Thứ sáu, 22/11/2024 20:45 (GMT+7)
Thứ năm, 27/02/2020 07:54 (GMT+7)

Hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu

Theo dõi KTMT trên

Hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu là một trong những mục tiêu quan trọng trong bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật và các hệ sinh thái đặc thù trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Ngày 26/2, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có buổi làm việc với các sở ngành liên quan bàn các giải pháp hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu thuộc địa bàn hai huyện Phong Điền và Quảng Điền.

Theo ý kiến đến từ các đơn vị đều cho rằng, việc thành lập vùng tràm chim sông Ô Lâu là cần thiết, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước quan trọng của tỉnh, tăng cường các hoạt động bảo tồn khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai.

Hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu - Ảnh 1
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại buổi làm việc.

Vùng cửa sông Ô Lâu là khu vực đất ngập nước đặc trưng, nơi tiếp giáp giữa sông và đầm phá với nhiều cồn nổi, lạch sông, có cảnh quan đẹp và được đánh giá cao về đa dạng sinh học. Nơi đây là khu vực thích hợp cho các loài chim nước, đặc biệt là chim di cư kiếm ăn và dừng chân trú đông.

Theo đề xuất từ Sở Tài nguyên và Môi trường thì dự kiến diện tích quy hoạch tràm chim sẽ là 157,4 hecta thuộc 2 xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền và Điền Hòa, huyện Phong Điền.

Về định hướng phân vùng quy hoạch tràm chim sẽ có các phân khu: trồng các loại cây bản địa phù hợp tạo nơi trú đậu cho các loài chim; trồng phục hồi các loại thực vật bán ngập làm nơi kiếm ăn cho các loài chim nước; cánh đồng canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường để giảm tác động đến môi trường nước và các loại sinh vật cho các loài chim cư trú; trồng rừng ngập mặn tạo điểm nhấn cảnh quan và làm bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy hải sản; xây dựng hạ tầng du lịch...

Hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu - Ảnh 2
Hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu - Ảnh 3
Hệ rừng ngập mặn ở đầm phá Quảng Điền tạo thêm thổ nhưỡng cho các loài chim cư trú.

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu là một trong những mục tiêu quan trọng trong bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật và các hệ sinh thái đặc thù trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu phải vừa đảm bảo công tác bảo tồn và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh giao sở NN & PTNT chủ trì lập quy hoạch xây dựng tràm chim, lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực để xây dựng đề cương nhiệm vụ, báo cáo kinh tế, kỹ thuật và xây dựng đề án.

Hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu - Ảnh 4
Nhiều loại chim quý cần được bảo tồn, bên cạnh đó người dân cần nâng cao ý thức để không hủy diệt, săn bắn...

“Thừa Thiên Huế phải khai thác tốt những tiềm năng cũng như phát huy được giá trị của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, khẳng định hệ sinh thái đầm phá ven biển đặc thù, lớn nhất Đông Nam Á. Quá trình khai thác phải hướng đến việc bảo vệ và phục hồi các loài thủy sản quý hiếm, đặc trưng, có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế; duy trì các chức năng sinh thái của đầm phá ven biển; sử dụng bền vững các giá trị của Khu bảo tồn đất ngập nước; nâng cao nhận thức và kiến thức về môi trường của cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học sinh học, sinh thái học và bảo tồn”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Đại Nghĩa

Bạn đang đọc bài viết Hình thành tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới