Thứ sáu, 22/11/2024 12:09 (GMT+7)
Thứ tư, 24/07/2024 14:43 (GMT+7)

Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm phục hồi môi trường sau vụ khai thác đất trái phép?

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù đã được UBND xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng yêu cầu hoàn trả số đất khai thác trái phép trong thời hạn trước ngày 2/7/2024, nhưng đến ngày 19/7 thì ông Đặng Văn Phong vẫn chưa xử lý dứt điểm theo yêu cầu.

Cách đây không lâu, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã ghi nhận thực tế và có bài viết phản ánh tình trạng khai thác đất ruộng trái phép tại thôn Cổ Duy, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng. UBND xã Quyết Tiến đã lập biên bản làm việc đối với ông Đặng Văn Phong là người thuê các phương tiện khai thác, vận chuyển đất ruộng; yêu cầu ông Phong  dừng khai thác đất và hoàn trả số đất đã khai thác trong thời hạn trước ngày 2/7/2024.

Tuy nhiên, đến ngày 3/7, theo ghi nhận của Phóng viên, bãi đất mà ông Phong khai thác trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Phóng viên đã liên hệ trao đổi với lãnh đạo xã Quyết Tiến về việc chây ì của ông Phong trong việc hoàn trả số đất đã khai thác trái phép. Tuy nhiên, đến ngày 19/7, bãi đất vẫn chưa được hoàn trả theo yêu cầu. 

Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm phục hồi môi trường sau vụ khai thác đất trái phép? - Ảnh 1
"Đất tặc" ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất ruộng giữa ban ngày tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng.

Ngày 25/6/2024, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải bài viết phản ánh tình trạng khai thác đất ruộng trái phép giữa ban ngày tại địa bàn xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng. Bài viết nêu rõ: Vào ngày 18/6/2024 sau khi nhận được thông tin của người dân ở thôn La Cầu và thôn Cổ Duy, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng TP.Hải Phòng cung cấp về việc có nhiều phương tiện chuyên dụng như xe máy xúc, xe tải ben đang có hành vi khai thác trái phép đất ruộng. Các xe chở đất không dùng bạt che chắn, nối đuôi nhau chạy trên đường làm ảnh hưởng đến người dân và các phương tiện khác khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là ảnh hưởng đến môi trường.

Nhận được thông tin, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã kịp thời có mặt tại hiện trường. Theo ghi nhận thực tế, giữa ban ngày có một nhóm người đang sử dụng máy xúc để đào bới, múc lớp đất ở bề mặt ruộng tại cánh đồng thuộc thôn Cổ Duy. Sau đó hàng chục xe tải ben chở đất, nối đuôi nhau chạy rầm rập từ cánh đồng thôn Cổ Duy qua trục đường thôn La Cầu đi thẳng lên đê.

Cùng với đó, Phóng viên đã thông tin cho UBND xã Quyết tiến về sự việc trên. Ông Đoàn Văn Hậu, Chủ tịch xã Quyết Tiến lập tức chỉ đạo cán bộ xã xuống địa bàn kiểm tra, rà soát. Khi xuống địa bàn, cán bộ UBND xã bắt quả tang nhóm người đang khai thác và vận chuyển đất trái phép tại khu đồng Rộc Rồi, thôn Cổ Duy đi nơi khác. Hành vi đào bới, khai thác đất trái phép đã được UBND xã Quyết Tiến ngăn chặn, lập biên bản tại chỗ.

Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm phục hồi môi trường sau vụ khai thác đất trái phép? - Ảnh 2
Biên bản làm việc được UBND xã Quyết tiến lập ngày 18/6/2024.

Theo biên bản được UBND xã Quyết tiến lập ngày 18/6/2024, người đứng ra sử dụng, thuê các phương tiện khai thác và vận chuyển đất là ông Đặng Văn Phong trú tại thôn La Cầu, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng. Trong nội dung biên bản, ông Đặng Văn Phong thừa nhận việc khai thác đất tại cánh đồng Rộc Rồi (khu đất nông nghiệp) nhằm mục đích vận chuyển cho nhà ông Nguyễn Văn Việt để san lấp ao.

Việc làm của ông Đặng Văn Phong là trái với quy định của pháp luật. UBND xã Quyết Tiến yêu cầu ông Đặng Văn Phong phải dừng ngay hành vi khai thác, vận chuyển đất nông nghiệp, nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu ông Đặng Văn Phong phải hoàn trả khối lượng đất đã khai thác, thời hạn khắc phục xong trước ngày 2/7/2024.

Tuy nhiên, đến ngày 2/7/2024 nguồn đất được ông Đặng Văn Phong khai thác và vận chuyển cho nhà ông Phạm Văn Việt để san lấp ao vẫn còn ngổn ngang, chưa được xử lý dứt điểm theo yêu cầu trong biên bản làm việc của UBND xã Quyết Tiến đã lập ngày 18/6/2024.

Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm phục hồi môi trường sau vụ khai thác đất trái phép? - Ảnh 3
PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận hình ảnh khu tập kết đất trái phép ngày 2/7/2024.

Ngày 3/7, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường qua điện thoại, ông Đoàn Văn Hậu cho biết xã cũng đang tiến hành đốc thúc ông Phong vận chuyển xử lý. Ông Đoàn Văn Hậu cho biết thêm chỗ đất sai phạm đó sẽ cho san lấp vào ao ở gần đấy, nếu còn thừa thì sẽ cho những hộ dân có nhu cầu để lấp ao.

Tuy nhiên, đến ngày 19/7, Phóng viên tiếp tục ghi nhận bãi đất khai thác trái phép của ông Đăng Văn Phong vẫn chưa được vận chuyển xử lý.

Theo biên bản làm việc ngày 18/6/2024, nếu ông Phong không hoàn trả số đất khai thác trái phép thì sẽ bị xử lý theo quy định. Kính đề nghị UBND xã Quyết Tiến cần quyết liệt xử lý về việc ông Đặng Văn Phong cùng một nhóm người tự ý khai thác tài nguyên đất của địa phương; yêu cầu người vi phạm phải cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác đất trái phép.

Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm phục hồi môi trường sau vụ khai thác đất trái phép? - Ảnh 4
PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận hình ảnh khu đất tập kết đất trái phép ngày 19/7/2024.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để việc khai thác đất mặt ruộng tràn lan như hiện nay, Luật sư Ngô Văn Thạnh - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật The Light Hải Phòng cho biết: UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc khai thác khoáng sản tại địa phương của mình. Nếu để xảy ra hành vi vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm cá nhân, tổ chức có thẩm quyền có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, luật cán bộ, công chức hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

Như nhận định trong việc này các cá nhân có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” theo quy định tại điều 179 hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điều 360 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất có thể tới 12 năm tù.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, hoạt động khai thác đất, cát trái phép đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ… Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

Trần Đông - Duy Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm phục hồi môi trường sau vụ khai thác đất trái phép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới