Thứ sáu, 29/03/2024 09:33 (GMT+7)
Thứ ba, 28/06/2022 16:08 (GMT+7)

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải mạnh mẽ

Theo dõi KTMT trên

Kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0”, mang lại lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp.

Ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022: Phát thải ròng bằng không – Từ cam kết đến hành động” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, đại diện các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn.

Góp mặt tại diễn đàn lần này, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh- Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cũng tham dự và bày tỏ nhiều đóng góp vào chương trình hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới Diễn đàn thông điệp về tinh thần đoàn kết, chung tay sẻ chia và cùng hành động trong giảm phát thải khí carbon hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng “0” như cách nhân loại đã cùng nhau ứng phó với đại dịch COVID-19; nhấn mạnh cơ chế hợp tác giữa các quốc gia cũng như với các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là trong chia sẻ kiến thức, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ...

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải mạnh mẽ - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc diễn đàn.

Thủ tướng đặt ra yêu cầu về hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời kêu gọi sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội, từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế, hay các sản phẩm được làm mới sau khi đã qua một chu trình sử dụng.

Thủ tướng mong muốn thông qua diễn đàn, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp cho xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và sớm có mô hình thành công về phát triển kinh tế tuần hoàn ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; để kinh tế tuần hoàn đóng góp vào mục tiêu Phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam và thế giới.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải mạnh mẽ - Ảnh 2
Tại sự kiện, các đại biểu cũng tham gia Lễ công bố Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay.

Vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong các chương trình nghị sự của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải mạnh mẽ - Ảnh 3
Toàn cảnh phiên khai mạc diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2022 ngày 28/6.

Việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ sớm được thúc đẩy tại Việt Nam.

Để sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường.

Quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.

Lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilong) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện,… theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải. Doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ, tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý, cần truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải mạnh mẽ - Ảnh 4
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá rất cao các sáng kiến để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của nhiều doanh nghiệp tham gia triển lãm tại sự kiện. 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau chia sẻ về các mô hình kinh tế tuần hoàn đã thành công trên thế giới, trong khu vực, từ đó xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam.

Diễn đàn là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Điều này rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bên cạnh phiên toàn thể, Diễn đàn bao gồm các phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: Thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; tài chính đổi mới và công nghệ xanh về kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe.

Tại Diễn đàn lần này, ban tổ chức đã giới thiệu gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về khái niệm, cách tiếp cận và các mô hình kinh tế tuần hoàn được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải mạnh mẽ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.