Thứ năm, 21/11/2024 22:59 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/12/2023 08:11 (GMT+7)

Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng

Theo dõi KTMT trên

Nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm luật đê điều trên địa bàn thị trấn Tiên Lãng (Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) đang đặt ra câu chuyện về trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.

Tóm tắt: Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã ra Văn bản số 4986/VP-TL ngày 19/7/2023 về việc xử lý triệt để, quyết liệt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó, huyện Tiên Lãng phải hoàn thành trong tháng 9/2023. Tuy nhiên trên địa bàn TT.Tiên Lãng vẫn chưa xử lý triệt để, lại còn phát sinh thêm công trình vi phạm, gồm 1 công trình vi phạm luật đê điều, 3 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, và 3 nhà xưởng xây dựng trên đất ao HTX. Những vi phạm trên đều vi phạm, nhưng chưa được xử lý triệt để mà lại phát sinh thêm, làm thất thoát tài nguyên đất của nhà nước, ô nhiễm môi trường. Bài viết sẽ đề cập đến hiện trạng các công trình dự án có vi phạm và ý kiến các cơ quan hữu quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề này; Những vấn đề cần hoàn thiện để phù hợp với thực tế khi sử dụng, vận dụng luật Đê điều, luật Đất đai, kiến nghị UBND TP.Hải Phòng có biện pháp giám sát, xử lý vấn đề tránh việc thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Nhiều vi phạm

Trong thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ra Văn bản số 4986/VP-TL ngày 19.7.2023 về việc xử lý triệt để, quyết liệt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó, huyện Tiên Lãng phải hoàn thành trong tháng 9/2023.

Thực tế trên địa bàn TT.Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng), không những chưa xử lý dứt điểm các vi phạm, mà lại phát sinh thêm công trình sai phạm trên địa bàn.

Theo ghi nhận tại tuyến đê sông Văn Úc (khu 5 TT.Tiên Lãng) có một khung nhà xưởng kiên cố có diện tích khoảng 345m2. Qua tìm hiểu được biết, khu đất này thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn Thỉnh, thuộc đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản - xây dựng trang trại tổng hợp và tổ chức sản xuất kinh doanh những việc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 1
Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 2
Công trình vi phạm xây dựng nhà xưởng trái phép của ông Nguyễn Văn Thỉnh trên hành lang đê, thuộc tuyến đê sông Văn Úc khu 5 TT.Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng.

Vào ngày 20/10/2023, ông Thỉnh đã tự ý xây dựng nhà xưởng trái phép trên hành lang đê sông Văn Úc, chưa được chính quyền địa phương cho phép, vi phạm luật đê điều. UBND thị trấn Tiên Lãng nhiều lần lập biên bản xử lý nhưng ông Thỉnh vẫn không chấp hành và có hành vi cố ý và tái phạm. Do UBND thị trấn không đủ thẩm quyền xử phạt hành chính đối với nhà ông Thỉnh, cho nên UBND thị trấn Tiên Lãng đã thiết lập hồ sơ xử phạt hành chính gửi lên huyện Tiên Lãng để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Cũng theo ghi nhận, gần chân cầu Khuể, mặt đường tỉnh 354 (thuộc khu 6, TT. Tiên Lãng), qua tìm hiểu thì đây là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích, do UBND TT.Tiên Lãng quản lý và cho ông Nguyễn Văn Phú thuê đất với mục đích trồng trọt và chăn nuôi với diện khoảng 10.000 m2, thời hạn thuê đất là 5 năm. Hiện trạng sử dụng đất lúc ban đầu là đất ươm cây giống. Vào ngày 1/11/2023 ông Nguyễn Văn Phú tự ý đổ bê tông trên bề mặt toàn bộ diện tích, xung quang được lắp nhiều cây đèn cao áp và dự kiến làm sân bóng mini. Do đó, ông Nguyễn Văn Phú đã vi phạm pháp luật về sử dụng sai mục đích đã ký kết trong hợp đồng thuê đất. Làm thất thoát quỹ đất của địa phương và làm ô nhiễm môi trường.

Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 3
Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 4
Công trình xây dựng sân bóng mini trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Phú, mặt đường 354 chân cầu Khuể thị trấn Tiên Lãng, vẫn chưa xử lý được triệt để.

Cũng tại khu 6, TT.Tiên Lãng gần chân cầu khuể mặt đường tỉnh 354, trong đó, đường tỉnh 354 đang có dự án đầu tư cải tạo, mở rộng đường đoạn từ chân cầu Khuể đến cầu Minh Đức qua cụm công nghiệp TT.Tiên Lãng. Nhưng vẫn chưa giải phóng được mặt bằng do vướng 3 nhà xưởng sửa chữa ô tô của nhà ông Nguyễn Văn Thoảng, Nguyễn Văn Thỉnh và bà Nguyễn Thị Xinh nên dự án phải dừng lại. Qua quá trình tìm hiểu thì toàn bộ khu nhà xưởng của 3 cá nhân nêu trên đều là đất ao hợp tác xã thuyền buồm, có diện tích khoảng 3.000 m2. UBND TT.Tiên Lãng cũng lập biên bản xử lý nhiều lần nhưng vẫn không xử lý được dứt điểm để giao đất cho dự án. Do đó làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và sự phát triển của huyện Tiên Lãng.

Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 5
3 nhà xưởng vi phạm xây dựng trên đất ao vẫn chưa xử lý được dứt điểm, triệt để. Để bàn giao đất cho dự án mở rộng đường 354.

Qua ghi nhận thực tế và ý kiến phản ánh của quần chúng nhân dân, cử tri trên địa bàn TT.Tiên Lãng ngoài các vấn đề nêu trên, thì còn một số vấn đề như: Tại khu 6, phía sau cụm dân cư đường tỉnh 354 (TT.Tiên Lãng), có công trình xây dựng trái phép trên đất 5% (đất công ích) có diện tích khoảng gần 1.000 m2 của bà Nguyễn Thị Hoa. Được biết UBND TT.Tiên Lãng đã lập biên bản (ngày 11/5/2022) xử phạt và buộc phải tự khắc phục lại hiện trạng ban đầu, nhưng đến thời điểm hiện tại bà Nguyễn Thị Hoa không thực hiện mà còn xây dựng thêm. 

Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 6
Công trình xây dựng trên đất 5% của bà Nguyễn Thị Hoa vào tháng 5/2023.
Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 7
Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 8
Công trình xây dựng trên đất 5% của bà Nguyễn Thị Hoa cho đến nay đã hoàn thành, nhưng chưa được xử lý.

Tại đoạn đường 25, khu 7, TT.Tiên Lãng, nhà ông Nguyễn Văn Tuyến tự ý lấn chiếm kênh mương, hành lang thoát nước, san lấp xây dựng nhà ở và nhà xưởng trái phép. Qua tìm hiểu thực tế được biết, trên giấy tờ QSDD của nhà ông Nguyễn Văn Tuyến, tại thửa đất số 397; tờ bản đồ số 94; diện tích sử dụng 90m2 đất ở tại đô thị. Ông Tuyến đã không sử dụng đúng diện tích của mình mà tự ý san lấp kênh mương, hành lang thoát nước, xây dựng nhà xưởng kiên cố và xây dựng 2 gian nhà cấp 4. Hành vi của ông tuyến là xây dựng trái phép vi phạm pháp luật. 

Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 9
Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng - Ảnh 10
Tự ý lấn chiếm kênh mương, hành lang thoát nước, san lấp xây dựng nhà ở và nhà xưởng trái phép của ông Nguyễn Văn Tuyến, mặt đường 25, khu 7, TT.Tiên Lãng.

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, việc sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích khác mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và sẽ bị áp dụng các biện pháp xử phạt tương ứng. Như vậy hành vi xây nhà ở trên đất nông nghiệp mà chưa chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật.

Chính quyền xử lý nửa vời?

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Mai Văn Lượng - Chủ tịch UBND TT.Tiên Lãng cho biết: Trường hợp nhà ông Thỉnh, ông Phú, ông Thoáng và bà Xinh thì UBND thị trấn đã làm báo cáo và gửi lên trên huyện Tiên Lãng để xử lý vì vượt qua thẩm quyền của của thị trấn.

Còn đối với nhà ông Tuyến thì ông Mai Văn Lượng cho biết: Thị trấn đã lập biên bản và đã ra thông báo tháo dỡ. Tuy nhiên, ông Lượng không cung cấp tài liệu để minh chứng cho thông tin phát ngôn vì “không cho xem được chỉ biết là cung cấp thông tin cho báo chí”. Ông Mai Văn Lượng khẳng định gia đình ông Tuyến có sai phạm sử dụng vượt quá diện tích đất của mình. Tuy nhiên, vượt bao nhiêu m2 thì ông Lượng không cung cấp.

Về trường hợp xây dựng nhà bà Nguyễn Thị Hoa, ông Lượng không cung cấp thông tin.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhìn nhận, vừa qua, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 13 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến đất đai. Những hành vi mà người sử dụng đất, cán bộ, công chức hoặc tổ chức, cá nhân khác không được phép thực hiện khi sử dụng, quản lý đất đai đó là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai; sử dụng Quỹ phát triển đất không đúng mục đích tại khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 12 dự thảo Luật. Cũng theo dự thảo, hành vi bị nghiêm cấm về đất đai được đề xuất như sau: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai. Không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích. GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh: Các cấp chính quyền địa phương cần nghiêm túc thực hiện các quy định về đất đai và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Người đứng đầu hoặc người được phân công nhiệm vụ thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí quan tâm, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận với những thông tin chính thống từ các cơ quan, đơn vị liên quan, nhằm bảo đảm thông tin khi đăng phát trên báo chí được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phải quan tâm nâng cao trách nhiệm trong việc xem xét, xử lý các vấn đề báo chí nêu liên quan đến trách nhiệm của mình, thực hiện việc phản hồi thông tin báo chí theo đúng quy định của Luật Báo chí 2016, đồng thời theo dõi việc đăng tải phản hồi của các cơ quan báo chí.

Ngày 24/11/2023, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng kiểm tra thực địa, nghe báo cáo công tác quản lý tài sản đất đai và làm việc với một số hộ dân liên quan trên địa bàn quận Đồ Sơn. Qua kiểm tra, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng chỉ ra, quận Đồ Sơn đã buông lỏng công tác chỉ đạo quản lý đất đai, xây dựng và quản lý tài sản, không xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng yêu cầu UBND quận Đồ Sơn rà soát, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan việc ký kết các hợp đồng cho thuê đất không đúng quy định; chỉ đạo xử lý tài sản công theo quy định; đồng thời chỉ đạo rà soát, chấm dứt, hủy bỏ các văn bản của những cơ quan đã ký kết không đúng quy định với các hộ dân; rà soát, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, lập hồ sơ cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hộ dân cố tình không thực hiện việc bàn giao mặt bằng.

UBND TP.Hải Phòng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp phối hợp, hướng dẫn quận Đồ Sơn thực hiện trình tự, thủ tục tại các khu đất theo quy định pháp luật; tuyên truyền, vận động các hộ dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, bàn giao mặt bằng cho Thành phố để phục vụ chỉnh trang đô thị và phát triển du lịch. Đó là câu chuyện tại quận Đồ Sơn, còn đối với những việc nêu ở huyện Tiên Lãng, các cấp chính quyền địa phương từ thành phố, tới huyện và xã sẽ được xử lý ra sao?

Theo Luật Đất đai năm 2014, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng tùy mức độ và hành vi vi phạm. Hoặc bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình.

Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu diện tích đất trái phép dưới 0,5ha. Bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 3ha; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng nếu diện tích chuyển đổi trái phép từ 3ha trở lên.

Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì bị phạt triền từ 1 – 2 triệu đồng nếu diện tích dưới 0,5ha; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng nếu diện tích từ 0,5ha đến dưới 3ha và phạt từ 5 – 10 triệu nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm vừa bị phạt tiền vừa phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên diện tích đất vi phạm đó và nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm có được.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục đưa tin.

Duy Mạnh - Trần Đông

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Xử lý vi phạm luật đê điều và đất nông nghiệp nhìn từ câu chuyện tại Tiên Lãng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.