Thanh Hóa: Xử lý cán bộ, người đứng đầu bao che, tiếp tay cho khai thác khoáng sản trái phép
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Văn bản số 18702/UBND-CN ngày 11/12/2023 về việc tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.
Văn bản nói trên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang ký, gửi các sở: Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Nội dung văn bản nêu rõ: Thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT về hoạt động khai thác khoáng sản, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông). Nhờ đó các ngành, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số địa phương vẫn còn xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực; việc quản lý, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời; công tác thống kê sản lượng khoáng sản đã khai thác còn bất cập, có tình trạng tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, kê khai không trung thực sản lượng khoáng sản thực tế… vấn đề này đã được cơ quan chức năng phát hiện, chỉ ra và được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, UBND tỉnh cũng đã tạm dừng hoạt động khai thác đối với một số mỏ, bãi tập kết cát.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, đảm bảo cung cấp nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung: Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật khoáng sản số 60/2010/QH12; Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật khoáng sản…
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định trong hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi lòng sông. Cụ thể, kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi, mua - bán tại bến bãi; căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản có liên quan, để hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/2/2024. Tổng hợp rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông; kiến nghị các biện pháp quản lý 3 tiếp theo, báo cáo về Bộ TN&MT (qua Cục Khoáng sản Việt Nam) và UBND tỉnh trước ngày 15/2/2024.
Kiểm tra, giám sát việc thống kê, kiểm kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo hướng dẫn của Bộ TN&MT và các quy định có liên quan. Rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác để yêu cầu đóng cửa mỏ và cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; trường hợp cố tình chậm chễ thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất những nội dung vượt thẩm quyền với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/1/2024. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh bố trí điều phối sản lượng khoáng sản khai thác cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nội dung khác có liên quan.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở bờ, bãi sông; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan (đặc biệt trên các tuyến Sông Mã và Sông Chu); đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản liên quan đến đê điều, bờ bãi sông, tiêu, thoát lũ theo quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan kiểm tra việc tổ chức khai thác tại các khu vực mỏ được cấp phép đảm bảo theo thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản có liên quan.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi đảm bảo theo đúng quy định.
Công an tỉnh thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, công tác nghiệp vụ để khoanh vùng, phòng ngừa, đấu tranh với các điểm phức tạp về khai thác khoáng sản; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, trọng tâm là: khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; hoạt động vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, các phương tiện bơm hút cát, sỏi không có đăng ký, đăng kiểm...; lập kế hoạch, phương án đấu tranh đối với vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; thông báo cho chính quyền địa phương biết khi phát hiện và xử lý đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án giám sát thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoảng sản trên địa bàn tỉnh và các văn bản khác có liên quan.
Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra về việc yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản được sử dụng trong các công trình, dự án.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chỉ đạo của UBND. Kiểm tra, giám sát về thời gian được phép khai thác, việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động/cam kết bảo vệ môi trường của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến sạt lở bờ, bãi sông (đặc biệt trên các tuyến Sông Mã và Sông Chu) và phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để có biện pháp khắc phục tạm thời (nếu có) đảm bảo theo quy định và báo cáo về Sở NN&PTNT để xem xét, tổng hợp, tham mưu, đề xuất giải quyết theo quy định.
Kiên quyết xử lý và công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép trên địa bàn quản lý; đề xuất với cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật…
Đình Đông