Hà Nội yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa tại các cơ quan hành chính kể từ ngày 1/11
Từ ngày 1/11/2020, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.Hà Nội phải gương mẫu và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo.
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 4996/UBND-ĐT về thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố...
Theo đó, từ ngày 1/11/2020, các cơ quan, đơn vị này phải gương mẫu và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ. Thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.
Tiếp tục vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch... trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi nilon cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi nilon khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
Nghiêm túc triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; bố trí hoặc yêu cầu bố trí các thùng thu gom, phân loại rác sinh hoạt và rác thải nhựa; tổ chức tập huấn, hướng dẫn phân loại rác tại các công sở, trường học, cơ sở y tế và các khu vực công cộng như: Sân bay, bến tàu, bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, công viên, quảng trường, khu du lịch, danh lam thắng cảnh...
Tăng cường năng lực, hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; thực hiện thu gom và xử lý riêng các loại chất thải đã được phân loại (bao gồm cả chất thải nhựa). Thực hiện thu phí dịch vụ thu gom rác đối với các tiểu thương tại các chợ dân sinh truyền thống.
Liên quan đến nhiệm vụ trên, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để thu gom chất thải nhựa trên các sông, suối, các ao hồ, rạch, kênh, mương... trong khu đô thị, khu dân cư.
Theo báo cáo của Liên hợp Quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17 trên 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm do rác thải nhựa lớn trên thế giới, 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.
Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và cộng đồng, năm 2015, lượng rác thải sinh hoạt cuả Việt Nam tăng tới trên 27 triệu tấn và đang tiếp tục tăng khoảng 5% mỗi năm. Trung bình mỗi người dân đô thị thải ra 1,6kg rác/ngày.
Theo thống kê, trên địa bàn TP.Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn/ngày; trong đó, rác thải nhựa chiếm 8 - 10%. Rác thải nhựa để lại hậu quả lâu dài và nghiêm trọng, vì chúng khó phân hủy, phá hủy môi trường đất, nước ngầm và đại dương. Ví dụ chai nhựa đựng nước uống hàng ngày có thể tồn tại đến 10 thế kỷ.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế rác thải nhựa và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cuộc chiến giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, đó là do thói quen của người dân khó thay đổi trong thời gian ngắn; một số địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt...
Hà Linh