Thứ tư, 24/04/2024 04:01 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/12/2022 17:36 (GMT+7)

Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật”

Theo dõi KTMT trên

Ngày 23/12, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (VUSTA) và Mạng lưới bảo tồn nguồn nước tổ chức hội nghị Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm thông tin – Hội nghị tỉnh Hưng Yên. Hội nghị do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA; Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON); bà Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên đồng chủ trì.

Cùng tham dự hội nghị có các ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Đại Thắng, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên; lãnh đạo Ban Công tác đại biểu; đại biểu Quốc hội khóa XV; đại biểu HĐND các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Sơn La,…; đại diện Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam…

Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật” - Ảnh 1
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cùng với đó, hội nghị còn có sự góp mặt của ông Nguyễn Phương Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật” - Ảnh 2
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Do vậy, Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế…

Điều đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện. Hội nghị nhằm cung cấp, cập nhật những kiến thức, thông tin về tài nguyên nước và các nội dung chính sách được đề xuất trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi. 

Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật” - Ảnh 3
Toàn cảnh Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật” được tổ chức tại Trung tâm thông tin – Hội nghị tỉnh Hưng Yên ngày 23/12.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định: Những vấn đề được thông tin, trao đổi, thảo luận tại hội nghị là những vấn đề rất thiết thực đặt ra từ thực tiễn, cần được luật hóa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ thực hiện. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng với mục đích tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế…

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trương Mạnh Tiến Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA, Chủ tịch VIWACON cho rằng, tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, với 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và trong điều kiện biến đổi khi hậu ngày càng bất thường như hiện nay, chất lượng tài nguyên nước đang có dấu hiệu suy giảm đã đặt ra nhiều thách thức lớn. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2022-2023 là sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 cho phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước cho Việt Nam.

Cũng theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ chú trọng vào việc hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế và vướng mắc đang tồn tại của Luật Tài nguyên nước 2012 và tích hợp một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý và bảo vệ nguồn nước. Những điểm mới trong việc xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi bao gồm đảm bảo an ninh nguồn nước. Coi tài nguyên nước là tài sản cộng và quản trị trên nền tảng công nghệ số, coi sản phẩm nước là hàng hóa và cần phát triển kinh tế nước, góp phần vào việc quản lý tài nguyên nước một cách thống nhất, toàn diện và phù hợp với thực tiễn.

Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật” - Ảnh 4
Bà Trần Thị Tuyết Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên phát biểu tại hội nghị.

Trình bày tổng quan thực trạng các chế định liên quan đến tài nguyên nước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau gần 10 năm thi hành, tuy nhiên, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan, cần phải bổ sung nhu quy định.

Cụ thể, các quy định còn bất cập trong các nội dung liên quan đến vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước); quy hoạch tài nguyên nước; cấp giấy phép tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ các dòng sông, tầng chứa nước, quản trị nước thông minh, chuyển đổi số, dự báo nguồn nước phục vụ điều hòa phân bổ tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Ngoài ra, thể chế, chính sách hiện nay chưa được tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Điều này gây chồng chéo trong quản lý, phân định thẩm quyền, trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nguồn nước, quản lý hoạt động khai thác, quản lý hệ thống cấp nước, xử lý nước thải,...

Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật” - Ảnh 5
Hội nghị do ông Nguyễn Tuấn Anh, PGS.TS Trương Mạnh Tiến và bà Trần Thị Tuyến Hương đồng chủ trì.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng cho biết, các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương như: Quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản,... chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, nhất là còn sự giao thoa, chưa làm rõ được đối tượng quản lý về nguồn nước và công trình thủy lợi giữa lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi.

Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật” - Ảnh 6
Ông Ngô Mạnh Hà - Phó Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận tại hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu được thông tin về: Thực trạng các chế định liên quan đến quản lý tài nguyên nước; vấn đề bảo đảm an ninh tài nguyên nước; đánh giá chế định tính giá trong chính sách tài chính về tài nguyên nước; kinh nghiệm quốc tế trong phục hồi các dòng sông chết… Đồng thời, các đại biểu trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan, đặc biệt là nội dung trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp sắp tới…

Phát biểu kết thúc hội nghị, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cảm ơn sự tham dự của các đại biểu đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm và sâu sắc của các đại biểu. Các ý kiến tại Hội nghị đã cung cấp, cập nhật thông tin, kiến thức về tài nguyên nước và các nội dung chính sách được đề xuất trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ban soạn thảo sẽ tổng hợp các ý kiến này để đóng góp góp ý hiệu quả cho Dự thảo Luật Tài nguyên nước 2012 (sửa đổi) tại chương trình họp của Quốc hội năm 2023.

Thùy Dung - Thế Anh

Bạn đang đọc bài viết Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tạp chí Kinh tế Môi trường tuyển dụng năm 2024
Để phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn, tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường tuyển dụng các nhân sự cho vị trí Thư ký tòa soạn, Phóng viên, Biên tập viên hành chính làm việc tại Hà Nội, TP.HCM và Khu vực Đông Bắc Bộ.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.