Hậu Giang: Nguy cơ cháy rừng ở cấp độ nguy hiểm.
Các đơn vị tham gia bảo vệ rừng ở Hậu Giang đã trang bị nhiều máy bơm chuyên dụng và hàng trăm những dụng cụ khác sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.
Theo Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hậu Giang, bắt đầu từ ngày 6/3/2019, tỉnh Hậu Giang nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp I (cấp thấp: ít có khả năng cháy rừng) lên cấp III (cấp cao: thời tiết khô hanh kéo dài, dễ xảy ra cháy rừng) trên tất cả các khu rừng trong tỉnh. Nhưng chỉ sau 20 ngày, do tình hình thời tiết khô hanh kéo dài, nắng nóng gay gắt, tỉnh Hậu Giang đã nâng cấp báo động cháy rứng từ cấp III lên cấp IV (cấp nguy hiểm) và triển khai nhiều biện pháp cấp bách để phòng, chống cháy rừng.
Tỉnh Hậu Giang có gần 4.100ha rừng. Trong đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có diện tích hơn 2.000ha, với gần 1.116ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Hiện vùng đất gò trong các khu rừng đã khô cạn nước, lớp thực bì khá dầy từ 3-5 cm và phần dây leo trên cây cũng bắt đầu khô, chết. Mức độ khô năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua kết quả kiểm tra vật liệu cháy ở các khu rừng thuộc địa bàn huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và huyện Vị Thủy thì độ ẩm bình quân trên nền rừng hiện chỉ còn ở mức từ 15-20%.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Suốt 8 năm qua, tỉnh Hậu Giang không để xảy ra tình trạng cháy rừng. Trong mùa khô năm nay, công tác này cũng được địa phương đặt lên hàng đầu.
“Chúng tôi tập trung công tác tuyên truyền, bên cạnh đó thì chỉ đạo các chủ rừng thực hiện công tác khai thông dòng chảy của các kênh mương tích nước trữ khi mà khô thì đóng các cống yêu cầu tạm trữ nước để đảm nguồn nước, thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị liên quan đến công tác phòng cháy như máy bơm, ống dẫn, ghe, xuồng nhiên liệu, chuẩn bị tư thế sẵn sàng để phục vụ khi có sự cố xảy ra”, ông Tuyên cho biết thêm.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Nam Bộ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có nền nhiệt cao nhất cả nước, nhiệt độ vào giữa trưa ở mức 32°C – 34°C và có xu hướng tăng lên. Các chủ rừng và các địa phương có rừng cần tích cực tuyên truyền, vận động, cảnh báo người dân trong khu vực nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống cháy rừng; phổ biến quy định cấm vào rừng và các chế tài xử lý vi phạm. Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng huyện, xã và các chủ rừng tổ chức ứng trực cháy rừng theo quy định; phối hợp với địa phương tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng trái pháp luật và xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức ứng trực Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh, kiểm tra ứng trực của các Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng huyện, xã và chủ rừng, đảm bảo xuyên suốt kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; cập nhật thông tin qua hệ thống theo dõi các điểm cháy, xác định cấp độ cảnh báo cháy rừng theo từng thời điểm.
Vừa qua, UBND cũng vừa quyết định xuất kinh phí gần 500 triệu đồng cấp cho Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lắp đặt 2 hệ thống camera phục vụ giám sát việc phòng, chống cháy rừng.
Để phục vụ công tác chữa cháy rừng tại chỗ, các đơn vị tham gia bảo vệ rừng đã trang bị sẳn sàng 15 máy chữa cháy chuyên dùng. Cùng với đó Ủy ban nhân dân các xã cũng huy động hơn 70 máy bơm và hàng trăm dụng cụ khác sẵn sàng ứng cứu khi có xảy ra cháy rừng.
Trần Giang(T/h)