6 giải pháp thúc đẩy bảo đảm an ninh tài nguyên nước
Tài nguyên nước Việt Nam đang có xu thế suy thoái do khai thác và sử dụng thiếu bền vững. Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất dự thảo quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiềm năng lớn đối mặt với nhiều thách thức
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên. Trong đó có 697 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên tỉnh, 173 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên quốc gia và 38 hồ, đầm phá liên tỉnh; tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 844,4 tỷ m3.
Việt Nam cũng có tiềm năng khá lớn về nguồn nước dưới đất, tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ ước tính khoảng 91,5 tỷ m3/năm (nước nhạt khoảng 69,1 tỷ m3/năm, nước mặn khoảng 22,4 tỷ m3/năm).
Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 8.610 m3/người/năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh của Việt Nam thì tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280 m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.
Tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nước ngoài; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông; hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề về nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước, hệ lụy là tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang là mối đe dọa, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước thế giới, sự tác động của con người đã biến con sông Hồng ở nước ta thành “con sông nhân tạo. Ông cho biết: “Hệ thống lưu vực sông Hồng bằng 160 km2, nhưng phần trong lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 50%, nửa còn lại nằm ở bên Trung Quốc. Sông Hồng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam. Phải nói rằng trong thời gian gần đây tác động của con người đối với dòng chảy sông Hồng rất lớn. Có thể nói rằng, sông Hồng mang yếu tố nhân tạo rất lớn, không còn là sông thiên nhiên nữa. Các đập xây dựng trên sông Hồng không chỉ ở ta mà ở bên Trung Quốc họ cũng xây rất nhiều, khai thác cũng khá triệt để. Tôi đã đến thăm một số đập trên sông Hồng ở phía Trung Quốc, có những đập rất lớn như đập Mã Lập Đường, chỉ cách cửa khẩu Thanh Thủy của ta ở Hà Giang theo đường chim bay 30 – 40 km”.
6 giải pháp ưu tiên phục hồi nguồn nước
Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất dự thảo quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra 6 giải pháp gồm: Giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học – công nghệ và hợp tác quốc tế; giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức; giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch.
Trong đó nêu rõ sẽ ưu tiên công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Tăng cường các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với từng vùng, từng lưu vực sông nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo; thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất, bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Áp dụng các công nghệ tiên tiến để theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia, phát hiện những vấn đề bất thường về lưu lượng, mực nước, chất lượng của nguồn nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất dự thảo quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Cụ thể, đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước từ hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.
Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó khăn trong tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo; nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất sử dụng tài nguyên nước, đạt hiệu suất sử dụng nước tương đương các nước tiên tiến trong khu vực; đánh giá đúng giá trị kinh tế của nước trong các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội.
Nguyễn Linh