Hàng ngàn con voi ma mút sẽ hồi sinh và giải cứu Bắc Cực?
Các nhà khoa học muốn tạo ra hàng ngàn con voi ma mút lông cừu và đưa chúng trở lại sinh sống ở Bắc Cực. Sự hiện diện của một sinh vật khổng lồ ở khu vực này giúp ngăn chặn băng tan và giảm lượng phát thải CO2 đáng kể.
Tại sao voi ma mút tuyệt chủng?
Cho tới nay, người ta vẫn chưa thể giải thích dứt khoát tại sao voi ma mút bị tuyệt chủng. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, có thể do thời tiết nóng lên khoảng 12.000 năm trước đây, rồi sau đó các tảng băng tan ra và trôi ra biển khiến cho mặt biển dâng lên, mới là yếu tố chính. Rừng rú bị thay thế bởi đồng cỏ trong lục địa, môi trường sinh sống của voi ma mút cũng do dó mà bị thu hẹp lại.
Tuy nhiên, đấy chỉ là phỏng đoán bởi trong nhiều giai đoạn ấm đã xảy ra trong Kỷ Băng hà suốt nhiều triệu năm nhưng không gây ra tuyệt chủng cho loài sinh vật này. Do đó, chỉ khí hậu không đóng vai trò quyết định duy nhất cho sự tuyệt chủng của voi ma mút ở đây. Sự xuất hiện của những thợ săn thiện nghệ ở lục địa Á, Âu và Châu Mỹ vào khoảng thời gian sự tuyệt chủng xảy ra có thể đóng vai trò lớn lao khiến voi ma mút biến mất.
Voi ma mút tuyệt chủng do khí hậu thay đổi hay bị con người săn bắt quá độ vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Một giả thuyết cho rằng voi ma mút có thể bị mắc phải một chứng viêm vi trùng. Hay một giả thích họp lý cho sự tuyệt chủng của voi ma mút là do khí hậu kết hợp với bị con người săn bắt.
Con người đã từng bắt đầu tiêu thụ thịt voi ma mút khoảng 1,8 triệu năm trước đây. Có dấu hiệu ở Ucraina cho thấy, người con người dùng xương voi ma mút xây nhà. Theo khám phá của Viện Khoa học Sinh học tại Mỹ, xương voi ma mút chết nằm lại trên mặt đất và sau đó bị các con voi ma mút khác giẫm lên cũng mang những dấu vết tương tự như là bị người ta làm thịt.
Dự án hồi sinh voi ma mút vào năm 2025
Colossal, một start-up công nghệ sinh học mới đây cho biết họ đã huy động được 15 triệu USD cho dự án hồi sinh loài voi ma mút lông cừu từng sống ở vùng lãnh nguyên Bắc Cực.
Ben Lamm, giám đốc điều hành của Colossal cho biết: "Thông qua việc tái sinh các loài sinh vật đã tuyệt chủng, con người có thể tìm ra cách khai thác sức mạnh của công nghệ để xây dựng lại hệ sinh thái, chữa lành cho Trái Đất và bảo tồn tương lai của hành tinh".
Colossal ví dự án của mình như Chương trình Apollo của NASA trong thế giới sinh học. Nó không chỉ hoàn thành được mục tiêu vĩ đại là đặt chân lên mặt trăng, mà trong quá trình thực hiện mục tiêu đó, rất nhiều công nghệ hữu ích như GPS hoặc các nguyên tắc cơ bản của internet đã được ươm mầm.
Với việc hồi sinh lại được voi ma mút, Lamm hi vọng công ty của ông có thể phát triển được một bộ công cụ cho phép chỉnh sửa kiểu gen và kiểu hình sinh vật. Họ cũng sẽ tiên phong hoàn thiện các kỹ thuật mang thai hộ và tử cung nhân tạo. Dưới góc độ của một nhà kinh doanh, đó là những công nghệ được Lamm đánh giá là "vô cùng có giá trị và có thể kiếm được tiền từ đó".
Sự trở lại của voi ma mút sẽ giúp hồi sinh hệ sinh thái Bắc Cực
Bây giờ, bạn có thể nghĩ rằng những con voi ma mút không thể sống trong một thế giới đang ngày càng nóng lên như hiện nay. Nhưng mục đích của giáo sư Church và Colossal đặt ra khi hồi sinh voi ma mút, không phải là để nhốt chúng trong một "Công viên Kỷ Jura" và thu vé tham quan.
Thay vào đó, họ muốn tạo ra hàng đàn voi ma mút lông cừu và đưa chúng trở lại sinh sống ở Bắc Cực. Sự hiện diện của một sinh vật khổng lồ ở khu vực này vô cùng có ý nghĩa.
Giáo sư Church cho biết, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta ngày nay là sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực.
Băng tan chảy đồng nghĩa với sự kiện giải phóng một lượng lớn khí nhà kính mà chúng đang lưu trữ trong suốt hàng triệu năm. Quá trình này đang được thúc đẩy bởi các loài thực vật xuất hiện sau khi voi ma mút lông cừu biến mất khỏi Bắc Cực.
Bởi vậy, ông đang đặt cược vào ý tưởng hồi sinh một quần thể voi ma mút và thả chúng trở lại Bắc Cực. Những đàn voi này sau đó sẽ băm nát các bụi cây cho phép các đồng cỏ nguyên thủy của lãnh nguyên phát triển trở lại. Hệ sinh thái đó được duy trì bởi các sinh vật khổng lồ, sau đó sẽ cô lập carbon một cách hiệu quả thay vì cho phép khí nhà kính quay trở lại bầu khí quyển như hiện nay.
"Thảo nguyên ma mút từng là hệ sinh thái lớn nhất thế giới - trải dài từ Pháp đến Canada và từ Bắc Cực đến Trung Quốc. Đây là nơi sinh sống của hàng triệu loài động vật ăn cỏ lớn. Quá trình thiết lập lại một hệ sinh thái đồng cỏ sẽ giúp tạo ra một chu trình ngăn chặn sự tan băng và giải phóng các khí nhà kính được lưu trữ trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực", Colossal cho biết.
Ngoài ra, Colossal cũng sẽ nhắm đến việc hồi sinh và bảo tồn cả các loài sinh vật khác như tê giác Sumatra và Quỷ Tasmania. "Chúng tôi sẽ có thể tận dụng các công nghệ của mình để giúp bảo tồn các loài cực kỳ nguy cấp đang trên đà tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật mà loài người đã nhúng tay vào sự diệt vong của chúng", Lamm nói.
Trong kế hoạch của mình, Lamm đặt mục tiêu sẽ tạo ra được những phôi thai voi ma mút lông cừu đầu tiên trong vòng 4-6 năm tới. "Sẽ mất thêm 18-22 tháng để mang thai một con voi như chúng ta biết ngày nay. Rồi tiếp tục là 13 năm để có một con voi trưởng thành về mặt sinh dục", ông nói.
Nguyễn Linh (T/h)