Kỳ cuối: Chảy máu khoáng sản: Mạnh tay trong xử lý!
Hoạt động khai thác khoáng sản nếu không được cấp phép sẽ để lại hậu quả nặng nề về môi trường. Vậy làm thế nào để hạn chế tiến tới chấm dứt nạn “khoáng tặc” hiện nay?
Cần xử lý hình sự các hành vi khai thác khoáng sản trái phép
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép từ lâu đã trở thành vấn nạn ở nhiều địa phương từ Bắc tới Nam trên cả nước, khiến cho môi trường bị ảnh hưởng, thất thoát tài nguyên. Đã có nhiều giải pháp được các địa phương thực hiện, tuy nhiên tại một số nơi vẫn còn tái diễn tình trạng vi phạm.
Thiếu tá Hà Xuân Duy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho rằng, xây dựng dữ liệu về xử lý hành chính trong toàn quốc để làm căn cứ, trong đó có lực lượng công an xử lý hình sự rất là quan trọng. Và hiện nay Bộ Công an đang chỉ đạo các ngành trong đó có lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường xây dựng dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức để làm căn cứ xử lý.
Muốn xử lý hình sự được các vụ khai thác khoáng sản trái phép thì cơ quan điều tra phải xác định được khoáng sản đó là gì, khối lượng bao nhiêu. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không được ra các quyết định tố tụng như giám định, ra quyết định định giá tài sản. Vì vậy nó là một khó khăn cho lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường làm căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT), mốc giới trong khai thác khoáng sản hơi phức tạp, nó không giống như mốc giới các thửa đất của gia đình. Diện tích cấp phép thông thường cho 1 dự án một vài ha là rất ít, mà lên đến vài chục đến vài trăm ha. Sự nhận biết của người dân đối với các điểm mốc là rất khó khăn.
Ngoài ra, giữa các điểm mốc với nhau cũng có khoảng cách xa đó cũng là khó khăn để người dân phát hiện được cái doanh nghiệp đó, tại thời điểm đó khai thác ở trong hay ngoài ranh giới. Lần đầu tiên thì xử phạt tiền, nhưng sau đó chúng ta phải có biện pháp kiểm tra lại và phải có sự phố hợp với các cơ quan chức năng như công an để xác định mức độ vi phạm nào để xử lý. Cần phải có một chế tài chặt chẽ hơn và phải quyết liệt hơn để ngăn chặn chứ không thể chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính.
Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, chúng ta đã có các luật để quản lý hoạt động khai thác khoáng sản và xử lý các hành vi vi phạm phạm về khai thác khoáng sản. Cơ quan chức năng trong những năm qua đã xử lý hàng nghìn vụ, nhiều cá nhân và tổ chức đã bị xử lý về mặt hành chính cũng như hình sự.
Tuy nhiên TS. Lê Ái Thụ (thành viên Liên minh Khoáng sản) nhìn nhận, từ Luật Khoáng sản đến các văn bản dưới luật chưa thực sự đồng bộ với nhau. Ví dụ Luật Khoáng sản 2010, tại Điều 10 có quy định về quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản chung của cả nước.
Khi xây dựng quy định này cơ quan soạn thảo cũng nghiên cứu kỹ để làm sao sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản. Nhưng đến khi triển khai vào thực tế và ngay cả các Nghị định của Chính phủ cũng không có hay triển khai 1 chút nào về quy hoạch khai thác khoáng sản trên cả nước.
Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương
Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau từng chia sẻ, việc khai thác cát quá hạn ngạch, khai thác trái phép xuất phát từ thực tế, từ nguyên nhân trong khoảng 2 năm gần đây.
Nguồn lợi, giá cả vật liệu xây dựng, trong đó có cát đang tăng cao, trong khi đó nguồn nguyên liệu thay thế cho cát xây dựng chưa đáp ứng được. Cùng với đó do lợi nhuận mang lại từ việc khai thác cát rất cao, lợi nhuận tốt nên việc khai thác cát trái phép, không phép, nhiều vấn đề hệ luỵ của nó vẫn diễn ra ở nhiều nơi, ở nhiều địa phương trong cả nước.
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước của chúng ta có nơi có lúc còn chưa đủ lớn, không chặt chẽ, lỏng lẻo, ở đâu đó vẫn có những hạn chế, tiêu cực như tôi nói dẫn đến việc khai thác trái phép cát thời gian qua vẫn còn nóng.
Đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong câu chuyện chảy máu khoáng sản, Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang cho rằng, cần phải làm rõ vai trò quản lý của chính quyền địa phương, đứng đầu là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở để thực hiện đồng bộ và thực hiện nghiêm. Có như vậy, mới mong giảm thiểu và thực sự chấm dứt tình trạng này.
Đại biểu Giang đề nghị cần tăng xử lý vi phạm, thậm chí là đến mức phải xử lý hình sự, phải mạnh dạn và tăng cường kiểm tra các địa phương; Có một cuộc tổng kiểm tra về các hạn ngạch và cấp phép cho các loại hình khai thác này; Yêu cầu các địa phương phải nhìn nhận được việc khai thác đó sẽ làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn tài nguyên.
Về vấn đề phối hợp liên tỉnh, các tỉnh với nhau, việc khai thác này cũng cần phải tính tới, có địa phương có nguồn lợi đó nhưng khi sai phạm bắt giữ ở tính đó thì họ lại chạy sang tỉnh khác. Và vô hình chung việc đó không có đồng bộ, không có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước, làm cho quản lý của chúng ta yếu đi.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, việc khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cụ thể không kiểm soát được phương án cải tạo phục hồi môi trường, mất an toàn vệ sinh lao động và gây thất thu ngân sách nhà nước. Qua các hoạt động giám sát, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường đã chỉ ra một loạt bất cập như một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp, chưa thống nhất đồng bộ với pháp luật hiên hành về đầu tư, về đấu giá tài sản, về đất đai môi trường.
Xuân Hòa - Hà Nam