Thứ bảy, 23/11/2024 03:49 (GMT+7)
Thứ ba, 13/04/2021 11:27 (GMT+7)

Hiểu đúng về kinh tế môi trường để tăng trách nhiệm của người dân

Theo dõi KTMT trên

Là người đầu tiên ở Việt Nam soạn thảo ra giáo trình môn Kinh tế Môi trường để đưa vào giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, GS.TS Hoàng Xuân Cơ có những chia sẻ khái quát về vấn đề kinh tế môi trường.

Hiểu đúng về kinh tế môi trường để tăng trách nhiệm của người dân - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Hiểu đúng về kinh tế môi trường 

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đầu tiên cần phải để mọi người nắm rõ hệ kinh tế, hệ môi trường. Kinh tế môi trường, là một môn học mới. Trong đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ là người đầu tiên soạn giáo trình môn kinh tế môi trường. Hiện nay nhiều trường đã sử dụng giáo trình này. Mục tiêu nắm rõ quan hệ giữa hệ kinh tế và hệ môi trường. 
Trong đó, hệ môi trường cung cấp tài nguyên cho hệ kinh tế và nó chứa đồng hóa chất thải cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề tài nguyên là vô hạn hay hữu hạn? Và làm sao để cung cấp tài nguyên cho phát triển kinh tế, làm thế nào để vừa phát triển vừa giữ lại được cho thế hệ sau?, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đặt vấn đề. 

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, đối với việc sử dụng tài nguyên, chúng ta cần có phương án cụ thể. Đối với tài nguyên tái tạo phải có phương án tận dụng, tài nguyên không tái tạo được phải nghiên cứu nguồn tài nguyên thay thế, để duy trì phát triển bền vững. Trong kinh tế môi trường, luôn có sự bổ trợ, về kinh tế luôn sử sụng những công cụ như: Thuế, phí, trợ giá…, sau đó áp dụng sang môi trường, để quản lý. Định lượng môi trường, kinh tế môi trường tạo ra các biện pháp tạo ra lợi ích về môi trường, tính ra được những con số chi tiết về môi trường thực tế, để có những phương án điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó đánh giá được sự hiệu quả của kinh tế môi trường.

Quan tâm đến lĩnh vực môi trường

Liên quan đến câu chuyện trong khoảng thời gian tưởng chừng trong lành nhưng tỉ lệ bụi mịn rất cao, nhất là tại các đô thị lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM. Vậy theo các chuyên gia, chúng ta cần phải có các giải pháp giảm bụi mịn như thế nào và phải chờ trong bao lâu? GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ, WTO khuyến cáo bụi mịn gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh. Hiện nay tỉ lệ bụi mịn đang ở mức rất cao. Hơn 20 năm nghiên cứu bụi mịn vẫn chưa tìm ra được câu trả lời hoàn chỉnh. Trong đó, bụi mịn chia thành sơ cấp và bụi mịn thứ cấp. Nguồn gốc phát sinh bụi mịn từ xe máy, công trình xây dựng... Tôi cho rằng, phải mất ít nhất khoảng 3 - 5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng hiện nay.

Cũng liên quan đến vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ từng bày tỏ quan ngại về vấn để xử lý ô nhiễm không khí tại Thủ đô. Theo ông, khi ô nhiễm lên đỉnh điểm, các cảnh báo đã được đưa đến người dân thông qua các số liệu. Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội vẫn phản ứng chậm chạp khi đứng trước tình hình này. “Chúng ta có đủ nguồn lực để làm tình hình trở nên khả quan hơn, nhưng hiện chưa có đơn vị nào dám đứng ra làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi chưa nhìn thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, tất cả nguồn lực từ ngân sách thành phố đến trí tuệ của các nhà khoa học để giải quyết tình hình chưa được sử dụng đúng mực. Qua dư luận và những con số, chúng ta đã nhận thức rõ tính cấp bách của vấn đề. Bởi vậy đã đến lúc, các nhà quản lý không thể thờ ơ với ô nhiễm không khí được nữa. GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, đúng là không khí Hà Nội xấu đi do ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết, nhưng đó không phải là toàn bộ nguyên nhân. Và nếu chỉ ngồi chờ trời mưa thì chúng ta đang thể hiện sự bất lực. "Khí hậu là thứ chúng ta không thể tác động được, nên phải nhìn vào những nguyên nhân khác để tìm giải pháp giảm thiểu", GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói.

Theo chuyên gia, có một giải pháp mà ai cũng biết, ai cũng nói nhưng chưa thấy ai làm đó làm hạn chế nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, công trình, hạ tầng đô thị... Đây chính là những nguyên nhân khiến không khí Hà Nội trở nên tồi tệ trong những ngày lặng gió bởi các chất độc hại tích tụ và không được khuếch tán. Thực tế, lãnh đạo thành phố đang đưa ra đề án xóa sổ than tổ ong trong năm 2020 và cấm xe máy trong năm 2030. Những đề án này hướng tới việc giải quyết tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trở nên xấu đi. "Nhưng nó không phù hợp với đa số những người lao động ở thành phố có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. Nên dù biết rất tốt cho môi trường, đây có thể không phải giải pháp dành cho mọi người", GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.

Hiểu đúng về kinh tế môi trường để tăng trách nhiệm của người dân - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, việc giảm thiểu rác thải nói thì rất dễ nhưng nếu nhìn rộng ra, đó là cả một bài toán lớn về quy hoạch, chính sách mà thành phố cần giải quyết. Trong lúc chưa tìm ra lời giải cho bài toán khó, thành phố cần lên tiếng trấn an và đưa ra những khuyến cáo cụ thể về tình trạng này để người dân chủ động phòng tránh thay vì im lặng. "Người dân có thể chờ đợi vài năm để chính quyền hành động cải thiện tình hình, nhưng điều quan trọng là các nhà quản lý cần thẳng thắn nhìn nhận và quyết liệt vào cuộc. Nếu không, vấn đề này sẽ còn tiếp diễn từ năm này sang năm khác, ngày một nghiêm trọng và kéo theo những hệ lụy khôn lường", GS.TS Hoàng Xuân Cơ cảnh báo.

Nghiên cứu sâu về chất lượng không khí, môi trường

GS.TS Hoàng Xuân Cơ đặc biệt quan tâm, theo sát và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chất lượng không khí, môi trường của đất nước. Bởi theo ông: Chất lượng không khí hiện nay chưa được quan tâm nghiên cứu thỏa đáng, các cơ quan quản lý chưa có đánh giá chính thống nên dư luận còn bức xúc. Vì vậy, GS.TS Hoàng Xuân Cơ hiện tập trung làm tư vấn cho các cơ quan để đưa ra những chính sách khả thi đánh giá đúng hiện trạng chất lượng không khí và tìm giải pháp hạn chế tác động có hại. Ông muốn nhắn nhủ với cộng đồng: Các phương tiện giao thông (xe ô tô, xe máy) góp phần làm suy giảm chất lượng không khí đô thị, vì vậy có thể nói chúng ta vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm gây ô nhiễm không khí. Chúng ta thực hành tiết kiệm trong mọi lĩnh vực của đời sống cũng sẽ góp phần bảo vệ môi trường. 

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Hiểu đúng về kinh tế môi trường để tăng trách nhiệm của người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới