Thứ bảy, 23/11/2024 15:05 (GMT+7)
Thứ ba, 05/03/2024 06:00 (GMT+7)

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản cũng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường

LỜI TÒA SOẠN

Sở hữu trên 5.000 điểm mỏ với hơn 60 loại khoáng sản khác nhau, Việt Nam thuộc loại các quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng. Trong đó có những loại có trữ lượng lớn như: bô xít, apatit, titan, than, đất hiếm và granit, cả một loại có giá trị cao như vàng. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi xi măng, khoảng 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt…..

Tài nguyên khoáng sản cũng đang là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, quản lý khoáng sản cũng đã nảy sinh ra nhiều bất cập khiến việc khai thác khoáng sản sai phép, trái phép diễn ra khá phổ biến làm phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường…ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Vấn đề này cũng đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước tài nguyên khoáng sản. Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế, thiếu sót cần khắc phục trong công tác quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản. Và để có thể đưa ra các kiến nghị có giá trị thực tiễn, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài “Thấy gì từ lỗ hổng trong khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản?” làm rõ thêm về vấn đề này.

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1) - Ảnh 1

Không thể phủ nhận, trong những năm qua, công tác điều tra cơ bản địa chất cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản đã được đẩy mạnh. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập rất cần được khắc phục nhằm đảm bảo những lợi ích chung của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1) - Ảnh 2

Có thể nói, việc khai thác khoáng sản bừa bãi không theo quy hoạch trong thời gian dài đã khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước bị hủy hoại, nó cũng đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Sự lãng phí tài nguyên trong hoạt động khai thác cộng với sự yếu kém trong công tác quản lý, cùng những kẽ hở trong cơ chế giám sát là lý do khiến nguồn ngân sách Nhà nước bị thất thu lớn. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện tổn thất tài nguyên và nguồn thu ngân sách mà hệ lụy từ việc khai thác khoáng sản tràn lan đã để lại hậu quả tiêu cực về môi trường là điều đáng lo ngại nhất, và để có thể khắc phục, sẽ phải mất một nguồn kinh phí vô cùng lớn và trong một thời gian có thể là rất dài thì mới mong khắc phục được một phần hậu quả.

Một bất cập khác trong khâu quản lý là tình trạng doanh nghiệp cố tình khai thác sau khi hết thời hạn được cấp phép. Liên quan ở đây là mức xử phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ so với nguồn lợi thu được khi vi phạm, nên có tình trạng doanh nghiệp cố tình làm ngơ. Trong những trường hợp này, không thể xem nhẹ nguyên nhân về sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát của  cơ quan quản lý theo chức năng và địa bàn được giao; cũng có nguyên nhân về việc lực lượng chuyên ngành không đủ, bị dàn mỏng nên khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1) - Ảnh 3

Ngay cả việc quản lý trữ lượng, khối lượng khai thác khoáng sản cũng chỉ mới dừng lại ở việc dựa vào bản kê khai của doanh nghiệp được cấp phép, Nhà nước chưa có biện pháp quản lý tốt khâu xác định trữ lượng, khối lượng khai thác được; chưa quy định rõ ràng về định giá khoáng sản, định giá mỏ, chưa có công cụ tài chính phù hợp để quản lý giá trị khoáng sản nói chung và quản lý đấu giá khoáng sản nói riêng.

Kết quả được công bố của Kiểm toán Nhà nước trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước tài nguyên khoáng sản cho thấy, không ít doanh nghiệp đã khai thác vượt mức cho phép vài chục cho đến cả trăm phần trăm; thậm chí có doanh nghiệp còn khai thác gấp cả trăm lần mức được giao. Như vậy, khi trữ lượng bị khai thác trái phép gấp hàng trăm lần lượng cho phép, điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp trốn được tiền cấp quyền khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường… nguồn siêu lợi nhuận lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi Nhà nước lại chịu thất thu lớn trong lĩnh vực này.

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1) - Ảnh 4

Trong các cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ thực trạng các Bộ, ngành, địa phương còn thiếu sự đồng bộ và tồn tại nhiều hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, dẫn đến sự lãng phí, thiếu hợp lý và khiến cho nguồn tài nguyên đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt. Các phát hiện qua hoạt động kiểm toán đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế, thiếu sót cần khắc phục và đưa ra các kiến nghị có giá trị thực tiễn cao.

Nổi cộm, một số địa phương chậm triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hoặc không công khai tên tổ chức, loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản....

Đơn cử, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Kế hoạch Đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 67 điểm mỏ chủ yếu là đá vôi, cát sỏi làm vật liệu xây dựng (trong giai đoạn 2017-2021) nhưng tỉnh lại chưa thực hiện đấu giá.

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1) - Ảnh 5

Hay, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã theo dõi, tổng hợp không đầy đủ công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở các tỉnh. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị cần thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, rà soát ra thông báo hàng năm (giai đoạn 2018-2022) đối với 2 mỏ đồng Sin Quyền và Vi Kẽm (tỉnh Lào Cai).

Kiểm toán Nhà nước phát hiện 3 tỉnh (Bình Phước, Phú Thọ, Bắc Kạn) đã xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng khai thác. Tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang ban hành văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và gửi cơ quan Thuế chậm. Tỉnh Thái Bình ban hành văn bản tạm dừng việc nộp tiền cấp quyền không đúng đối tượng và có địa phương chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý đối với số nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đến ngày 31/12/2021, số nợ được Kiểm toán Nhà nước xác định lên tới 957 tỷ đồng).

Với những bất cập này, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết đã kiến nghị Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra xác định, làm rõ cơ sở tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với một số Quyết định để đảm bảo thu đúng, đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1) - Ảnh 6

Đánh giá về công tác quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tỉnh Bắc Kạn không ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định; các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Bình Định đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa phù hợp.

Còn tại tỉnh Yên Bái, tỉnh này quy hoạch thiếu nội dung "Đánh giá môi trường chiến lược theo từng giai đoạn”. Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ, Bình Định không thực hiện lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, không làm rõ các ý kiến, đề nghị của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường trước khi ban hành Quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Bình Định, địa phương này chưa dự báo được nhu cầu đất san lấp phục vụ cho các công trình trọng điểm. Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước phát hiện diện tích cấp giấy phép khai thác khoáng sản đến năm 2020 tại tỉnh Thái Nguyên vượt Nghị quyết của Chính phủ. Chưa hết, quy hoạch, cấp phép đất san lấp tại tỉnh còn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1) - Ảnh 7

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc thực hiện cấp phép thăm dò, khai thác của một số địa phương chưa đảm bảo quy định của Luật Khoáng sản; hồ sơ cấp phép chuyển nhượng chưa đảm bảo quy định; Sở Tài nguyên Môi trường chưa yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản bổ sung, chỉnh sửa, làm rõ các nội dung trong thiết kế cơ sở dự án khai thác khoáng sản theo yêu cầu tại các Báo cáo thẩm định của Sở Xây dựng trước khi trình phê duyệt đối với 09 dự án khai thác khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, trong giai đoạn 2017-2020, Tổng cục Môi trường mới thực hiện xác nhận 23 dự án hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trên tổng số 160 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tại 4 địa phương có tình trạng dự án đã đi vào khai thác nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên Môi trường cần chỉ đạo Tổng cục Môi trường thường xuyên rà soát, đôn đốc các dự án khai thác khoáng sản thuộc trường hợp cấp giấy phép môi trường hoàn thiện các thủ tục để cấp phép theo quy định; tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các dự án không có giấy phép môi trường.

Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1) - Ảnh 8

Đánh giá về công tác quản lý sau cấp phép, đối với giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số đơn vị được cấp phép thăm dò không nộp hoặc chậm nộp báo cáo định kỳ. Cụ thể, ghi nhận 71 giấy phép khai thác khoáng sản chậm nộp và 7 giấy phép khai thác khoáng sản không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản; Có 24 giấy phép không nộp và 58 giấy phép nộp chậm báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác.

Theo Kiểm toán Nhà nước, có 16 đơn vị với 17 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác, trong đó có 13 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác trên 15%, cá biệt có 5 giấy phép mà sản lượng khai thác vượt công suất khai thác tới trên 100%.

Trước những bất cập này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương thực hiện xử lý theo quy định đối với các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng không nộp, nộp chậm báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác. Đặc biệt là xử lý các đơn vị khai thác vượt công suất.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước dẫn ra con số 145 mỏ đã hết hạn giấy phép nhưng đơn vị chưa hoàn thành các thủ tục thực hiện đóng cửa mỏ… Thêm vào đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chưa xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước xác định đến hết năm 2021, có 6/11 địa phương được kiểm toán chưa thực hiện khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và 8 địa phương đã phê duyệt (trước thời điểm Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực) nhưng chưa làm thủ tục phê duyệt lại và nhiều địa phương chậm thực hiện công tác này.

Thực tế, tình trạng địa phương được kiểm toán chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Điều này thể hiện rõ qua việc địa phương chưa ban hành hoặc chậm ban hành, ban hành không đầy đủ các quy định của địa phương về việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và chưa tổ chức thực hiện việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Nội dung:  Hà Lan

Thiết kế:  Hải An

Bạn đang đọc bài viết Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới