Thứ sáu, 29/03/2024 13:22 (GMT+7)
Thứ năm, 31/03/2022 17:00 (GMT+7)

Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên nước: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Theo đề nghị của Thứ trưởng Lê Công Thành, cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước trình Chính phủ phê duyệt để Nghị định đi vào cuộc sống, góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Nguy cơ suy giảm nghiêm trọng

Cũng như nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 2.830 m3/người/năm, thiếu so tiêu chuẩn thế giới là 4.000 m3/người/năm.

Và nếu không có những chính sách hữu hiệu trong vòng 50 năm nữa, Việt Nam sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng, ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác.

Bên cạnh tình trạng nguồn nước ở nhiều nơi suy giảm, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, nước biển dâng, triều cường, sạt lở bờ biển,... ngày càng trầm trọng. Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tăng dân số, làm phát sinh những mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và đang đứng trước nguy cơ suy thoái, cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu và gia tăng khai thác, sử dụng nước ở quốc gia ở thượng nguồn. Cụ thể:

Thứ nhất, tài nguyên nước Việt Nam phụ thuộc mạnh mẽ vào các nguồn nước quốc tế và đang đứng trước thách thức về an ninh nguồn nước do các quốc gia thượng nguồn tăng cường khai thác nguồn nước. Trong bối cảnh các nước ở thượng lưu đang tăng cường xây dựng các công trình thủy điện, chuyển nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước, chắc chắn nguồn nước chảy về Việt Nam sẽ ngày càng suy giảm và Việt Nam sẽ không chủ động, phụ thuộc vào các nước ở thượng lưu.

Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên nước: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1
Tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn do tác động của biến đổi khí hậu, quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên nước trong khi hiệu quả sử dụng nước còn thấp. Việc khai thác nước dưới đất thiếu quy hoạch, khai thác quá mức là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún nền đất cục bộ ở một số đô thị như Hà Nội, TP.HCM và một số khu vực vùng ĐBSCL.

Thứ tư, nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm, suy thoái, khan hiếm, cạn kiệt. Nguồn nước mặt ở nhiều khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng, như lưu vực sông Nhuệ Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai - Sài Gòn. Nhiễm bẩn, ô nhiễm nguồn nước dưới đất từ ô nhiễm nước mặt, ô nhiễm đất: nhiễm mặn, cạn kiệt nguồn nước dưới đất do khai thác có xu hướng gia tăng nhất là tại các khu vực đô thị, khu dân cư, làng nghề, ven biển của đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, ven biển miền Trung.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu gia tăng đang gây ra những tác động sâu sắc đến tài nguyên nước. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, có khả năng tác động mạnh lên tài nguyên nước và làm cho những vấn đề vốn rất nghiêm trọng nêu trên đây càng nghiêm trọng hơn, nhiều vấn đề về tài nguyên nước hiện chỉ tiềm ẩn ở dạng các nguy cơ thì có thể trở thành hiện thực.

Bất cập trong quản lý

Hiện nay, việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đang phải chịu nhiều sức ép lớn khi nhu cầu về nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gia tăng, trong khi nguồn nước đang tiếp tục suy giảm về số lượng và chất lượng do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp khiến nhiều vùng sông ngòi, đầm, ao, hồ bị san lấp, nguồn nước bị ô nhiễm… Từ đó đặt ra nhiều thách thức về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ đời sống xã hội.

Nhu cầu nước của các ngành gia tăng, trong điều kiện nguồn nước chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi do tác động khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn và biến đổi khí hậu, khiến mâu thuẫn khai thác, sử dụng nước của các ngành càng căng thẳng. Mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng đã và đang xảy ra giữa các địa phương trong lưu vực, trong cả mùa mưa cũng như mùa khô, đang là một trong những vấn đề và thách thức nổi cộm của nhiều lưu vực sông, không chỉ với những lưu vực sông đang chịu áp lực căng thẳng về nguồn nước như lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Đồng Nai, Srê pốk mà còn cả với những lưu vực sông nằm ngoài nhóm bị áp lực căng thẳng nguồn nước như lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Cửu Long.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, thiếu cơ chế chính sách thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân.

Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên nước: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 2
Nhiều thách thức về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ đời sống xã hội tại Việt Nam.

Đầu tư và tài chính ngành nước thời gian qua tuy được quan tâm nhưng vẫn đang thiếu so với nhu cầu; việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước và bố trí nguồn lực còn chưa tương xứng và mất cân đối giữa các ngành. Đặc biệt, đầu tư kinh phí cho các hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu để phục vụ công tác quản lý cũng như để triển khai, thực thi các quy định của pháp Luật Tài nguyên nước.

Mặt khác, công tác quản lý tài nguyên nước được phân cấp tương đối mạnh cho địa phương, tuy nhiên năng lực quản lý tài nguyên nước ở các cấp được phân quyền còn khá yếu. Bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương còn nhiều bất cập, cho đến nay hầu hết tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên nước ở cấp tỉnh cũng như cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. 

Tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện pháp luật

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên nước phục vụ thiết yếu cho cuộc sống của con người và góp phần đắc lực trong thực hiện mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững nên nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn nước được ban hành và triển khai hiệu quả.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã làm việc trực tuyến với các đơn vị quản lý tài nguyên nước để nghe báo cáo tình hình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh cho biết, qua tổng hợp các báo cáo của Bộ ngành, địa phương và trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực thi Nghị định 201, cần đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong Nghị định, trong đó, nội dung các biểu mẫu, báo cáo trong Thông tư số 27/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước để bảo đảm phù hợp với hiện trạng khai thác, sử dụng nước của các đối tượng, nhất là các công trình thủy lợi.

Trên cơ sở xây dựng dự thảo Nghị định, Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước chú trọng sửa đổi nội dung sửa đổi đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian về cấp phép tài nguyên nước. Quản lý Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn, phải minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên nước.

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan để nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định sớm trình Bộ để trình Chính phủ phê duyệt để Nghị định đi vào cuộc sống góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên nước: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 3
Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong khoảng 30 năm gần đây, tài nguyên nước của Việt nam đang đối mặt với vấn đề thiếu nước so với thế giới. Các số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy nguồn tài nguyên này đang rất thiếu và chịu ảnh hưởng bởi bên ngoài rất nhiều, có đến 63% trữ lượng nguồn nước là nước ngoại sinh.

Dưới áp lực kinh tế - xã hội, dân số tăng, ô nhiễm nguồn nước tại các đô thị, khu công nghiệp, lượng nước thiếu so với nhu cầu khoảng 20-30%. Đến năm 2030 sẽ thiếu khoảng hơn 32%. Nhu cầu sử dụng nước trong 30 năm trở lại đây đã tăng lên gấp 3 lần.

Tác động của biến đổi khí hậu đến quá sớm, nước biển dâng, tỷ lệ che phủ rừng cũng giảm đi nhiều trong khi hệ thống quản trị nước còn nhiều bất cập. Chưa có sự thống nhất nên hiệu quả quản lý quản trị chưa cao.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên nước: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.