thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ gạo và kinh phí cho các địa phương.

Bão số 4 suy yếu, nguy cơ lũ quét cao tại 10 tỉnh thành

Chiều nay (28/9), áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 4) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Hồi 13 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tan dần.

Thủ tướng: “Không để dân đói, dân rét, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão” - Ảnh 2
Áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 4) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Cảnh báo mưa lớn: từ chiều ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi trong bản tin dự báo mưa lớn tiếp theo.

Dự báo trong 6 giờ tới, một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 50-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc đối với hàng chục huyện tại 10 tỉnh, thành (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum).

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa, có 7 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao gồm: Lang Chánh, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn.

Tỉnh Nghệ An, 7 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao gồm: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Thanh Chương, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO, 3 huyện nguy cơ cao gồm: Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ.

Tỉnh Quảng Bình, huyện Minh Hóa nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO, 2 huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch nguy cơ cao.

Tỉnh Quảng Trị, 2 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO gồm: Hướng Hóa, Đăk Rông, 4 huyện nguy cơ cao gồm: Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Vĩnh Linh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế, 4 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO gồm: Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc; 2 huyện thị nguy cơ cao gồm: Hương Thủy và TX Hương Trà.

TP.Đà Nẵng, huyện Hòa Vang nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO; quận Sơn Trà nguy cơ cao.

Tỉnh Quảng Nam, 13 huyện nguy cơ lũ quét, sạt  lở đất RẤT CAO gồm: Núi Thành, Thăng Bình, Nông Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang, Phú Ninh, Đông Giang; 3 huyện nguy cơ cao gồm: Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên.

Tỉnh Quảng Ngãi, huyện Trà Bồng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO; 5 huyện nguy cơ cao gồm: Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà.

Tỉnh Kon Tum, 4 huyện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất RẤT CAO gồm: Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi; 3 huyện nguy cơ cao gồm: Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Hà.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: “Không để dân đói, dân rét, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới