Năm 2040: Lượng rác thải nhựa đại dương có thể tăng gấp 3 lần
Lượng rác thải nhựa đổ vào đại dương có nguy cơ tăng gấp 3 lần trong 20 năm tới, nếu các chính phủ, công ty không giảm mạnh sản xuất nhựa.
Theo nghiên cứu của tổ chức The Pew Charitable Trusts và SYSTEMIQ vừa được công bố trên tạp chí Science cho biết, đến năm 2040, lượng rác thải nhựa tồn tại trong đại dương sẽ lên đến 600 triệu tấn.
Lượng nhựa sản xuất hằng năm tăng nhanh kể từ khi tổng sản lượng nhựa toàn cầu đạt 2 triệu tấn năm 1950, cho đến năm 2017 đã lên tới 348 triệu tấn, dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2040. Nếu con người không có những giải pháp kịp thời để hạn chế hoạt động sản xuất và tiêu thụ nhựa, lượng rác thải nhựa đổ vào đại dương dự kiến sẽ tăng lên gấp 3 lần, từ 11 triệu tấn mỗi năm lên 29 triệu tấn/năm trong 20 năm tới.
Và phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Để đối phó với vấn đề nan giải này, các nhà sản xuất nhựa lớn trên thế giới cam kết giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, song vẫn tăng sản lượng nhựa và chỉ tập trung tài trợ các dự án vệ sinh môi trường. Một số đối tác lớn của họ là những tập đoàn như Coca-Cola, PepsiCo, Nestle và Unilever đều cam kết tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế trong sản phẩm.
Trong khi đó, ngành sản xuất nhựa cũng vận động các chính phủ không áp đặt lệnh cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên những cam kết của các chính phủ và doanh nghiệp hiện nay trên thế giới sẽ chỉ góp phần giảm 7% lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương vào năm 2040.
Để giảm 80% lượng rác thải nhựa ở đại dương, các nhà nghiên cứu cho rằng cần sử dụng các vật liệu có thể phân hủy để thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần; các bao bì đóng gói nên được thiết kế lại để tăng gấp đôi lượng sử dụng vật liệu có thể tái chế; chính phủ các nước đang phát triển phải chuyển hướng đầu tư hàng trăm tỉ USD từ hoạt động sản xuất nhựa sang các vật liệu thay thế nhựa dùng một lần, các cơ sở tái chế và thu gom rác thải; đồng thời kêu gọi các chính phủ thực thi những điều luật nhằm hạn chế ngành sản xuất nhựa và có nhiều trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu tái chế.
Minh Phương